Nhìn lại việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg: Bài 2 - Dịch chưa được kiểm soát triệt để, còn khả năng bùng phát

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, qua 26 ngày triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và một số địa phương trên cả nước cho thấy, tình hình dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát tại một số địa phương, khu vực.

Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương lân cận (Bình Dương, Long An, Đồng Nai). Một số địa phương thuộc khu vực miền Trung (Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên), dịch chưa được kiểm soát triệt để, vẫn còn khả năng bùng phát và nguy cơ xuất hiện các ổ dịch lớn, do dịch đã lây lan rộng ra cộng đồng, trong các nhà máy, xí nghiệp và khu vực đông dân cư.

Chú thích ảnh
Các lực lượng chức năng kiểm tra các phương tiện lưu thông trên đường Võ Thị Sáu, Quận 3 khi Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 lần thứ 3 từ ngày 16/8. Ảnh: Thanh Vũ/ TTXVN

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và triển khai thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, diễn ra ngày 15/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thẳng thắn chỉ ra “nhìn tổng thể, công tác phòng, chống dịch COVID-19 chưa đạt được mục tiêu đề ra”.      

Nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt

Thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương đã tổ chức triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch như giãn cách, cách ly xã hội, "vaccine + 5K" và "chiến lược vaccine" phù hợp với tình hình, diễn biến tại từng địa bàn. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả và có sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau để huy động số lượng lớn nhân lực, vật tư, trang thiết bị cho phòng, chống dịch. 

Bộ Y tế đã liên tục bám sát diễn biến dịch trong nước và trên thế giới; thường xuyên cập nhật các giải pháp, mô hình mới trong phòng, chống dịch để hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương; tập trung chỉ đạo các địa phương chuẩn bị các phương án ứng phó theo diễn biến tình hình dịch; tổ chức mua, huy động, tiếp nhận viện trợ các trang thiết bị, thuốc, vật tư, chuẩn bị năng lực sản xuất, cung cấp oxy… cho công tác xét nghiệm, điều trị và liên tục chi viện, hỗ trợ các địa phương có dịch.

Chú thích ảnh
Bên trong phòng cấp cứu bệnh nhân COVID-19 nặng của Trung tâm Hồi sức Tích cực COVID-19 bệnh viện Việt Đức tại Bệnh viện Dã chiến 13 (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Ảnh: TTXVN phát

Riêng trong đợt dịch thứ 4 đến nay, Bộ Y tế đã điều động 11.411 cán bộ y tế tham gia chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khu vực phía Nam, trong đó có 1.054 bác sỹ, 2.145 điều dưỡng và 6.008 giảng viên, sinh viên từ các trường y. Các tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc, miền Trung đã cử 1.734 nhân viên y tế, với 4 bác sỹ và 1.248 cán bộ y tế, tình nguyện viên. Bộ thành lập Kho dã chiến tại Thành phố Hồ Chí Minh quản lý, cấp phát hàng nghìn máy thở, hàng triệu test xét nghiệm, hàng trăm nghìn khẩu trang, bộ phòng hộ cá nhân. 14 trung tâm hồi sức tích cực ICU đã được được thiết lập tại Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Long An, Bình Dương, Đồng Nai với quy mô từ 500-800 giường.

Thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương và hướng dẫn của Bộ Y tế, các địa phương đã kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch; xây dựng các kịch bản ứng phó với các tình huống dịch; thực hiện giãn cách, cách ly phù hợp theo mức độ nguy cơ; thực hiện truy vết, phát huy vai trò của các tổ chống dịch dựa vào cộng đồng; tổ chức và áp dụng các giải pháp lấy mẫu, xét nghiệm, cách ly, điều trị phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, chủ động, kịp thời thiết lập bệnh viện dã chiến đáp ứng với năng lực thu dung, điều trị trên địa bàn; thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực, điều trị các ca bệnh nặng, nguy kịch.

Một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Phú Yên, Tây Ninh, An Giang, Bạc Liêu, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau đã chủ động áp dụng các biện pháp bổ sung cao hơn, mạnh hơn Chỉ thị 16/CT-TTg áp dụng không cho phép người dân ra khỏi nhà từ 18 giờ đến 6 giờ ngày hôm sau; xây dựng các phương án phòng, chống dịch, thu dung, điều trị người mắc COVID-19 theo các tình huống dịch bệnh. Các chốt kiểm soát người ra vào địa bàn tỉnh, thành phố được thành lập, thậm chí, kiểm soát tới tận khu phố, ấp; nhiều đội phản ứng nhanh, truy vết và các Tổ phòng, chống COVID-19 dựa vào cộng đồng cũng được tổ chức, trong đó Bình Dương thành lập 5.788 Tổ phòng, chống COVID, 124 Tổ truy vết; Tiền Giang thành lập 291 Tổ truy vết, 221 Tổ lấy mẫu xét nghiệm…

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho thấy, các cấp, các ngành, các địa phương thường xuyên đánh giá, cập nhật nguy cơ dịch bệnh theo Quyết định 26/QĐ-BCĐQG của Ban Chỉ đạo, xác định, phân loại các khu hành chính thành các "vùng xanh", " vùng vàng",  " Vùng đỏ" để áp dụng các biện pháp tập trung khoanh vùng, xét nghiệm, cách ly sớm, thu hẹp nhanh nhất phạm vi có dịch (vùng đỏ), giữ vững và mở rộng khu vực an toàn (vùng xanh).  Các địa phương trong vùng, khu vực đã phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương có người dân lao động, làm việc tại các khu vực đang có dịch để tổ chức giao, nhận và đưa người dân trở về địa phương để quản lý, cách ly và theo dõi, giám sát y tế.

Việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch được thực hiện một cách kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định. Các địa phương đã xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân, công nhân thuê trọ, nhân viên y tế phục vụ trong các khu cách ly, điều trị, chi phí hỏa táng. Trong đó, Bình Dương hỗ trợ tiền trọ cho công nhân phải thuê nhà trọ với mức là 300.000 đồng/người, ngân sách dự kiến chi khoảng 240 tỷ đồng; hỗ trợ thêm chi phí hỏa táng người tử vong do COVID-19 là 3,6 triệu (ngoài mức chi theo quy định hiện hành là 20 triệu đồng/trường hợp); hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho khoảng 700 ngàn lao động ở trọ có hoàn cảnh khó khăn với mức hỗ trợ là 500.000/người; hỗ trợ từ 20.000 đến 70.000 đồng cho bệnh nhân F0 và nhân viên y tế phục vụ điều trị bệnh nhân trong khu cách ly, với mức chi dự kiến khoảng 26 tỷ đồng/tháng. Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị 1 triệu túi an sinh xã hội cho hộ gia đình, phòng trọ sử dụng trong 1 tuần gồm 10 kg gạo, mì gói và thực phẩm...

Số mắc COVID-19 vẫn gia tăng rất nhanh

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia, mặc dù đã triển khai các biện pháp giãn cách xã hội, song số mắc vẫn gia tăng rất nhanh chỉ trong một thời gian ngắn cho thấy dịch đã lây lan rộng trong cộng đồng, trải qua nhiều vòng lây nhiễm trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, việc triển khai giãn cách xã hội chưa dứt khoát, triệt để, chưa đáp ứng được các yêu cầu. Một số nơi, một số thời điểm chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, do đó khó khăn trong công tác truy vết, cách ly, khoanh vùng và dập dịch triệt để.

26 ngày qua, 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam ghi nhận 216.719 ca mắc COVID-19, trong đó số ca mắc ghi nhận qua sàng lọc tại cộng đồng là 39.918, chiếm 18,4% tổng số ca mắc trong thời gian thực hiện giãn cách.

Tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh những ngày qua không xuất hiện thêm chuỗi lây nhiễm mới, số ca nhiễm đi ngang và có xu hướng giảm. Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, bình quân trong 13 ngày qua (từ 2/8 đến 14/8), mỗi ngày có 3.800 ca nhiễm mới, nếu so với 13 ngày liền kề trước đó (từ 20/7 đến 1/8) là 4.615 ca nhiễm/ngày thì số ca nhiễm đã giảm 18%. Việc giãn cách theo Chỉ thị 16 trên địa bàn Thành phố cơ bản hiệu quả, nhất là tại các khu phong tỏa. Tỷ lệ ca nhiễm tại khu phong tỏa chỉ còn 57% (thời điểm đầu tháng 8, tỷ lệ này là 80%).

Song, chỉ trong vòng 24 giờ, từ 18 giờ ngày 14/8 đến 18 giờ 30 ngày 15/8, Thành phố Hồ Chí Minh lại ghi nhận số ca tăng kỷ lục với 4.516 ca, chiếm 47% số ca mắc mới của cả nước, tăng 285 ca so với khoảng thời gian liền kề trước đó. Lũy kế đến tối 15/8, Thành phố có trên 149 nghìn ca mắc COVID-19, chiếm hơn nửa tổng số ca mắc của cả nước.

Con số kiểm tra, xử lý vi phạm dưới đây trong thời gian giãn cách xã hội đã cho thấy phần nào bức tranh phòng, chống dịch quyết liệt tại một số địa phương. Đồng thời , điều này cũng cho thấy cuộc chiến này còn nhiều cam go, thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người dân: Cà Mau đã xử lý 12.601 trường hợp với số tiền khoảng 5 tỷ đồng, Bình Dương xử lý trên 5.000 trường hợp vi phạm, Hậu Giang xử lý 715 trường hợp, với số tiền 1,34 tỷ đồng; Bình Phước xử lý trên 3.000 trường hợp, với số tiền hơn 5,6 tỷ đồng. Những tồn tại, thách thức vẫn còn đó.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhiều tỉnh, thành đang phải đối mặt với thực tiễn hằng ngày số người nhiễm rất nhiều, ca bệnh tăng liên tục, trong khi năng lực điều trị tại chỗ rất hạn chế cả về người và trang thiết bị dù có sự chi viện của Trung ương cũng như các tỉnh, thành khác. 19 tỉnh, thành phố phía Nam cần kiểm soát chặt người, phương tiện ra - vào tại một số địa phương sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh, được coi là vùng xanh an toàn.

Bài 3: Còn nhiều tồn tại, thách thức 

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Nhìn lại việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg: Bài cuối - 'Mỗi người dân là một chiến sỹ' trong cuộc chiến phòng, chống dịch
Nhìn lại việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg: Bài cuối - 'Mỗi người dân là một chiến sỹ' trong cuộc chiến phòng, chống dịch

Tại Lễ phát động phong trào “Phát huy sức mạnh toàn dân tích cực tham gia phòng, chống dịch COVID-19”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã có những tác động lớn, ảnh hưởng đến đời sống người dân thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN