Đến nay, huyện đã xây dựng được 3 mô hình thí điểm sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn gồm mô hình giết mổ gia súc gia cầm, mô hình chợ an toàn thực phẩm, mô hình cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch.
Lang Chánh là huyện miền núi khó khăn, địa hình phức tạp của tỉnh Thanh Hóa. Nhiều hộ dân ở đây sống bằng nghề chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm. Tại một số bản vùng cao, một số người dân còn giết mổ vật nuôi kém chất lượng và bán ra thị trường, gây mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Trước thực trạng trên, để người dân có thêm kiến thức về đảm bảo an toàn thực phẩm khi kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm, trong gần 2 năm 2017- 2018, Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm huyện Lang Chánh đã phối hợp với Văn phòng điều phối vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Thanh Hóa mở 4 lớp về bồi dưỡng kiến thức về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho 285 người ở các xã trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, UBND huyện Lang Chánh mở 5 lớp tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm cho cán bộ các phòng, ban, các xã, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Để phát hiện và xử lý kịp thời các cơ sở kinh doanh vi phạm an toàn thực phẩm, Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm huyện đã tiến hành kiểm tra 5 đợt đối với 254 cơ sở, từ đó phát hiện 15 cơ sở vi phạm và đã xử phạt với tổng số tiền gần 22 triệu đồng.
Đối với các cở sở kinh doanh, giết mổ nhỏ lẻ, trong gần 2 năm qua UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã kiểm tra 852 cơ sở kinh doanh, chế biến nhỏ lẻ, phát hiện 165 cơ sở không đạt yêu cầu về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
UBND huyện Lang Chánh đã chọn hộ gia đình ông Phạm Mạnh Hùng, trú tại khu Chiềng Trai, thị trấn Lang Chánh để triển khai mô hình giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn thực phẩm. Mô hình này được tỉnh Thanh Hóa và huyện Lang Chánh hỗ trợ kinh phí sau nhiều nỗ lực cơ sở này đã được cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm vào tháng 2/2018.
Ông Phạm Mạnh Hùng cho biết: Gia đình ông xây dựng lò giết mổ từ năm 2017 với diện tích 1.500 m2 theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại khu vực lò mổ, ông chia làm 2 khu gồm khu nhốt vật nuôi trước khi giết mổ và khu vực phòng mổ, đảm bảo vệ sinh... Hiện mỗi ngày lò mổ gia súc của gia đình ông Hùng mổ 22 con lợn, cung cấp thực phẩm cho Trường dân tộc nội trú Lang Chánh và bán cho tiểu thương ở các chợ.
Bên cạnh đó, huyện Lang Chánh còn xây dựng thành công mô hình chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ thị trấn Lang Chánh. Chị Lê Thị Hương, chủ cửa hàng thịt lợn tại chợ thị trấn Lang Chánh cho biết: Chị thường đến các trang trại để mua lợn rồi vẫn chuyển về thuê người giết mổ. Trước khi mổ, vật nuôi được kiểm dịch để đảm bảo an toàn thực phẩm, sau đó sản phẩm thịt gia súc, gia cầm được mang bán tại quầy hàng trong chợ.
Đến nay, huyện Lang Chánh đã xây dựng được 3 mô hình thí điểm sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn gồm mô hình giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn thực phẩm, mô hình chợ an toàn thực phẩm và mô hình cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Đối với các chỉ tiêu xã an toàn thực phẩm, huyện đã có xã Giao An đạt 16/30 tiêu chí, thị trấn Lang Chánh đạt 16/30 tiêu chí. Ngoài ra huyện còn xây dựng 1 chuỗi cung ứng rau, củ, gạo an toàn tại xã Trí Nang.
Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện vẫn còn tình trạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ thực phẩm phân bố rải rác ở các xã; thu nhập của người dân cũng còn thấp, nhiều người vẫn chấp nhận sử dụng thực phẩm không đủ nguồn gốc.
Ông Lữ Đức Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho biết, thời gian tới, huyện thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm; đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý, giết mổ gia súc, gia cầm, tiến tới xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ, lẻ.
Huyện đề ra chỉ tiêu đến cuối năm 2018 có 11 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, 1 chợ, 3 cửa hàng, 4 bếp ăn tập thể và 2 xã, thị trấn đảm bảo tất cả các tiêu chí của vệ sinh an toàn thực phẩm.