Những “bông hoa” vượt khó để thành công

Nhờ áp dụng kỹ thuật khoa học, học hỏi kinh nghiệm thực tế, lại được tham gia các lớp tập huấn do xã, huyện tổ chức, nhiều phụ nữ vùng Tây Bắc đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Vùng Tây Bắc là địa bàn chiến lược, đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhưng lại là vùng nghèo nhất so với cả nước, đời sống nhân dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trung bình 26%. Thế nhưng đồng bào Tây Bắc, đặc biệt là phụ nữ vùng Tây Bắc đã có nhiều đột phá trong phong trào làm kinh tế, nỗ lực cùng chính quyền địa phương vượt qua mọi khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng, trở thành tấm gương cho các chị em các dân tộc noi theo.

Những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong làm ăn kinh tế giỏi được tôn vinh lần này xứng đáng đại diện cho phụ nữ các dân tộc vùng Tây Bắc khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên có nhiều đóng góp trong sản xuất, kinh doanh. 

Nhiều tập thể, cá nhân không chỉ làm giàu cho xã hội, gia đình mình mà còn tạo công ăn, việc làm cho nhiều phụ nữ và người dân địa phương, tích cực công tác từ thiện, an sinh, xã hội… Đặc biệt là góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, gìn giữ, khôi phục và phát triển các ngành nghề, làng truyền thống.

Thông qua buổi tọa đàm, nhiều câu chuyện vượt khó làm kinh tế của chị em phụ nữ dân dân tộc được chia sẻ.

Để tôn vinh các chị em phụ nữ làm kinh tế giỏi, Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức “Hội nghị biểu dương phụ nữ các dân tộc làm kinh tế giỏi vùng Tây Bắc” tại thành phố Vinh (Nghệ An) ngày 11/6/2016. 32 tập thể và 160 phụ nữ dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc sẽ được vinh danh.


Trước đó, vào tối 10/6, cũng tại thành phố Vinh đã diễn ra buổi tọa đàm “Hoa trên thương trường” với sự tham gia, chia sẻ của nhiều “nữ tướng” làm kinh tế giỏi. Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ “Hội nghị biểu dương phụ nữ các dân tộc làm kinh tế giỏi vùng Tây Bắc”.


Tại buổi tọa đàm, chị Phù Thị Thiên, dân tộc Dao ở Hà Giang cho biết: “Phụ nữ dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa thấp, cuộc sống phụ thuộc chồng và bị xã hội định kiến là phải ở nhà phục vụ gia đình, ít được giao lưu với bên ngoài. Tuy hiên, tôi luôn khát khao thoát ra khỏi hủ tục đó để vươn lên làm kinh tế, cải thiện đời sống gia đình”. 


Chị Thiên chia sẻ, bản thân mong muốn giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc nên rủ chị em trong xã tham gia làm, sau đó thành lập Hợp tác xã. Được hơn 8 năm hoạt động, HTX dệt thổ cẩm tại xã Tân Bắc, huyện Quanh Bình đã hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động, thu nhập trung bình gần 2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mặt hàng của các xã viên làm ra còn nhỏ lẻ, khó khăn tìm đầu ra. 


Nói về kinh nghiệm, chị Thiên trả lời: “Cứ yêu nghề và được chị em phụ nữ tin tưởng nghe, làm theo thì sẽ làm được. Tôi trăn trở làm thế nào để có những đơn hàng ổn định để HTX phát triển, sẽ tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ của địa phương và giữ được nghề truyền thống của dân tộc không bị mai một”.

Chị em chia sẻ cách làm kinh tế để học hỏi lẫn nhau.

Cũng như nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số khác, chị Phàn Thị Thủy ở Mèo Vạc (Hà Giang) sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, nơi người dân cần cù, chịu thương, chịu khó, nhưng cái đói, cái nghèo vẫn thường xuyên đeo bám. Chị Thủy trăn trở nghĩ cách thoát khỏi đói nghèo nên tự đọc sách, báo, xem ti vi và tham gia các lớp tập huấn do xã, huyện tổ chức để áp dụng kỹ thuật khoa học vào cuộc sống thực tiễn để phát triển kinh tế gia đình.


Hiện nay, gia đình chị Thủy đã chăn nuôi được gần 10 con trâu, 23 con bò, 4 con ngựa, gần 20 con lợn, 400 con gà; trong đó, mô hình chăn nuôi ngựa bạch của gia đình chị được đánh giá là có khả năng nhân rộng, góp phần bảo tồn và phát triển đàn ngựa bạch trên địa bàn xã. 


Bên cạnh đó, chị và gia đình còn trồng 15 ha rừng (chủ yếu là cây sa mộc, cho doanh thu 100 triệu đồng/năm); 5 ha cỏ chăn nuôi; 500 cây chuối tiêu hồng; 1,6 ha lúa; 2,6 ha ngô thu nhập của gia đình đạt 250 triệu đồng/năm… Thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách”, chị Thủy hỗ trợ giống và chia sẻ kinh nghiệm giúp bà con dân tộc thiểu số trong thôn, bản phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo.


Bà Hoàng Thị Hạnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng, từ những câu chuyện nỗ lực vươn lên của chị em người dân tộc, để có nhiều hơn những tấm gương phụ nữ dân tộc làm kinh tế giỏi, các cấp các ngành và đoàn thể cần tháo gỡ những khó khăn, tạo nhiều cơ hội để họ được tiếp cận với kiến thức, kỹ thuật khoa học trong phát triển sản xuất. Các cơ quan thông tấn, báo chí cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những tấm gương phụ nữ dân tộc làm kinh tế giỏi để động viên, khích lệ và các chị em phụ nữ khác học hỏi làm theo.

 

Tin, ảnh: Việt Hoàng
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Bắc
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Bắc

Ngày 19/5, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị và đoàn công tác đã tới thăm và làm việc với Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN