Bước chân vào xóm chạy thận, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là không gian tĩnh lặng, mọi hoạt động như chậm lại. Mọi người ở đây ai cũng đi chầm chậm, nói chuyện với nhau rất nhẹ nhàng và ngay cả cái bóng của họ cũng rất nhỏ bé, gầy guộc, xanh xao. Cuộc sống của những bệnh nhân chạy thân phụ thuộc hoàn toàn vào hóa chất, máy móc. Một tuần chạy thận 3 lần nên cuộc sống của họ thật mong manh. Đặc biệt, với những người DTTS cuộc sống nơi núi rừng vốn đã rất vất vả, thiếu thốn. Nay, họ phải “nhập cư” vào xóm trọ này thì càng thêm bội phần khó khăn.
Anh Đức ngày ngày vẫn đi đánh giầy để kiếm sống. |
Đặng Thị Xiêm, sinh năm 1994, dân tộc Dao, quê ở huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn tâm sự: “Hai năm trước, khi em đang cảm nhận niềm hạnh phúc nhất của cuộc đời vì vừa mang thai đứa con đầu lòng thì nhận được tin dữ. Trong khi mang bầu, em thấy rất mệt mỏi, đi tiểu ra máu, ngứa phát ban nên đi khám thì các bác sĩ cho biết mình mắc bệnh thận. Kết luận của các bác sĩ như tiếng sét ngang tai, cuộc sống như đổ sụp trước mắt. Sau đó, em đành bỏ cái thai trong bụng rồi phải chạy thận trong bệnh viện Bạch Mai”.
Cũng may Xiêm có một người chồng thương vợ, khi biết cô mắc bệnh như vậy, đã hết lòng chạy chữa bán cả bò, cả trâu cho vợ nhập viện. Nhưng cuộc sống của cô cũng không biết sẽ trụ được đến bao giờ.
Cùng cảnh ngộ với Xiêm, Nguyễn Như Tuấn Đức cũng sinh năm 1994, dân tộc Mường ở xã Long Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình cho biết, Tuấn về xóm chạy thận này đã 7 năm. Khi học xong cấp 3, tương lai đang rộng mở, em thấy người gầy sút đi, thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa. Đi khám thì biết mình mắc bệnh thận. Vậy là dự định thi vào đại học của em đành chấm dứt. Bố mẹ thương con cũng chẳng còn cách nào khác là lam lũ kiếm tiền cho em chạy thận. Năm nay, sức khỏe của Tuấn cũng kém đi nhiều, nên mẹ em đã phải lên để chăm sóc con trai những ngày cuối đời. Mẹ em ngày ngày đi làm thuê giúp việc tự nuôi mình và lấy tiền trang trải cho con, đêm đêm lại về với em tâm sự cho vơi nỗi buồn.
Trong số những người dân tộc thiểu số ở xóm chạy thận, bà Vi Thị Lành, dân tộc Sán Chí, quê Bắc Giang là người lớn tuổi nhất (năm nay gần 60 tuổi). Tâm sự về cuôc đời mình, bà Lành buồn rầu cho biết: “Cách đây một năm, tôi từng một lần chết lâm sàng, lúc đó lọc máu xong tôi bị tụt huyến áp, trong người hụt hẫng, môi, mắt tím hết, nhìn nhợt nhạt nhưng các bác sĩ đã kịp thời hô hấp nên tôi thoát chết”.
Đặng Thị Xiêm tranh thủ làm việc nhà. |
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng những người dân tộc thiểu số ở “xóm chạy thận” này vẫn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Ngày ngày, họ vẫn dùng sức lực còn lại của mình để kiếm sống. Anh Hà Văn Đình, dân tộc Mường, ở Mường Cơi, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La cho biết, là người có thâm niên hơn 10 năm chạy thận, anh nhận thấy cuộc sống thật đáng quý biết bao. Vì vậy còn sống được ngày nào thì mình sống cho thật có ích ngày ấy. Bản thân anh khi “nhập cư” vào “xóm chạy thận” ngoài những lúc phải đi lọc máu và đau yếu anh đều cố gắng đi đánh giầy kiếm sống.
Anh Đình cho biết thêm, cư dân của xóm chạy thận này hầu như ai cũng phải tự tìm một việc gì đó để kiếm tiền để có tiền trang trải cuộc sống và thuốc thang cho mình. Dù cuộc sống chưa biết kéo dài được bao lâu, nhưng mọi người đều động viên rồi tìm việc cho nhau làm. Họ làm nhiều việc để mưu sinh như đánh giầy, bán báo, xe ôm, thậm chí có người còn viết được sách, báo nữa.
Anh Mai Anh Tuấn, Trưởng xóm chạy thận cho biết, hiện xóm chạy thận có 123 người, 100% đều là hộ nghèo, trong đó có 7 người là dân tộc thiểu số. Những người dân tộc thiểu số ở đây là những người nghèo nhất trong các người nghèo vì quãng đường đi lại của họ xa xôi nhất. Hoàn cảnh gia đình của họ vốn rất thiếu thốn. Tuy nhiên, ở trong xóm chạy thận này mọi người đều rất yêu thương, đùm bọc nhau, ai còn sức khỏe đi làm được thì đều cố gắng đi làm. Thậm chí dù khó khăn họ vẫn sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo cho những người khó khăn hơn.
Trước khi chia tay những con người đau khổ mà thân thiện này, anh bạn đồng nghiệp của tôi buồn rầu: “Sang năm, khi chúng ta quay lại sẽ chẳng còn đầy đủ nữa đâu”.