Việc hình thành các khu, cụm công nghiệp và chủ trương di dời các nhà máy sản xuất gây ô nhiễm ra ngoại thành đã khiến môi trường ở TP Hồ Chí Minh từ nội đến ngoại thành ngày càng ô nhiễm nặng đến mức báo động. Môi trường nước, không khí của thành phố không chỉ bị các doanh nghiệp của thành phố “đầu độc” mà còn có sự “góp sức” từ các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Nhiều nông dân các huyện như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi “than thở” rằng họ phải bỏ hoang đất hoặc sản xuất cầm chừng khi nguồn nước bị ô nhiễm không thể sử dụng để sản xuất được nữa.
Ruộng bỏ hoang vì... nước thải
Cách đây chừng 10 năm, khi ra khỏi nội thành đến các huyện Hóc Môn hay Bình Chánh, người dân còn gặp những cánh đồng lúa, những vườn rau xanh bạt ngàn. Thế nhưng hình ảnh đó hiện nay rất ít, thay vào đó là những bãi đất trống ngập đầy nước thải. Ông Nguyễn Văn Thân, xã Vĩnh Lộc A (Bình Chánh), cho biết: “Đất giờ bán không được mà sản xuất cũng không xong. Với gần một mẫu đất này, 5 năm trước tôi còn sản xuất lúa hai vụ, mỗi vụ không dưới 4 tấn. Bây giờ thì bỏ hoang, chờ giá đất lên sẽ bán chứ nước đâu mà sản xuất nữa”. Băn khoăn tôi hỏi: “Nước ngập trắng đó, sao bác bảo không có nước mà sản xuất?”. “Nước đó là nước thải, làm sao mà sản xuất được. Mùa này mưa nhiều nên có nước, chứ mùa hạn lấy nước ở đâu mà bơm. Kênh mương dẫn nước trước đây giờ ô nhiễm, đen thui hết rồi” - ông Thân cho biết thêm. Quả thật, những con kênh ở khu vực Vĩnh Lộc này hiện nay đều trở thành kênh thoát nước thải và bị cỏ dại trùm kín, nước kênh chuyển sang màu đen bốc mùi hôi thối.
Những cánh đồng bỏ hoang ngập nước ở xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh. |
Nhiều nông dân ở xã Đông Thạnh (Hóc Môn) tiếc rẻ khi thấy đất của họ ngày càng hoang hóa bởi không có nước sạch sản xuất. “Bây giờ chỉ có thể khai thác nước ngầm trồng rau, chứ nước mặt bây giờ bị ô nhiễm nên không thể tưới rau hay trồng lúa được. Ở đây không con kênh nào còn nước sạch, toàn đen thui và bốc mùi” - ông Trần Thanh Vĩnh, ấp 4 xã Đông Thạnh cho biết. Ở xã Đông Thạnh, hiện nhiều người dân vẫn bám đất để trồng rau xanh an toàn cung cấp cho thành phố, nhưng hầu hết người trồng rau phải khoan giếng ngầm để bơm nước tưới.
Trong khi đó, các huyện ngoại thành như Bình Chánh, Củ Chi vẫn bị nước bẩn và ô nhiễm môi trường tấn công. Dọc theo tuyến kênh Đức Hạnh (giáp ranh giữa Củ Chi và tỉnh Long An), đất nông nghiệp cũng phải bỏ hoang vì không có nước sạch để sản xuất. Trong khi đó, nước kênh thì đen thui và bốc mùi do phải hứng nước thải từ các khu công nghiệp (KCN) nằm trên địa bàn huyện Đức Hòa (Long An) và các nhà máy trên địa bàn huyện Củ Chi. Ông Trần Văn Thời cho biết: Tuyến kênh ngày xưa cung cấp nước sản xuất cho toàn vùng, nhưng những năm gần đây bị ô nhiễm nặng, không còn cung cấp nước sản xuất mà chỉ là tiêu thoát nước.
Không chỉ ô nhiễm nguồn nước, hiện môi trường sống của người dân các huyện ngoại thành cũng bị ô nhiễm không kém. Người dân ba xã lân cận KCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) là Tân Nhựt, Tân Tạo, Lê Minh Xuân đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại và cầu cứu lên Hội đồng nhân dân thành phố vì môi trường sống bị ô nhiễm nặng do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất từ KCN Lê Minh Xuân và lân cận thải ra. Bà Huỳnh Thị Kim Xuyến, Phó Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Bình Chánh, cho biết: Trong khu vực gồm khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân và KCN Lê Minh Xuân, tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hai đơn vị chưa có hệ thống xử lý nước thải, 11 đơn vị chỉ có hệ thống xử lý sơ bộ và 8 đơn vị chưa có hệ thống xử lý khí thải, hai đơn vị có hệ thống xử lý khí thải nhưng không vận hành thường xuyên, xả khói gây ô nhiễm môi trường vào ban đêm. Ngoài ra, còn một nguồn gây ô nhiễm khác xuất phát từ thượng nguồn đó là nước thải từ các nhà máy thuộc huyện Hóc Môn, Củ Chi (như tại bãi rác Đông Thạnh, KCN Tây Bắc Củ Chi) tuôn thẳng ra kênh Thầy Cai - An Hạ, dẫn đến nguồn nước tại nơi tiếp giáp là xã Phạm Văn Hai đen ngòm và hôi thối. Nhiều người dân cho biết, khi có đoàn kiểm tra thì các doanh nghiệp đối phó bằng cách hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động nên không phát hiện được hành vi xả thải ra môi trường.
Doanh nghiệp vô tư
Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết: Trên địa bàn huyện có 18 tuyến kênh ô nhiễm nhẹ, 7 tuyến kênh ô nhiễm nặng do nguồn thải từ thượng nguồn đổ về từ các KCN xả ra, trong đó khu vực bị ô nhiễm nặng nề nhất là khu vực cạnh KCN Lê Minh Xuân. Gần 10.000 hộ dân xung quanh phải sống chung với mùi hôi khó chịu từ hệ thống nước thải của KCN. Anh Nguyễn Văn Năm, sống gần KCN này, cho biết: Nước từ KCN xả ra có mùi khiến khó thở. Nhiều lần chúng tôi kiến nghị lên xã nhưng vẫn không có chuyển biến gì. Theo người dân sinh sống ở khu vực này cho biết, ô nhiễm thẩm thấu vào nước ngầm, trước đây khoan giếng khoảng 45 m là dùng được, bây giờ khoan sâu từ 150 - 200 m mới có nước sạch và nước cũng bị hôi.
Một con kênh ngập rác ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. |
Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh hiện có 6/15 KCN đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nhưng qua kiểm tra đã phát hiện có nồng độ chất thải vượt quy chuẩn cho phép từ gần 2 lần đến gần 40 lần. Hàng loạt KCN xả thải gây ô nhiễm môi trường đang nằm trong “tầm ngắm” của các ngành chức năng, như: KCN Cát Lái 2, Hiệp Phước, Tân Tạo, Tân Thới Hiệp… Những đơn vị khác nhẹ hơn là: KCN Tân Phú Trung, Khu chế xuất Linh Trung III… Trong khi đó, tỉnh Bình Dương có 28 KCN với tổng diện tích hơn 8.700 ha, trong đó 21 KCN đã đi vào hoạt động với tổng lượng nước thải công nghiệp khoảng 49.000 m3/ngày đêm. Qua kiểm tra của các ngành chức năng mới đây đã phát hiện 14/21 KCN ở tỉnh này xả thải vượt chuẩn cho phép. Những KCN được xếp hạng “đen” là KCN Bình Đường, Sóng Thần 2, Tân Đông Hiệp A, Tân Đông Hiệp B… Trong khi đó, Bình Dương là tỉnh “đầu nguồn” của TP Hồ Chí Minh nên khi các KCN của Bình Dương xả thải thì TP Hồ Chí Minh “gánh” hết.
Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh:
Trên địa bàn huyện có 18 tuyến kênh ô nhiễm nhẹ, 7 tuyến kênh ô nhiễm nặng do nguồn thải từ thượng nguồn đổ về và từ các KCN xả ra. Huyện đã từng chỉ đạo ban, ngành xem xét việc rút giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nhiều lần. Theo quy định, rút giấy phép khi doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhưng lại không có định nghĩa như thế nào là nghiêm trọng.
Tiến sĩ Trần Hồng Thái, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường:
Quyền hạn pháp lý của các tổ chức bảo vệ môi trường, đặc biệt là lực lượng cảnh sát môi trường, còn nhiều hạn chế đã tác động không nhỏ đến việc xử lý những sai phạm mang tính răn đe. Ngoài ra, một phần cũng do sự chồng chéo, thiếu cơ chế phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện giữa các ngành chức năng quản lý nhà nước về môi trường.
