Nhọc nhằn Đồng Mậm

Chỉ cách thủ đô Hà Nội hơn 100 km, nhưng mấy chục năm nay, hàng trăm hộ dân thôn Đồng Mậm (xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) vẫn phải sống trong cảnh ba không: Không đường, không điện và không trạm y tế.

 

Bài 1: Chòng chành đường đến lớp

 

Không có đường bộ, trẻ em ở thôn Đồng Mậm hàng ngày phải chèo thuyền đến lớp. Hôm nào trời mưa, gió rét, sương mù dày đặc, các em đánh cược cả tính mạng của mình để đổi lấy con chữ.


Hai chị em Giáp Thị Thúy Lan, Giáp Văn Đạt thay nhau, người chèo thuyền, người tát nước.


Theo chân những thầy cô giáo trường Tiểu học Sơn Hải, chúng tôi lên thuyền đến điểm trường Đồng Mậm, điểm trường xa nhất, nơi các em học sinh ngày ngày chèo thuyền vượt sóng đến trường.


6 giờ 30 phút sáng, trời rét căm căm, sương mù dày đặc, chúng tôi lục tục xuống thuyền. Sau gần 1 tiếng đồng hồ, thuyền cập bến, chúng tôi phải đi bộ khoảng chừng 2 km mới đến điểm trường Đồng Mậm. Cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên dạy ở điểm trường Đồng Mậm cho biết: “Hôm nay trời tuy rét, nhưng may là không có gió, thuyền đi yên tâm và đỡ mệt hơn. Hôm nào mưa gió, sóng to, thuyền chòng chành, đi khổ lắm. Có hôm quần áo, giáo án ướt hết, nhưng lo nhất là thuyền bị lật sẽ rất nguy hiểm, vì nước hồ ở đây rất sâu”. Theo lời kể của cô Nguyễn Thị Nga, vì điểm trường xa, đi lại khó khăn nên các giáo viên dạy trong Đồng Mậm cứ sáng thứ hai thì vào trường, chiều thứ 6 mới lại về. Hôm nào trời đẹp thì mất khoảng 50 phút đi thuyền, hôm nào mưa gió thì lâu hơn. Nhiều hôm sương mù dày đặc, không nhìn thấy đường, thuyền bị lạc không tìm được bến đỗ, cứ vòng đi vòng lại mãi. Có hôm đến trường thì quần áo, đồ dùng dạy học cùng giáo án bị ướt hết.


Các thầy cô giáo có nhà ở tại điểm trường, nên một tuần chỉ phải đi lại 2 lần, còn các em học sinh ở Đồng Mậm thì hàng ngày phải vật lộn với sóng nước để đến trường. Trao đổi với các thầy cô giáo, chúng tôi được biết, cả thôn Đồng Mậm có một điểm trường, học sinh ở 4 ốc đảo (gồm Đồng Mậm, Suối Khoan, Thùng Thình và Bên Sông) đều về đây học. Trường lại không có chỗ cho các em ở bán trú, nên các học sinh cứ sáng đi, tối về. Trừ những em sống tại Đồng Mậm, còn các em học sinh nhà ở Suối Khoan, Thùng Thình, Bên Sông ngày ngày đều phải đi thuyền đến lớp.


Nằm giữa lòng hồ Cấm Sơn, thôn Đồng Mậm bao gồm 4 khu: Đồng Mậm, Suối Khoan, Thùng Thình và Bên Sông. Mỗi khu là một ốc đảo nằm giữa mênh mông sóng nước, phương tiện đi lại duy nhất của những người dân nơi đây là bằng thuyền. Trẻ em đi học, người lớn đi chợ, đi khám bệnh, đi làm nương... tất cả đều gắn liền với sông nước.

Nhà ở Bên Sông, nên ngày nào 2 em Giáp Văn Đạt (học sinh lớp 3) và Giáp Thị Thúy Lan (học sinh lớp 5) ở điểm trường Đồng Mậm cũng phải tự mình chèo chiếc thuyền độc mộc mất hàng tiếng đồng hồ để đến trường học. Thuyền nhỏ, nước tràn vào, hai chị em thay nhau, người chèo thuyền, người lấy ca tát nước ra. “Nhiều hôm trời mưa, phải tát nước nhiều, mỏi tay và mệt lắm. Hôm nào mưa to, có gió thì sợ thuyền bị lật. Cháu bị rơi xuống nước 3 lần rồi, sợ lắm cô ạ” - Lan nói.


