Nguồn nước từ sông Đồng Nai, Sài Gòn ngày càng ô nhiễm

Theo đánh giá của Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), nguồn nước trên sông Sài Gòn mỗi năm đều xấu đi khi các chỉ số hóa sinh đều tăng. Để đảm bảo nguồn cung nước sinh hoạt cho người dân thành phố, đã có ý kiến đề xuất thành phố nên xây dựng các đường ống dẫn nước thô từ hồ Dầu Tiếng và Trị An về cung cấp cho các nhà máy.


Chất lượng nước giảm


Theo ông Bạch Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc Sawaco, chất lượng nước sông Sài Gòn có chiều hướng ngày càng xấu do mức độ ô nhiễm. Nguyên nhân là do nước thải từ các KCN Tân Quy và Tân Phú Trung (Củ Chi) cũng như các doanh nghiệp và KCN nằm trên đầu nguồn thuộc các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh thải ra sông. Theo đó, dù rằng các KCN này nằm ở hạ nguồn của trạm cấp nước thô Hòa Phú (huyện Củ Chi), nơi bơm nước về Nhà máy nước Tân Hiệp, nhưng do khoảng cách rất gần nên đã gây ảnh hưởng đến chất lượng nước tại trạm bơm, đặc biệt là vào những lúc thủy triều lên. Không chỉ có vậy, nước thải từ các KCN của tỉnh Bình Dương và nước thải sinh hoạt của thị xã Thủ Dầu Một đều thải ra nhánh sông Thị Tính ở thượng nguồn của trạm bơm Hòa Phú.

Một số người dân tiếc đất bị bỏ hoang tiếp tục gieo cấy (ảnh chụp ở ấp 5, xã Vĩnh Lộc A, Bình Chánh).


Tăng mức xử phạt về hành vi gây ô nhiễm môi trường

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến, chiểu theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính vừa được Quốc hội thông qua thì tới đây, hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có thể bị phạt tới 2 tỷ đồng. Đây là một mức phạt rất cao, có tính chất răn đe mạnh. Điều này sẽ góp phần khiến các doanh nghiệp cẩn trọng hơn bởi vì trước đây, với mức phạt nhẹ, nhiều cơ sở sẵn sàng nộp phạt để tiếp tục vi phạm. Việc nâng mức phạt cao là một chế tài quan trọng. Thêm vào đó, ý thức của cộng đồng, của người dân nói chung cũng sẽ cao hơn.

Hiện hàng tháng Sawaco đều kết hợp với Trung tâm Y tế dự phòng và Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố để kiểm tra chất lượng nước sông Sài Gòn. Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân thành phố, Sawaco đã cố gắng xử lý để "đầu ra" từ Nhà máy nước Tân Hiệp đạt tiêu chuẩn nước sạch theo quy định. Trong khi đó, Tiến sĩ Tô Văn Trường, thành viên Ban Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước KC08/06-10 của Bộ Khoa học - Công nghệ, cho biết: "Nguồn cấp nước sinh hoạt cho người dân TP Hồ Chí Minh hiện nay được lấy trực tiếp từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn ngày càng bị ô nhiễm nặng vì chất thải công nghiệp. Chất lượng nước ngày càng xấu đi, lượng chất hữu cơ tăng, lượng ôxy hòa tan giảm. Ngay cả nguồn nước ngầm vùng Hóc Môn của TP Hồ Chí Minh cũng bị ô nhiễm nặng do hàm lượng NH4, NO2 tăng, làm công suất xử lý của các nhà máy nước phải giảm dần để đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, rác thải trên các dòng sông Đồng Nai, Sài Gòn cũng đang ở mức báo động, đã làm tắc cửa thu nước của các trạm bơm lấy nước sinh hoạt".


Trước thực trạng nguồn nước dùng cho sinh hoạt của hàng triệu người dân TP Hồ Chí Minh đang bị đe dọa, vừa qua UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã đề nghị các nhà đầu tư nghiên cứu dự án xây dựng đường ống dẫn nước thô từ hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) và hồ Trị An (Đồng Nai) về các nhà máy xử lý nước sạch nhằm thay thế nguồn cấp nước tại sông Sài Gòn hiện nay.


Quy hoạch nguồn nước sạch


Tiến sĩ Tô Văn Trường cho biết vấn đề đối với TP Hồ Chí Minh là cần quy hoạch lại việc khai thác, sử dụng và quản lý nguồn nước thô cho hệ thống cấp nước, đầu tư đồng bộ cho nhà máy xử lý nước và hệ thống phân phối nước; đồng thời cần có kế hoạch quản lý và khai thác nguồn nước tổng hợp theo lưu vực sông để cân đối và điều phối nhu cầu dùng nước của các ngành một cách hiệu quả, cùng với chiến lược và kế hoạch toàn diện để kiểm soát chất lượng nước.


Trong khi đó, theo ông Lê Hữu Quang - Trưởng phòng kinh doanh dịch vụ khách hàng thuộc Sawaco, việc liên kết các địa phương trong việc bảo vệ nguồn nước còn nhiều bất cập và chưa có cơ quan xuyên suốt để bảo vệ nguồn nước. “Hiện các nhà máy nước của TP Hồ Chí Minh lấy nước trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, thượng nguồn của các con sông này nằm ở địa bàn các tỉnh bạn như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước… trong khi đó, ở đây lại có các KCN ven bờ và việc quản lý xả thải của các KCN này lại hạn chế. Ngoài ra, nguồn nước chính phục vụ nhân dân ở các TP lớn lại phụ thuộc vào nguồn nước này. Do đó chúng ta phải có cơ quan quản lí chất lượng, quản lí nguồn nước. Vấn đề hiện nay là mỗi tỉnh quản lí một khu vực, con sông chảy qua, TP Hồ Chí Minh chỉ quản lý được khu của mình, lấy nước của mình nhưng khu vực đó lại chịu ảnh hưởng ô nhiễm ở trên thượng nguồn nằm trên địa phận tỉnh bạn. Vì vậy, để có nước sạch cho người dân, công ty phải đầu tư trang thiết bị rất lớn. Do đó, cần có các cơ quan quản lí nguồn nước từ Trung ương đến địa phương một cách xuyên suốt và có đủ chức năng và quyền lực để điều tiết nhanh các vấn đề gây ra ô nhiễm nguồn nước” - ông Quang nói.

M.Thuyết - H.Tuyết

Những cánh đồng chết vì ô nhiễm
Những cánh đồng chết vì ô nhiễm

Việc hình thành các khu, cụm công nghiệp và chủ trương di dời các nhà máy sản xuất gây ô nhiễm ra ngoại thành đã khiến môi trường ở TP Hồ Chí Minh từ nội đến ngoại thành ngày càng ô nhiễm nặng đến mức báo động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN