Đoạn qua địa phận xã Đăk Long, Kon Plông, tại KM 205+700, do trời mù sương, các phương tiện gần như không thấy đường đi; đi khoảng gần 1 km nữa, các phóng viên đã chứng kiến điểm sạt lở mới xuất hiện vào sáng 7/12, cả một taluy dương bị sạt lở chắn luôn con đường Đông Trường Sơn.
Tuyến đường Đông Trường Sơn mới hoàn thành từ tháng 3/2015 đã phá thế “ốc đảo” vào xã Đưng K’Nớh. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN |
Mặt dù khi thi công, con đường đã được rào chắn bằng một hệ thống rọ đá ở taluy dương nhưng mưa kéo dài đã gây sạt lở một lượng lớn đất đá trôi xuống, tràn qua cả phần rọ đá chống sạt lở bên đường.
Đi qua phần sạt lở trên, tiếp tục qua cầu Đinh Màu, phóng viên TTXVN đã tiếp cận “điểm nóng” gây tắc toàn tuyến đường. Tại Km 202+217 hàng nghìn mét khối đất kèm đá từ một quả đồi đã sạt lở xuống giữa con đường. Suốt 3 ngày qua, các đơn vị chức năng đã “vật lộn” với điểm đen này cả ngày lẫn đêm nhưng không thể thông tuyến vì mưa quá nhiều.
Đến sáng 7/12, lại có thêm một tảng đá lớn (cao 2,5 mét, rộng 2 mét, dài 5 mét) rơi xuống chắn ngang đường Đông Trường Sơn làm sập đoạn đầu mố cầu phía bắc cầu Đăk Lô. Hiện tại cầu Đăk Lô có 3 tảng đá lớn chắn ngang đường khiến lực lượng chức năng không thể đưa máy móc về ứng cứu cho điểm sạt lở tại cầu Đinh Màu.
Hiện các đơn vị đang tổ chức khoan phá 3 tảng đá trên để thông tuyến. Theo anh Nguyễn Mộng Hoàng, Đội trưởng Đội quản lý tuyến III.4.1, Chi cục Quản lý đường bộ III.4, trên toàn tuyến đang có 10 phương tiện phục vụ thông tuyến. Nếu thời tiết thuận lợi thì chỉ trong 2 ngày là có thể thông tuyến. Tuy nhiên, nếu thời tiết mưa nhiều như mấy ngày qua thì không biết khi nào đường Đông Trường Sơn mới thông tuyến được.
Đường Đông Trường Sơn đoạn qua xã Ngọc Tem huyện Kon Plông là tuyến thường xuyên bị sạt lở. Trước thực trạng trên, theo ông Nguyễn Mộng Hoàng,đơn vị đã đề nghị chủ dự án là Ban Quản lý dự án 46 tổ chức gia cố mái, xây kè bê tông, cắt cơ, bạt mái ở 9 vị trí taluy dương.