So với trẻ em ở khu vực Bên Sông, thì các em ở Suối Khoan, Thùng Thình đỡ hơn, được ngồi thuyền máy đi học. Chiếc thuyền máy này cũng là do một nhóm các nhà hảo tâm quyên góp mua tặng, giúp các cháu có phương tiện đi học an toàn hơn. Các gia đình trong thôn thay phiên nhau đưa đón. Tuy được ngồi thuyền máy, nhưng chặng đường để đến được bến thuyền của nhiều em cũng là cả một vấn đề.


Nhà ở Suối Khoan, nhưng tận trong rừng sâu, sáng nào Hoàng Minh Trí cũng mất 2 tiếng đồng hồ mới đến được lớp học. Trí cho biết: “Sáng nào cháu cũng phải dậy từ 5 rưỡi sáng, đi bộ một tiếng đồng hồ ra Suối Khoan, rồi lại đi thuyền với các bạn một tiếng từ Suối Khoan ra Đồng Mậm học, chiều cháu lại tự đi về nhà”. Mè Văn Thành cũng vậy, sáng nào em cũng đi bộ từ Thùng Thình sang Suối Khoan “nhập hội” với các bạn. “Những hôm trời khô ráo thì còn đỡ, hôm nào trời mưa, các cháu đi bị ngã, có cháu đến trường quần áo, sách vở lấm bùn đất hết, nhìn thương lắm” - cô Luân Thị Thêu, giáo viên điểm trường Đồng Mậm cho biết.


Nhà ở xa, trưa không thể về, nên khi đi học, ngoài sách vở, đồ dùng học tập, trong cặp sách các em học sinh ở Đồng Mậm có thêm bữa cơm trưa, do bố mẹ các em chuẩn bị sẵn cho từ ở nhà. Buổi trưa, sau giờ học, các em ăn cơm ngay tại lớp. Bữa cơm của các em cũng rất “phong phú”, mỗi em một kiểu. Em thì có nắm xôi, thì nắm cơm tẻ trắng. Nhiều nhà không kịp chuẩn bị, nên bữa trưa của các em là một gói mỳ tôm để ăn sống, vì không có nước nóng để mà úp, ấy vậy mà các cháu vẫn vô tư ăn cơm. Nhìn bữa ăn trưa của các cháu, chúng tôi không khỏi chạnh lòng.


Chị Đàm Thị Sang, một phụ huynh học sinh kể: “Hàng ngày, khoảng 6 giờ kém là tôi dậy nấu cơm cho các con ăn. Cháu lớn học tiểu học thì nắm cơm cho cháu đi ăn trưa. Còn 2 cháu bé học mẫu giáo thì cô giáo nấu cơm cho ăn ở lớp nên không phải đem cơm. Rồi khoảng 6 rưỡi sáng tôi đưa con đi học, chiều đón con về. Nhiều hôm bận quá không đưa con đi học được, tôi để cháu tự bơi thuyền đi đến lớp. Nhưng mà cũng lo lắm, cháu nó nhỏ quá, đi một mình rất nguy hiểm”.


Vất vả là thế, nhưng thầy, trò ở điểm trường Đồng Mậm vẫn rất cố gắng, kiên trì, thầy cô không bỏ dạy, các em học sinh vẫn chịu khó đến lớp. Trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Thạo -Hiệu trưởng trường tiểu học Sơn Hải cho biết: “Ngày thường còn đỡ, những hôm mà trời giông bão, tôi lo đến mất ăn mất ngủ, vì sóng to, gió lớn, đi thuyền rất dễ bị lật, nước trong hồ lại sâu, rất nguy hiểm. Mùa đông trời chóng tối, nhiều hôm tan học thì trời cũng đã nhá nhem, nhiều em về đến nhà thì trời tối mịt, mà để các em nhỏ chèo thuyền đi về khi trời tối rất nguy hiểm, dễ bị lạc, nên chúng tôi lo lắm. Giá như có một con đường bộ, để cho các em đi học thì chúng tôi yên tâm hơn nhiều”.


Chia tay các thầy cô giáo và các em học sinh điểm trường Đồng Mậm, trên đường về tôi cứ ám ảnh câu chuyện mà cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thạo đã kể. Một hôm trời mưa gió to quá, trước khi lên thuyền vào Đồng Mậm, một cô giáo trẻ đã khóc mà nói với cô: “Nếu cháu có mệnh hệ gì, nhờ các cô chú quan tâm giúp con cháu, vì con cháu còn nhỏ quá…”.


Bài và ảnh: Phương Lan - Trần Toản


Bài 2: Sống cùng “ba không”…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN