Xác định đúng vai trò “mỗi người dân là một chiến sỹ”
Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt qua những khó khăn, lúng túng ban đầu, với sự hỗ trợ to lớn từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp, các địa phương bạn, sự hiến kế, góp ý của các nhà khoa học. Trong cuộc chiến chống COVID-19, thành phố không đơn độc. Đến nay, thành phố đã nỗ lực kiểm soát các ổ dịch và chuỗi lây nhiễm; kéo giảm số ca nhiễm mới; gỡ bỏ hàng trăm khu phong tỏa; thúc đẩy phong trào “kiểm soát và giảm được vùng đỏ, mở rộng vùng xanh”.
Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Mãi, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố có lắng dịu nhưng còn rất phức tạp. Số ca nhiễm vẫn còn cao; hệ thống điều trị quá tải và vận hành chưa đồng bộ. Quy trình tiếp nhận và điều trị các ca bệnh có lúc, có nơi chưa kịp thời, tỷ lệ tử vong chưa giảm. Nguy cơ dịch tái bùng phát mạnh hơn, khốc liệt hơn vẫn còn cao nếu mất cảnh giác, chủ quan. Ưu tiên tối đa cho công tác phòng, chống dịch, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, thành phố sẽ phải kéo dài giãn cách xã hội thêm 1 tháng để tập trung khống chế các nguồn lây nhiễm, đưa số ca nhiễm về mức thấp nhất; giảm nhanh số ca tử vong; từng bước đưa thành phố trở về trạng thái bình thường mới.
Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều địa phương khác như Trà Vinh, Cần Thơ, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cà Mau… đã quyết định kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tận dụng khoảng “thời gian vàng” này để tập trung toàn lực bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, cắt đứt chuỗi lây nhiễm, kiểm soát dịch bệnh theo mốc thời gian trong Nghị quyết 86 của Chính phủ: Kể từ ngày bắt đầu giãn cách, trong thời hạn 14 ngày phải xác định được cụ thể và bảo vệ được thật chắc các “vùng xanh”; có biện pháp, lộ trình cụ thể để chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”, “vùng cam” thành “vùng vàng” và khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ”.
Trong thời hạn 28 ngày, các địa phương này phải kiểm soát được tình hình trên địa bàn, phải cô lập được các “vùng đỏ” ở phạm vi hẹp nhất. Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9. Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1/9. Các tỉnh, thành phố khác phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8.
Cùng nhìn lại những bài học kinh nghiệm để có những giải pháp phù hợp cho công tác phòng, chống dịch giai đoạn tới là điều cần thiết. 9 bài học đã được Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nêu ra, bên cạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, đúng hướng, toàn diện, hiệu quả đồng thời chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế; huy động sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; huy động toàn bộ hệ thống chính trị; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các lực lượng là việc huy động sức dân, xác định đúng vai trò “mỗi người dân là một chiến sỹ” trong cuộc chiến phòng, chống dịch; kêu gọi, khuyến khích người dân tích cực ủng hộ, trực tiếp tham gia và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ngay tại địa bàn cơ sở, thiết lập và bảo vệ “vùng xanh” tại địa bàn dân cư sinh sống; phát huy vai trò của Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng để “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.
Bên cạnh đó, cần thực hiện sớm, kịp thời nhưng phải nghiêm, chặt chẽ ngay từ đầu khi thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg; phải dứt khoát, triệt để, nhằm kịp thời ngăn chặn tốc độ lây lan, giảm tác động của đại dịch đối với sức khỏe của người dân, hệ thống y tế và phát triển kinh tế xã hội. Các khu vực giãn cách, phong tỏa phải thực hiện nghiêm, thực chất, chắc chắn, hiệu quả; không để tình trạng “chặt ngoài lỏng trong” để nhanh chóng kiểm soát, ổn định tình hình dịch, không để dịch kéo dài gây ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội, an toàn trật tự xã hội.
Thực hiện các xét nghiệm tầm soát trên diện rộng, phát hiện sớm ca bệnh và nhanh chóng đưa các trường hợp nhiễm ra khỏi cộng đồng. Kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm RT-PCR; thực hiện gộp mẫu xét nghiệm nhằm tiết kiệm nguồn lực và đảm bảo hiệu quả. Công tác điều trị phải chủ động các phương án và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để đưa vào vận hành ngay các cơ sở thu dung, điều trị khi số ca mắc tăng cao; thực hiện phân tầng điều trị, khẩn trương thiết lập và đưa vào vận hành các trung tâm hồi sức tích cực để điều trị các ca bệnh nặng, nguy kịch. Đảm bảo sẵn sàng, các phương tiện, vật tư thiết yếu để thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 như máy thở, oxy y tế.