Ông Lê Hữu Quang, Trưởng phòng Kinh doanh dịch vụ khách hàng thuộc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn:
Việc gây ô nhiễm nguồn nước tác hại rất lớn nhưng việc phát hiện và xử lí thì quá chậm và hậu quả đã rồi. Rõ ràng việc xả rác ra sông, xả thải ra sông còn phổ biến và việc này còn hạn chế do công tác tuyên truyền, công tác xử lý còn chậm và nhẹ. Chúng ta cũng đã đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng nâng cao nhận thức đoàn thanh niên, hội phụ nữ… tham gia vận động người dân làm sạch môi trường, tuy nhiên vấn đề nằm ở việc xử phạt chưa nghiêm. Nếu như doanh nghiệp, đơn vị nào cũng bị phạt như Hào Dương, Vedan... thì ai dám làm nữa. |
Theo đánh giá của cơ quan quản lý môi trường, để qua mắt lực lượng chức năng, các doanh nghiệp thường chọn thời điểm đêm tối, lợi dụng những lúc trời mưa, thủy triều lên cao để xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh, rạch. Trong khi đó, các công ty trong ngành dệt nhuộm rất tinh vi khi dùng hệ thống van xả thải để thực hiện hành vi sai trái. PC49 - Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết kiểm tra doanh nghiệp ngành dệt, nhuộm trên địa bàn thì phát hiện 100% đơn vị vi phạm Luật Môi trường. Điển hình là Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn trong năm vừa qua đã bị phát hiện hệ thống các van xả thải được lắp đặt tinh vi ngay trong hệ thống sản xuất, mỗi ngày công ty này xả ra kênh Tham Lương hàng nghìn mét khối nước thải chưa qua xử lý.
Theo phân tích của các nhà chuyên môn, các tuyến kênh ô nhiễm nặng ở TP Hồ Chí Minh có thành phần rất đa dạng, chủ yếu là những chất lơ lửng, chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và kim loại nặng… Tại những khu vực bị phát hiện ô nhiễm môi trường cao, nồng độ các chất thải như BOD, COD, SS, kim loại nặng… đều vượt quy chuẩn loại B, nước biến thành sông đen, không thể sử dụng được và gây mùi hôi thối ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Riêng về khí thải, nồng độ các chất như bụi, NO2, CO, SO2 và tiếng ồn quan trắc đều vượt mức cho phép nhiều lần. “Điều đáng lo là các chất thải trên đã và đang thấm sâu vào môi trường nước, gây tổn hại không ít đến sức khỏe cộng đồng. Qua số liệu quan trắc, các chỉ tiêu về ô nhiễm đang có sự gia tăng theo từng năm với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn”- một cán bộ Sở Tài nguyên Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết.
Kiên quyết xử lý
Theo Đại tá Lương Minh Thảo, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường (C49), khi cảnh sát môi trường kiểm tra 10 cơ sở, có tới 6 cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Có những cơ sở không những xả thải vào ban đêm, mà xả thải cả vào ban ngày. Về thẩm quyền, cảnh sát môi trường chỉ phạt mức 10 triệu đồng khi bắt quả tang cơ sở vi phạm. Vì vậy, một số doanh nghiệp cố tình gây ô nhiễm môi trường, chấp nhận phạt bởi mức phạt đó không đáng kể.
Trong khi đó, mặc dù TP Hồ Chí Minh đã kiên quyết xử lý các trường hợp doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường nhưng tình trạng này vẫn chưa được cải thiện. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp bị phạt đi phạt lại nhiều lần nhưng vẫn cố tình vi phạm. Điển hình như công ty cổ phần thuộc da Hào Dương (KCN Hiệp Phước - Nhà Bè). Cuối tháng 9 vừa qua, Ban Quản lý các KCX- KCN TP Hồ Chí Minh (Hepza) đã bàn giao hồ sơ vi phạm của công ty này đến thanh tra chuyên ngành để tiếp tục xử phạt về hành vi vi phạm môi trường. Trước đó, công ty này đã bị phạt ít nhất hai lần cũng vì hành vi xả khí thải, nước thải không qua xử lý ra sông Đồng Điền. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh xử lý mạnh tay bằng hình thức đóng cửa công ty này vì vi phạm nhiều lần.
TS.Trần Thị Mỹ Diệu - Trường Đại học Văn Lang TP Hồ Chí Minh, cho rằng thời gian qua, với phương pháp huy động sức mạnh của cộng đồng tham gia trong nhiều lĩnh vực như quản lý nguồn nước, vệ sinh môi trường đô thị, đánh giá tác động môi trường… đã phát huy hiệu quả rất tốt trong việc giám sát các cơ sở gây ô nhiễm. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần có thêm các biện pháp chế tài để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Có như vậy mới cải thiện thực trạng xả rác, nước thải bừa bãi, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống hiện nay.
Trong nhiều đợt tiếp xúc cử tri của HĐND thành phố, người dân đã đề nghị các ngành chức năng có những biện pháp kiên quyết hơn trong việc xử lý những doanh nghiệp, đơn vị có những hành vi xả thải ra môi trường không đúng quy định. Chỉ có như thế mới hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống và sản xuất của người dân. “Nếu thành phố không có các biện pháp tích cực ngay từ bây giờ, thì không bao lâu nữa tình trạng ô nhiễm sẽ tràn lan và trầm trọng hơn” - ông Nguyễn Văn Năm cho biết.
M.Thuyết - H.Tuyết