Men đường bờ sông thuộc phố Bảo Linh (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), chúng tôi đến nhà bà Bùi Thị Bảng, 72 tuổi, quê Nam Định, đang trú tại xóm trọ dưới chân cầu Long Biên.
Bà Bảng sống trong một căn nhà tạm bợ với diện tích chưa đầy 4m2 . “Trước, nó là khu chuồng bò của một người dân gần đây. Từ quê lên, không có nhà cửa, tôi xin người ta để ở chỗ này”, bà Bảng cho biết. Không chồng con, bà sống dựa vào đồng lương trợ cấp 1.000.000 đồng/từ chỗ làm việc cũ.
Chỗ bà Bảng nằm là một vài tấm bìa các tông được trải ra, bà tâm sự: “Tôi bị tai biến đã gần hai năm nay. Trước đây, khi còn đi được, tôi ra chân cầu để tránh nóng. Giờ bị liệt, tôi chỉ ngồi với nằm, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ người khác làm hộ. Dạo này nóng quá, tôi cứ nằm xuống rồi lại ngồi lên suốt cả đêm. Tôi cũng không dám bật quạt quá nhiều vì nếu tiền điện lên trên 100.000 đồng là tôi không đủ để trả”.
Cách nhà bà Bảng không xa, ở góc sâu của con hẻm nhỏ bên trong ngõ 195 Hồng Hà là gia đình bà Kim.
Bà Kim bị mù lòa cả 2 mắt khoảng 15 năm nay do biến chứng của căn bệnh tiểu đường. Hàng tháng, bà được nhận hơn 500.000 đồng tiền trợ cấp của nhà nước. Với số tiền này, bà phải cân nhắc để trang trải cuộc sống: điện, nước, thuốc men, ăn uống, …
“Chồng tôi đã mất từ lâu, có đứa con gái đi lấy chồng thì bị vỡ nợ, trốn nợ mấy tháng, giờ đang phải đi làm ăn để vừa trả nợ, vừa nuôi hai đứa con. Tôi không trông chờ gì vào con cái, bao năm qua một thân một mình sống trong căn nhà này, ăn uống, sinh hoạt đều tự mò mẫm, hàng xóm láng giềng giúp đỡ được cái gì thì hay cái đó” bà Kim chia sẻ.
Nhà bà Kim có một chiếc điều hòa được con rể lắp cho nhưng chưa khi nào bà dám bật. “Tôi chưa bao giờ bật điều hòa. Tiền ăn còn không đủ, nếu bật điều hòa thì không có đủ tiền để trả. Bí bách, khó chịu lắm nhưng đành phải cố gắng chống chịu qua ngày”.
Phía sâu trong ngõ 165 đường Cầu Giấy (Hà Nội), có một xóm nhỏ là nơi ở của một số gia đình làm nghề buôn bán đồng nát.
Căn nhà sập xệ của bác Trần Văn Quảng được dựng lên ở phía trên một cống nước thải. Do đã bán căn nhà cũ để chữa bệnh nên bác đành phải dựng căn nhà này để ở.
Bác Quảng bị liệt cả hai chân do căn bệnh tai biến. Ngày qua ngày, bác chỉ ngồi trên giường, khi cần di chuyển để phục vụ nhu cầu cá nhân, bác dùng chiếc ghế nhựa làm phương tiện.
“Vì lợp mái xi măng nên ngày nào nắng nóng là nhà tôi không khác gì cái lò, có lúc tôi phải cố lê ra nhà vệ sinh ngồi dội nước để tránh nóng, ban đêm cũng như ban ngày, nắng nóng khiến tôi không thể nào ngủ được”.
“Ở đây, trong những ngày nắng nóng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc khiến tôi cảm thấy ngột ngạt”, bác Quảng chia sẻ.
Kinh tế của gia đình bác Quảng phụ thuộc hết vào người vợ bác làm nghề buôn bán đồng nát, mỗi ngày chỉ kiếm được mấy chục ngàn đồng. Trong dịch COVID-19 vừa qua, gia đình bác cũng nhận được hỗ trợ gạo, nước mắm, dầu ăn…
Bác Quảng chia sẻ thêm: “Sắp tới, nếu nơi đây bị giải tỏa, chúng tôi sẽ không biết ở đâu. Tôi chỉ mong muốn có được một nơi để ở, sống nốt những ngày tháng cuối đời của mình”.