Những kiểm ngư Việt Nam ở Hoàng Sa

Phóng viên TTXVN có mặt nhiều ngày qua trên các tàu Kiểm ngư tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển của Việt Nam đã tận măt thấy lực lượng tàu Trung Quốc vừa nhiều vừa hung hãn, cản trở tàu Việt Nam làm nhiệm vụ tại vùng biển Việt Nam. Thế nhưng tất cả những kiểm ngư của Việt Nam đều đoàn kết một lòng, hết sức bình tĩnh, dũng cảm, mưu trí quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Các tàu Trung Quốc rất hung hăng và liều lĩnh, tìm mọi cách cản trở công vụ của tàu kiểm ngư Việt Nam.


Ông Phan Đình Cát, phụ trách lực lượng Kiểm ngư 4 khẳng định: Việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép sâu vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế biển Việt Nam là hành động hết sức trái pháp luật Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển 1982. Những ngày qua Trung Quốc đã dùng nhiều lực lượng tàu như Hải cảnh, Hải tuần và tàu các lực lượng khác răn đe, uy hiếp, có những hành động gây hấn đối với tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển của ta. Tàu Trung Quốc phun vòi rồng công suất lớn, húc đẩy tàu của ta, làm hư hỏng, các thiết bị trên tàu và làm nhiều Kiểm ngư Việt Nam bị thương. Tuy nhiên lực chấp pháp của Việt Nam, trước sau như một vẫn quán triệt và thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước là đấu tranh hoà bình; kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo, thêm lục địa của mình. Chúng ta tin rằng đây là cuộc đấu tranh hoàn toàn chính nghĩa và sẽ được dư luận trong nước và quốc tế đồng tình ủng hộ.


Ông Vũ Đức Tạo, Biên đội Trưởng Biên đội Kiểm ngư 4 cho biết; Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo buộc Trung Quốc dừng ngay các hành động gây hấn và rút giàn khoan và lực lượng hộ tống bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam là hoàn toàn chính nghĩa, nên chúng tôi quyết tâm bảo vệ đến cùng, đồng thời tin tưởng chắc chắn cuộc đấu tranh của chúng ta hoàn toàn thắng lợi. Chúng tôi thực hiện chỉ đạo của trên là kiên quyết, kiên trì bám sát thực địa, tuyên truyền đấu tranh phản đối, buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của ta. Phải nói rằng sự có mặt của các phóng viên, báo chí trong và ngoài nước là nguồn cổ vũ, động viên kịp thời đối với lực lượng tàu Kiểm ngư Việt Nam. Sự đấu tranh của chúng tôi được phóng viên trực tiếp ghi lại tại thực địa bằng các hình ảnh xác thực chuyển tải về đất liền làm bằng chứng cho cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao của ta buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của ta.

 


Phóng viên các đài báo phỏng vấn lực lượng kiểm ngư ngoài hiện trường.

 


Trong ngày 12/5 có thể coi là đỉnh điểm kể từ khi Trung Quốc lắp đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam. Trong ngày này các tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển của chúng ta đã dũng cảm, gan dạ, mưu trí tiến gần đến giàn khoan với khoảng cách 3,8 hải lý, bất chấp sự hung hãn và liều lĩnh của các tàu Trung Quốc công suất lớn, trang bị hiện đại uy hiếp các tàu Việt Nam bằng các hành động va đập, tì ủi và phun nước với áp suất cực lớn gây thiệt hại hỏng hóc nhiều tàu. Trong lúc tàu 2401 của Trung Quốc áp sát mạn sườn phải của tàu Kiểm ngư HP 926 Việt Nam phun nước áp suất cực lớn phủ toàn bộ tàu, nhưng anh Đinh Xuân Thảo, phát thanh viên của tàu vẫn bình tĩnh và bằng một giọng dõng dạc, đĩnh đạc liên tục đọc trên loa: " Tàu nước ngoài chú ý, tàu nước ngoài chú ý, đây là vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, mọi hoạt động của quý vị tại vùng biển này là trái phép, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Yêu cầu các vị chấm dứt ngay mọi hành động và rời khỏi vùng biển Việt Nam...".


Tàu Trung Quốc ngang nhiên phun vòi rồng ngăn cản và phá hoại tàu kiểm ngư Việt Nam.


Trong lúc đó, Đỗ Văn Cành, nhân viên boong tàu HP 926 được phân công phụ trách vòi nước của tàu để sẵn sàng phun nước chống trả khi được lệnh, thế nhưng với chủ trương tránh né, tiếp cận tuyên truyền là chính nên không có sự phun trả của các tàu Kiểm ngư Việt Nam, và anh đã phải dũng cảm, chịu đựng bám chặt trụ cột nước trên boong tàu trước những đợt phun nước tàn khốc của các tàu Trung Quốc.


Anh Cành cho biết: Khi được phân nhiệm vụ, mặc dù biết có nhiều hiểm nguy, nhưng chúng tôi thấy vinh dự hơn, bởi được góp sức mình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Hơn nữa, chúng tôi đã xác định được trách nhiệm của mình là đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, cuộc đấu tranh này là cuộc đấu tranh chính nghĩa và chúng ta đang đứng ngay trên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc để đấu tranh. Chính vì vậy, dù tàu Trung Quốc có uy hiếp như thế nào chúng tôi cũng không sợ, mà ngược lại sự hung hăng của tàu Trung Quốc làm cho chúng tôi càng quyết tâm hơn để đấu tranh chống lại hành động đó.



Tàu kiểm ngư Việt Nam bị thiệt hại do tàu Trung Quốc gây ra.


Lê Văn Bình, sinh năm 1987, quê Thái Bình, nhân viên thông tin của tàu HP 926, đã không quản ngại hiểm nguy, bằng mọi cách đảm bảo thông tin liên lạc của tàu 24/24 giờ. Sau khi bị các tàu Trung Quốc phá huỷ toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc của tàu, anh đã lập tức tìm mọi cách lắp đặt lại ngay những gì kỹ thuật cho phép để nối lại thông tin nhanh nhất, bất chấp thời tiết sóng to, gió lớn, nóc tàu trơn trợt. Ngày 14/5 anh đã vinh dự được Chi bộ trên tàu tổ chức Lễ kết nạp Đảng ngay trong thời điểm cuộc đấu tranh tại thực địa vẫn đang tiếp tục.

 

Trong những giờ phút cam go bảo vệ chủ quyền biển đảo trên vùng biển Hoàng Sa thiêng liêng đã có những công dân gương mẫu như Lê Văn Bình đứng vào đội ngũ của Đảng; trở thành người Đảng viên được kết nạp tại huyện đảo Hoàng Sa.

 

Tất cả họ, những kiểm ngư Việt Nam tại Hoàng Sa đang trong tư thế của người nắm trong tay chính nghĩa; đứng ở tuyến đầu của cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc ở Hoàng Sa.

Nhà báo Yatagal Toshihiro, Trưởng văn phòng đại diện hãng tin Nhật Bản Kyodo News tại Bangkok (Thái Lan): Tôi rất quan tâm đến vấn đề Biển đông. Chúng tôi gặp nhà báo Yatagal Toshihiro, Trưởng văn phòng đại diện hãng tin Nhật Bản Kyodo News tại Bangkok (Thái Lan) trên tàu Cảnh sát biển Việt Nam 4033, sau bốn ngày trên biển, quan sát nhiều biên đội tàu Cảnh sát biển Việt Nam cơ động, tiếp cận mục tiêu giàn khoan để tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút lại việc làm sai trái, nhà báo Yatagal Toshihiro cho biết: Tôi rất quan tâm đến vấn đề Biển đông, nên ngày 12/5 được phép của Việt Nam tôi đã có mặt tại thực địa để tác nghiệp. Trước khi đến vùng biển Hoàng Sa, qua bản tin và báo hàng ngày, tôi đã biết là rất nguy hiểm. Tôi đã chứng kiến Trung Quốc có nhiều lực lượng tại khu vực này, sử dụng các lực lượng như vậy trong khu vực này là không nên. Việt Nam có ít tàu hơn nhiều. Tôi thấy Việt Nam phản ứng rất phù hợp, chỉ sử dụng tuyên truyền để Trung Quốc rút giàn khoan, Việt Nam chưa hề triển khai tàu quân sự. Tận mắt chứng kiến 3-4 tàu Trung Quốc liên tục uy hiếp, cản trở các tàu Việt Nam tôi thấy mức độ ngày càng gia tăng và nguy hiểm hơn. Mình không phải là chuyên gia luật, nhưng căn cứ trên luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 không phải nói thì mọi người cũng đã biết, vị trí giàn khoan Hải Dương 981 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.




Văn Sơn (Tường thuật từ Hoàng Sa)


Báo Mỹ: Trung Quốc cố biện minh cho giàn khoan 981
Báo Mỹ: Trung Quốc cố biện minh cho giàn khoan 981

Nhật báo "Wall Street Journal" (Mỹ) số ra ngày 16/5 nhận định Trung Quốc đang cố gắng biện minh cho các nỗ lực bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou - 981) đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN