Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, dọc tuyến đường mòn chạy song song với bờ biển có tới hàng trăm hộ nuôi tôm thẻ chân trắng. Theo một số hộ dân, trước đây, tại khu vực này có cắm mốc phân định vị trí trong và ngoài địa phận rừng phòng hộ. Tuy nhiên, do quá trình san lấp, cải tạo ao nuôi diễn ra thường xuyên, lâu dài nên những cột mốc ấy đã bị vùi chôn dưới tầng tầng lớp lớp cát phủ, bị lãng quên.
Điển hình là hộ ông Huỳnh Quân, người đã thuê lại của UBND xã Phổ An 8 sào đất ven biển với thời hạn 20 năm. Ông Quân một mực khẳng định rằng, các hộ nuôi tôm ở đây không hề đốn hạ hay đầu độc cây dương trong rừng phòng hộ mà do thiếu nước, nắng nóng kéo dài nên nhiều cây "tự chết".
Điều đáng nói, các hộ này nghĩ ra cách đắp ao ương xen lẫn với những tán dương còn sót lại theo tỉ lệ ao ương - khoảnh dương - ao ương để “qua mặt” chính quyền và cơ quan chức năng. Nhưng họ không để ý là sự sắp đặt đó đã vô tình buộc tội họ, bởi lẽ dương không thể chết “có ý đồ” như vậy.
Và cuối cùng, ông Quân cũng thừa nhận việc lấn chiếm rừng dương, hộ ít lấn chiếm đất từ 7 - 8 mét, nhiều thì 15 mét.
Ngoài việc lấn chiếm đất để làm ao ương, ao nuôi, các hộ nuôi còn tự ý xây dựng nhà ở, khu trại nuôi gia cầm, đào giếng khoan ngay trong rừng dương phòng hộ. Hiện tại, chính quyền xã Phổ An vẫn đang loay hoay tìm hướng xử lý.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Thao, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ An cho biết, năm 2011, UBND xã tổ chức đấu giá đất cát ven biển và cấp cho 110 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng. Trong đó, hộ ít nhất được thầu 1.000 m2, nhiều nhất 4.000 m2. Xã đã quy hoạch vùng nuôi nằm cách xa rừng dương phòng hộ. Cụ thể, xã yêu cầu các hộ nuôi phải đắp ao “né” đường và trụ điện (được ví như cột mốc) ra 5 - 7 mét.
Như vậy, theo những gì mà ông Thao cho biết, các hồ tôm hiện có đều vi phạm nguyên tắc chung là vượt quá khoảng cách từ cột mốc ra tới biển, lấn sát đường mòn.
"Xã đã xử phạt hành chính nhiều trường hợp và bắt chủ hộ ký cam kết không tái phạm; lấp đất trả lại nguyên trạng ban đầu. Tuy nhiên, đâu lại vào đó vì những chủ mới là người ngoài tỉnh và khi thuê lại hồ tôm của chủ cũ không hay biết gì về cam kết này", ông Thao cho biết thêm.
Hiện tại toàn xã Phổ An có gần 300 ha đất có rừng phòng hộ. Việc xâm chiếm, phá hoại rừng dương làm ao nuôi tôm, trồng keo, cũng như khai thác cát lậu đã khiến cho “lá phổi xanh” bị biến dạng. Do vậy, chính quyền xã Phổ An, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) cần có biện pháp mạnh tay hơn nữa để chấm dứt ngay tình trạng này.