Trên khắp mọi miền đất nước hiện có rất nhiều các câu lạc bộ, đội, nhóm thanh niên tình nguyện với đa dạng các hoạt động, mỗi chương trình là một dấu ấn đẹp để lại trong cộng đồng.
Sáng kiến truyền thông điệp về giáo dục giới tính cho trẻ em
Nổi bật trong 8 tập thể vinh dự nhận Giải thưởng tại Ngày hội Tình nguyện Quốc gia năm 2018 là S Project - dự án gây được ấn tượng mạnh về sự sáng tạo trong ý tưởng, với quy mô bài bản và tính thiết thực của các hoạt động. Sinh năm 1996, Nguyễn Thị Song Trà, Trưởng Ban tổ chức dự án S Project là tân cử nhân của Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội). Song Trà cho biết, Dự án Giáo dục giới tính S Project cho học sinh từ 6 – 15 tuổi được thành lập vào năm 2015 dưới sự bảo trợ của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), với mục tiêu truyền đi những thông điệp về giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại cho trẻ em dưới những hình thức tuyên truyền gần gũi, dễ tiếp cận, dễ ghi nhớ.
Hành trình của S Project hiện đã bước sang mùa thứ 4, với nhiều hoạt động đã được học sinh, phụ huynh và các thầy, cô giáo đón nhận trên khắp ba miền của đất nước. Trong hành trình mùa 1, các thành viên của dự án đã tham gia giảng dạy tại các trường Tiểu học, Trung học cơ sở ở Hà Nội và tổ chức cuộc thi đồng hành “Giáo dục giới tính: Vẽ đi – Đừng ngại!” trên cả nước. Ở mùa 2, dự án đã tổ chức các buổi giảng dạy ở Trung tâm Nghị lực sống và một số trường Tiểu học tại Hà Nội; tập huấn Đại sứ tại các trường Tiểu học và Trung học cơ sở tại Quảng Bình; ra mắt bộ ảnh “Giáo dục giới tính: Đừng để quá muộn!”; tổ chức ngày hội triển lãm và trao giải tranh “Phòng chống xâm hại tình dục, tôi có thể và bạn cũng thế” tại làng trẻ SOS, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình.
Với đội ngũ hầu hết là các tình nguyện viên trẻ còn đang ở độ tuổi sinh viên, bên cạnh việc duy trì việc giảng dạy các bài học, kiến thức về giáo dục giới tính cho trẻ em Tiểu học và Trung học cơ sở, các thành viên của S Project tiếp tục phát huy được nhiệt huyết, tinh thần vì cộng đồng trong mùa 3 của hành trình, thông qua việc tổ chức Ngày hội “Share to share”; cuộc thi viết đồng hành “Những lá thư chưa gửi”; bộ truyện tranh “Vẽ tâm tư – Tô ước muốn” ở Vinh, Nghệ An.
Tiếp nối thành công từ những mùa trước, ở chặng thứ 4, song song với việc giảng dạy, tập huấn cho học sinh, chương trình tiếp tục với một loạt hoạt động mới thu hút được sự tham gia của đông đảo trẻ em, đó là Cuộc thi “Đề xuất giải pháp phòng chống xâm hại tình dục trẻ em” và Trại hè “Chúng mình cùng học cách bảo vệ bản thân”. Các thành viên dự án S Pproject cũng tự biên soạn Bộ Quy tắc ứng xử bảo vệ bản thân dành cho trẻ em, dưới dạng sách màu bằng thơ và những đoạn văn ngắn dễ ghi nhớ, được minh họa phù hợp với lứa tuổi. Phương Thảo, một thành viên đang làm việc tại Ban Sự kiện của dự án cho biết, tới đây, công tác đào tạo cho toàn bộ thành viên dự án sẽ được tập trung đẩy mạnh đồng thời tại cả 3 địa điểm là Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, với mục tiêu nâng cao kỹ năng, kiến thức cho toàn bộ các thành viên nhằm đảm bảo thực hiện tốt công việc tình nguyện; tạo sự kết nối để hình thành môi trường làm việc hiệu quả.
Đêm nhạc thiện nguyện chia sẻ yêu thương
Anh Nguyễn Tất Hùng, Chủ nhiệm nhóm tình nguyện “Đô Lương chia sẻ yêu thương”, là cán bộ Huyện đoàn Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Qua quá trình công tác, tham gia các phong trào, hoạt động tình nguyện của thanh niên tại địa phương, anh dần hình thành ý tưởng vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các em nhỏ nghèo nỗ lực trong học tập khi chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh, với mong muốn tạo động lực cho họ có cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Ban đầu, anh Hùng tìm hiểu thông tin về các trường hợp cần giúp đỡ, sau đó kêu gọi vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ qua mạng xã hội.
