Xã hội càng phát triển, con người càng sống nhanh, sống gấp, tình yêu thương đôi khi trở thành xa xỉ, nhưng ở đâu đó, vẫn tồn tại những câu chuyện tình yêu đẹp như cổ tích.
Mối tình cổ tích Việt - Triều
Ngoài ngũ tuần, ở cái tuổi thường người ta đã yên bề gia thất, con cháu đuề huề, nhưng với ông Phạm Ngọc Cảnh (nguyên Chủ nhiệm CLB xe đạp Hà Nội) đó mới là lần đầu tiên cầm thiệp hồng đi mời anh em họ hàng, lần đầu tiên đăng ký kết hôn với người phụ nữ CHDCND Triều Tiên Ri Yong Hui, khi ấy cũng đã hơn 50 tuổi. Để có được hạnh phúc này, họ đã phải vượt qua biết bao khó khăn, vất vả để tìm lại được nhau. Câu chuyện tình yêu của họ đẹp như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Vợ chồng ông Phạm Ngọc Cảnh - bà Ri Yong Hui trong lễ cưới. |
Năm 18 tuổi (1967), ông Phạm Ngọc Cảnh được cử sang học ngành Công nghiệp hóa chất tại CHDCND Triều Tiên. Bốn năm sau, ông được phân công thực tập tại Nhà máy phân đạm Hàm Hưng. Tại đây, mối tình sét đánh giữa ông và bà Ri Yong Hui đã nảy nở. Nhưng với đất nước của Ri Yong Hui khi đó, yêu người nước ngoài là điều cấm kỵ, nên chuyện tình yêu của họ phải giấu kín. Hai năm sau, Phạm Ngọc Cảnh đến hạn về nước, chàng trai rưng rưng hẹn đón người yêu sau khi chiến tranh tại Việt Nam kết thúc. Họ dự đoán phải xa nhau 3 năm, nhưng thực tế, phải đến 31 năm sau họ mới được gặp lại nhau.
Sau khi về nước, cũng đã có lần ông Cảnh được cử sang Triều Tiên công tác 3 tháng, được gặp ngườu yêu, nhưng họ vẫn không thể công khai tình yêu. Trở về nước, ông Cảnh hăng hái tham gia các hoạt động liên quan đến Triều Tiên, đóng góp cho tình hữu nghị hai nước. Một thời gian dài họ bặt tin nhau, ông nghe tin người yêu đã mất, người thân, bạn bè khuyên ông nên từ bỏ, nhưng ông vẫn luôn tin Ri Yong Hui vẫn còn sống.
Tấm ảnh cưới của Tĩnh - Trang. |
Năm 2001, ông Phạm Ngọc Cảnh được biết tin người yêu vẫn còn sống và vẫn chờ mình. May mắn cho ông Cảnh, tháng 5/2002, Chủ tịch nước Trần Đức Lương dẫn đầu đoàn đại biểu sang thăm hữu nghị chính thức Triều Tiên. Biết tin, ông Cảnh đã viết thư cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Niên, bày tỏ nguyện vọng muốn được kết hôn với Ri Yong Hui. Cảm động trước mối tình của họ, khi làm việc với phía Triều Tiên, Chủ tịch Trần Đức Lương đã chính thức đề nghị nước bạn quan tâm giúp đỡ. Một thời gian sau, Ủy ban thường vụ Hội nghị Nhân dân tối cao nước CHDCND Triều Tiên đã phê chuẩn việc kết hôn của Phạm Ngọc Cảnh với Ri Yong Hui, công dân Triều Tiên, đám cưới của họ được tổ chức tại Bình Nhưỡng và tại Hà Nội vào cuối năm 2002. Sau hơn 10 năm sống ở Việt Nam, giờ bà Ri Yong Hui đã thông thạo tiếng Việt, gắn bó với đất nước Việt Nam. Họ thường đưa nhau đi khám phá những nơi phong cảnh đẹp khắp đất nước. Ngày Valentine năm nay, họ cùng nhau lên Sapa ngắm cảnh rừng núi tuyệt đẹp với những bông hoa mận, hoa mai nở trắng trời.
Tình yêu không khoảng cách
Quen nhau qua mục “Cửa sổ trái tim” phát trên sóng VOV, rồi qua những bức thư tay, tình yêu nảy nở, người con gái miền Tây Nguyễn Thị Thu Trang đã không quản ngại đường xa, lặn lội từ An Giang ra Hưng Yên, nguyện được kết hôn cùng chàng trai Đặng Văn Tĩnh (xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), dù biết anh là một người tật nguyền. Mối tình của họ được người dân nơi đây nhắc đến với lòng cảm phục sâu sắc, một tình yêu vượt qua mọi rào cản, khoảng cách và mặc cảm tự ti của người trong cuộc.
Sinh ra khỏe mạnh bình thường, nhưng đến năm 7 tuổi, toàn thân Đặng Văn Tĩnh bị tê buốt, không thể cử động được, cậu trở thành người khuyết tật từ đó. Vốn thông minh, Tĩnh vẫn chăm chỉ tham gia học tập. Sau khi trải qua một mối tình, nhưng người yêu không vượt qua được rào cản xã hội và gia đình, Tĩnh trở nên tự ti, mặc cảm. Ban ngày làm việc, tối về cậu chỉ làm bạn cùng chiếc radio. Thường xuyên theo dõi chương trình “Cửa sổ tình yêu” trên VOV, cậu lấy hết can đảm gọi điện đến chương trình để chia sẻ câu chuyện của mình. Tĩnh quen Trang từ đó, nhờ sự động viên của Trang mà Tĩnh cố gắng hơn rất nhiều.
Ngày qua ngày, tình cảm giữa họ nảy nở tự lúc nào không hay. Trang quyết định ra thăm người yêu. Bước vào nhà, nhìn Tĩnh nằm bất động trên một chiếc giường nhỏ đặt ở góc nhà, Trang đã chạy đến ôm chầm lấy anh và khóc nức nở. Cả gia đình Tĩnh cũng òa khóc theo. Trong tiếng nấc nghẹn ngào, cô chỉ biết xin phép bố mẹ anh cho cô được chăm sóc anh suốt cuộc đời. Rồi cô trở về quê xin phép bố mẹ. Ban đầu, gia đình Trang kịch liệt phản đối, nhưng sau đó thấy sự quyết tâm của đôi bạn trẻ, gia đình cô đồng ý. Đến sát ngày cưới, sức khỏe của Tĩnh càng yếu, không thể đón dâu, Tĩnh đành nhờ người em trai thay mình làm chú rể trong ngày cưới. Đến giờ, họ đã có một cô con gái bé bỏng xinh xắn, gia đình luôn tràn ngập tiếng cười.
Giữa nhịp sống hối hả và xô bồ, những câu chuyện tình yêu rất đỗi giản dị và đời thường ấy như những lời nhắc nhở, lời khẳng định, cuộc sống dù có phát triển, hiện đại đến đâu thì tình yêu thương vẫn luôn tồn tại. Giá trị cốt lõi của tình yêu thương nằm trong chính mỗi con người chúng ta, khi chúng ta biết yêu thương và quý trọng những người xung quanh mình.
Thu Trang - Lê Ba