Vấn đề về an sinh xã hội cũng được Ban Chỉ đạo nhắc đến với việc phải đảm bảo công tác an sinh xã hội đối với người dân trong khu vực đang thực hiện cách ly, phong tỏa để người dân đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu, thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, nâng cao các điều kiện về ăn ở, động viên tinh thần đội ngũ lực lượng tuyến đầu chống dịch yên tâm công tác. Công tác truyền thông cần có sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.
Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, đó là công tác tổ chức thực hiện, quán triệt thực hiện nghiêm việc triển khai các biện pháp chống dịch, nhất là đối với cấp cơ sở; chủ động chuẩn bị sẵn sàng các vật tư, phương tiện phòng, chống dịch để kịp thời đáp ứng với các thay đổi của diễn biến dịch bệnh khi số mắc, tử vong tăng cao; đồng thời có kế hoạch điều phối hiệu quả các hoạt động chuyên môn về xét nghiệm, điều trị, chuyển tuyến cấp cứu người bệnh, công tác phối hợp giữa các lực lượng trên địa bàn, giữa lực lượng chi viện với lực lượng sẵn có, nhất là trong giai đoạn đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Thực hiện nghiêm, hiệu quả việc giãn cách xã hội
Để thực hiện quyết liệt hơn nữa, triệt để hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch nhằm phấn đấu đạt mục tiêu kiểm soát dịch bệnh như tại nội dung Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ; đồng thời nhanh chóng ổn định tình hình, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự xã hội và tiếp tục phấn đấu đạt các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, cần tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”; thống nhất trong lãnh đạo chỉ đạo; huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch. Đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt; chỉ đạo tốt, tuân thủ tốt, thực hiện tốt trong điều hành, quản lý công tác phòng, chống dịch ở các cấp trên địa bàn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cho rằng, cần triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm. Các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 phải thực hiện nghiêm, dứt khoát, thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ hơn việc giãn cách theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó” để thực hiện triệt để việc giãn cách, cách ly theo quy định. Áp dụng các biện pháp cao hơn nếu không đạt hiệu quả.
Cùng với đó, các địa phương thực hiện xét nghiệm thần tốc, tầm soát trên diện rộng, trước tiên tại các khu vực phong tỏa, có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và những người có nguy cơ lây nhiễm cao, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng để kịp thời phát hiện, đưa các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất. Tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm trong vòng 24 giờ. Xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm kiên quyết bảo vệ và mở rộng các “vùng xanh” trên địa bàn để từng bước kiểm soát tình hình dịch bệnh, không để dịch tiếp tục lây lan rộng hơn.
Từ góc độ chuyên môn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, phải áp dụng các biện pháp điều trị kịp thời, hiệu quả nhằm giảm tối đa các trường hợp tử vong. Chuẩn bị các phương án cao nhất có thể cho điều trị, bảo đảm đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất; hoàn thành, đưa vào sử dụng nhanh nhất các cơ sở thu dung, điều trị theo mô hình 3 tầng của Bộ Y tế; tổ chức tốt việc quản lý, điều phối các nguồn lực để kịp thời tiếp nhận, điều trị người nhiễm COVID-19 nhằm giảm tỷ lệ diễn biến nặng hơn ở tất cả các tầng trong đó đặc biệt lưu ý phân biệt những người bị nhiễm chưa có triệu chứng với những người có triệu chứng để tổ chức quản lý, theo dõi và trợ giúp y tế phù hợp, giảm tỷ lệ người chưa có triệu chứng diễn biến thành có triệu chứng; chủ động nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, kể cả huy động lực lượng y tế của các ngành và tư nhân.
Các vấn đề khác như đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng các nhu cầu về lương thực, thực phẩm, cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm thiết yếu, nhất là đối với người dân tại các khu vực đang thực hiện cách ly, phong tỏa, các đối tượng yếu thế; đảm bảo thực hiện thu dung, điều trị, cấp cứu kịp thời cho người dân khi có yêu cầu; cvhủ động xây dựng, phê duyệt kế hoạch tổng thể về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn để nhanh chóng triển khai tiêm ngay khi có vaccine về Việt Nam, được phân bổ; ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong triển khai hoạt động tiêm chủng… cũng là những giải pháp quan trọng cần quan tâm trong thời gian tới.