Để quyên góp được nhiều nguồn lực tài chính hơn, Anh Hùng đã cùng với một số đoàn viên, thanh niên tại địa phương có sáng kiến tổ chức chương trình ca nhạc thiện nguyện mang tên “Đô Lương chia sẻ yêu thương”. Từ tháng 5/2017 đến nay, nhóm thiện nguyện của anh Nguyễn Tất Hùng với 48 thành viên đã tổ chức được 35 đêm nhạc. Tổng số tiền quyên góp được qua các chương trình biểu diễn đều được công khai trên loa phát thanh của xã, huyện.
Anh Nguyễn Tất Hùng chia sẻ, các đêm nhạc thiện nguyện đều nhận được sự ủng hộ của đông đảo đoàn viên, thanh viên và nhân dân trên địa bàn. Mỗi đêm nhạc thu được khoảng trên 30 triệu đồng, đêm nhạc nhiều nhất thu được hơn 170 triệu đồng. Toàn bộ số tiền quyên góp được nhóm “Đô Lương chia sẻ yêu thương” phối hợp với Đoàn Thanh niên xã cân đối hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn. Nhờ có khoản kinh phí hỗ trợ này, nhiều gia đình khó khăn trên địa bàn huyện đã có thêm điều kiện trang trải cuộc sống, nhiều người già có tiền mua thuốc chữa bệnh, nối dài hơn con đường đến trường cho các em nhỏ hiếu học. Quan trọng nhất, nguồn tiền ủng hộ đã góp phần giúp đỡ nhiều gia đình duy trì, phát triển kinh tế.
Làm thế nào để vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp cho các hoạt động thiện nguyện là băn khoăn của không ít các câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện. Hoàng Hoa Trung, Trưởng nhóm tình nguyện "Niềm tin" với dự án Ánh sáng núi rừng – Mỗi năm một ngôi trường cho trẻ vùng cao và hỗ trợ nuôi cơm trẻ em tại một số điểm trường của tỉnh Điện Biên chia sẻ, trong thời gian đầu mới thành lập, việc huy động nguồn lực để duy trì hoạt động của nhóm là công việc nan giải nhất.
Để có tài chính cho hoạt động tình nguyện của nhóm, Trung và các thành viên đã tự mở các hoạt động kinh doanh và tận dụng từ nhiều nguồn. Năm 2017, dự án nuôi cơm các em nhỏ của nhóm chỉ vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ được khoảng 55 cháu mỗi tháng. Tuy nhiên, với nỗ lực gây quỹ của các thành viên, đến nay, nhóm đã vận động được các nhà hảo tâm hỗ trợ cho 4.200 học sinh tại 250 điểm trường của tỉnh Điện Biên. Chia sẻ về quá trình gây quỹ, Trung bộc bạch: Khi mới bắt đầu thành lập nhóm, mối quan hệ của các thành viên không có nhiều.
Từ việc phân tích khả năng và tình hình của nhóm cũng như các thành viên, nhóm đã quyết định tập trung vào phát huy nội lực, chọn các mặt hàng bán để gây quỹ. Từ những lần bán hàng gây quỹ này, nhóm của Trung được mọi người biết đến với mục tiêu thiện nguyện. Với sự lan tỏa từ mạng xã hội và các kênh thông tin, nhóm nhận được sự ủng hộ ngày càng nhiều của các nhà hảo tâm. Kinh nghiệm của Trung trong việc huy động nguồn lực duy trì nhóm chính là sự kiên trì, “Bắt đầu với những chương trình nhỏ, vừa sức, nhưng làm nhiều, làm đều đặn thì chúng ta sẽ có sự bồi đắp”, Trung chia sẻ.
Tình nguyện viên là hiện thân cho tinh thần nhân ái, chia sẻ của dân tộc Việt Nam, là các đại sứ - những người truyền đi thông điệp của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về tinh thần tình nguyện vì ngày mai tươi sáng. Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, các câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện là những tập thể xứng đáng được tôn vinh vì những đóng góp không ngừng nghỉ cho cộng đồng, sự phát triển của Việt Nam trong suốt những năm qua với rất nhiều mô hình, cách làm, phương thức sáng tạo và sự kiên trì theo đuổi mục tiêu tình nguyện, qua đó tạo ra những kết quả hết sức hữu ích, đóng góp cho sự phát triển của mỗi địa phương nói riêng và đất nước nói chung.
Thời gian tới, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn mong muốn các chương trình, phong trào tình nguyện sẽ phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều giá trị hơn nữa, thể hiện qua những phần việc thiết thực; phát huy được vai trò kết nối, khả năng hội tụ, chia sẻ giữa các câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện và lực lượng tình nguyện viên.