Chỉ còn ít phút nữa là đồng hồ điểm những phút cuối cùng, năm cũ sắp qua đi, năm mới sắp đến, giờ này mọi người đều ấm êm trong gia đình, cùng ăn bữa cơm Tất niên và xem những chương trình giải trí trên truyền hình nhưng bên ngoài đường vẫn thấp thoáng bóng người công nhân vệ sinh vẫn tiếp tục miệt mài lao động để giữ cho đường phố sạch, các chiến sỹ công an vẫn căng mình đảm bảo an ninh trật tự cho mọi nhà. Bên lề của mùa xuân, họ hy sinh một phần hạnh phúc riêng tư của mình để giữ bình yên cho những cung đường, cho nhân dân vui xuân, đón Tết.
Nhân dịp Tết Quý Tỵ 2013, tối 8/2/2013 (28 tháng Chạp năm Nhâm Thìn), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đến thăm, chúc Tết cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội. Trong ảnh: Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm, chúc Tết công nhân Tổ môi trường số 5 - Chi nhánh Hoàn Kiếm. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN |
Năm nào cũng vậy, nhiều người công nhân vệ sinh môi trường đã quen với việc đón giao thừa trên đường phố. Khi mọi người diện những quần áo đẹp để đi đón giao thừa trên phố thì các chị vẫn cần mẫn với công việc của mình, chăm chỉ quét dọn từng mẩu rác trên đường để sáng mùng 1 Tết khi mọi người tỉnh dậy thì phố phường đã tinh khôi, sạch sẽ.
Với họ, giao thừa là thời gian họ bận nhất trong năm. Lụi cụi đưa những nhát chổi cuối cùng tại Đại lộ Hồ Chí Minh, Tp Hải Dương bịt kín mặt bằng chiếc khẩu trang, chị Doan, công nhân vệ sinh môi trường Tp Hải Dương, vừa vuốt những giọt mồ hôi trên trán, chị vừa thổ lộ: “Đã nhiều năm đón giao thừa ngoài đường nhưng mỗi khi giao thừa đến lòng vẫn cứ thấy nôn nao. Nhìn mọi người mặc quần áo đẹp đón xuân mình cũng thấy chút tủi thân”. Dứt lời chị lại cặm cụi quét nốt đống rác và chép miệng: “Nói thế thôi em ạ, nghề nào nghiệp đấy mà, công nhân vệ sinh môi trường ai chả phải đón giao thừa ngoài phố”.
Cuối năm nào cũng vậy, các chị công nhân vệ sinh đều phải làm "thông", từ năm cũ sang năm mới, chỉ khi nào đường phố sạch sẽ, tinh tươm nhiều năm phải đến 3-4h sáng, khi mọi người đã bước vào giấc ngủ say nồng các chị mới lục tục kéo nhau về, lúc đó có khi một gói mỳ úp vội, miếng bánh chưng nguội là bữa cơm tất niên của các chị tại gia đình. Cùng với các chị công nhân vệ sinh môi trường, thì những cán bộ, chiến sỹ công an Hải Dương cũng đang căng mình để có một đêm giao thừa an lành cho người dân.
Đại tá Nguyễn Danh Thuy, Trưởng phòng cảnh sát PCCC, Công an tỉnh Hải Dương cho biết, trong những ngày này, anh em chiến sỹ trong đơn vị đảm bảo quân số trực Tết để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ cho người dân. Dù là đêm giao thừa nhưng mọi người trong đơn vị luôn trong tư thế sẵn sàng để khi có tình huống xấu xảy ra là có mặt ngay. Đại tá Phùng Anh Hoàn, Trưởng phòng cảnh sát bảo vệ và cơ động (Công an tỉnh Hải Dương ) cho biết: Trong dịp Tết và nhất là trong đêm giao thừa, cán bộ, chiến sỹ trong phòng chuẩn bị ứng trực 100% lực lượng. Lực lượng cảnh sát cơ động cũng chia thành nhiều tổ phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông… tổ chức tuần tra, kiểm soát trên khắp các tuyến đường để kịp thời bắt giữ, xử lý các hành vi cướp giật, vi phạm trật tự an toàn giao thông để đảm bảo cho nhân dân đón một cái Tết an lành.
Vệ sinh tại phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh Tuấn Anh - TTXVN. |
Thượng tá Nguyễn Văn Quang, Trưởng Công an Tp Hải Dương cho biết: Anh em cảnh sát giao thông (CSGT) TP Hải Dương ăn tết cả ngày lẫn đêm ngay trên đường bởi chúng tôi phải đi suốt, đâu có nghỉ. Bởi Tết là thời điểm mọi người đi lại, vui chơi, mua bán đông hơn ngày thường, kéo theo đó là ùn tắc giao thông, va quệt, tai nạn... và điều này đồng nghĩa với việc CSGT phải dồn lực để giải quyết khối công việc gấp đôi, gấp ba. “Căng nhất là đêm 30, anh em trong đơn vị vừa tăng cường tuần tra kiểm soát, vừa thực hiện phân luồng, phân tuyến tránh ùn tắc giao thông tại một số tuyến đường trọng điểm và những điểm bắn pháo hoa, khi xong việc về đến cơ quan đã gần sáng, mọi người mới ngồi lại bên nhau, cùng cụng ly chúc mừng năm mới. Rồi, ai hết ca thì tranh thủ nghỉ ngơi để lấy sức mà chiến đấu tiếp, còn không thì lại lên đường làm nhiệm vụ”, Thượng tá Quang chia sẻ.
Đêm Giao thừa của CSGT là vậy, họ lại là những người về nhà muộn nhất trong đêm giao thừa, thậm chí có người kết thúc ca trực thì cũng vừa hết Tết, chẳng được vui xuân, thăm thú bà con họ hàng.
Đón xuân trên từng cung đường, những công nhân vệ sinh, những chiến sỹ cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động đang lặng thầm hy sinh hạnh phúc cá nhân để đem cho những mùa xuân an lành đến cho mọi gia đình.
Mạnh Tú