Không chỉ chăm sóc, điều trị những trường hợp F0, những cán bộ, chiến sỹ quân đội còn lo hậu sự cho người mất vì COVID-19. Trong mọi hoàn cảnh, các nhiệm vụ được thực hiện với tất cả sự trân trọng, chu đáo, chu toàn bằng cả trái tim người lính, tô thắm thêm truyền thống của đội quân "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu".
Tận lực phục vụ dân
Tính đến nay, đã có hơn 1.000 bác sĩ, y tá, điều dưỡng, học viên quân y tăng cường vào TP Hồ Chí Minh hỗ trợ đợt thắt chặt giãn cách, nâng tổng số lực lượng quân y hỗ trợ TP Hồ Chí Minh lên hơn 4.000 người. Trong đó, hơn 2.300 y bác sỹ quân đội vào hỗ trợ Thành phố trong các đợt trước đó từ tháng 6, tháng 7 đang làm việc tại các bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn Thành phố. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng đã chuyển đổi công năng Bệnh viện Quân dân y miền Đông để điều trị bệnh nhân COVID-19, thành lập Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 vừa và nặng thuộc Bệnh viện 175… Các bệnh viện nói trên đã kịp thời tiếp nhận và điều trị thành công cho một số lượng lớn người mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh.
Trong số lực lượng tăng cường cho TP Hồ Chí Minh, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 5, Sư đoàn 5 (Quân khu 7) được phân về quận Bình Thạnh thực hiện nhiệm vụ từ 22/8, trong đó tại phường 13 có 1 trung đội thuộc Đại hội 10 gồm 19 đồng chí. Đơn vị về địa phương trực tiếp làm 4 nhiệm vụ là chốt trên đường, tuần tra, bảo đảm an sinh cho nhân dân và hỗ trợ về y tế. Trung tá Vũ Ngọc Tú, Chính trị viên Tiểu đoàn 6 cho biết, đơn vị đã kết hợp với địa phương triển khai đồng bộ, phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt nhiệm vụ. Hoạt động an sinh được thực hiện theo nhu cầu của người dân, trong đó có sự tham gia của lực lượng địa phương (thông thuộc đường đi) nên cơ bản tốt. Đối với chốt kiểm soát trên đường, theo phản ánh của các đồng chí tại 32 chốt thì nhân dân tuân thủ tốt, đồng lòng thực hiện biện pháp giãn cách.
“Từ khi nhận nhiệm vụ của cấp trên giao, đã quán triệt tinh thần anh em sẵn sàng hỗ trợ giúp dân, xuất phát từ tình cảm trách nhiệm người lính, từ trái tim người lính đối với nhân dân, xác định xuống đây phải chiến thắng mới trở về”, Trung tá Vũ Ngọc Tú nhấn mạnh.
Trong khi đó, phường 13, quận Tân Bình lại được đón nhận các chiến sỹ Quân đoàn 4 được tăng cường hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Qua những ngày làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm tra, kiểm soát giãn cách xã hội, chiến sỹ Thạch Thắng (Tiểu đoàn 7, Sư 309, Quân đoàn 4) cho biết, người dân tuân thủ nghiêm chỉnh, luôn chấp hành các yêu cầu phòng, chống dịch. Ban đầu, người dân đi qua cũng có chút tò mò, nhưng đến khi trao đổi, kiểm tra giấy tờ thì người dân rất thân thiện, phối hợp thực hiện nghiêm túc quy định.
“Trong thời gian này, Thành phố sáng, trưa thì nắng, chiều tối lại mưa, nhưng cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến việc thực hiện nhiệm vụ. Anh em đều xác định sẵn sàng vượt mọi khó khăn, gian khổ, nên chút mưa nắng cũng không đáng lo ngại. Anh em quyết tâm làm tốt nhiệm vụ được giao, góp phần giúp nhân dân Thành phố đảm bảo đúng quy định giãn cách xã hội để phòng, chống dịch”, Thạch Thắng vui vẻ chia sẻ.
Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh cho biết, cán bộ, chiến sỹ luôn nỗ lực, vượt qua khó khăn, luôn quán triệt quan điểm chăm lo cho dân, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân là mục tiêu trước hết, trên hết khi thực hiện nhiệm vụ. Các đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương để đưa nhu yếu phẩm, tham gia thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát cũng góp phần tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ quy định về phòng dịch, đảm bảo ngăn chặn dịch, đưa Thành phố trở lại cuộc sống bình thường mới. “Có thể nói cấp ủy, chính quyền và nhân dân luôn đồng cảm, chia sẻ với bộ đội, tin tưởng vào phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, trách nhiệm và tình cảm của lực lượng vũ trang. Nói cách khác, trong thực hiện nhiệm vụ luôn tận tâm, tận lực chăm lo cho nhân dân”, Thiếu tướng Phan Văn Xựng nhìn nhận.
Qua các buổi kiểm tra thực tế, Trung tướng Trần Hoài Trung, Chính ủy Quân khu 7 lưu ý các đơn vị tăng cường quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên là phục vụ nhân dân tận tâm, tận lực. Trong công tác hỗ trợ an sinh cần chú ý đưa những sản phẩm đến người dân được tươi nhất, ngon nhất, tốt nhất. Không được để các thông tin xấu độc, làm xấu hình ảnh lòng tốt của địa phương và anh em. Các đơn vị cần quan tâm, động viên anh em giữ gìn sức khỏe để chống dịch lâu dài, có sức khỏe phục vụ nhân dân.
Xem người dân như người thân
Bên cạnh nhiệm vụ hỗ trợ đảm bảo quy định giãn cách xã hội tại các chốt kiểm soát, hỗ trợ công tác an sinh xã hội và chăm sóc y tế cho người dân Thành phố, trong những ngày qua, lực lượng quân đội còn đảm nhiệm thêm một nhiệm vụ đặc biệt, âm thầm. Nhiệm vụ đầy trọng trách nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm COVID-19 đó là lo chuyện hậu sự cho những người không may qua đời vì COVID-19.
Từ ngày 8/8, trước tình hình thực tế có những người qua đời vì COVID-19 mà những người thân không thể có mặt ngay để lo hậu sự, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập các tổ công tác đặc biệt giúp đỡ người dân thực hiện công việc nghĩa tình này. Đội công tác thay mặt gia đình thực hiện việc chăm sóc chu toàn cho người mất từ khâu khâm liệm đến lúc bàn giao tro cốt cho thân nhân người đã khuất.
Trung tá Lê Văn Dũng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự huyện Bình Chánh cho biết: “Chúng tôi đến Nhà tang lễ Thành phố tiếp nhận tro cốt, đưa về nơi lưu trú ở Ban Chỉ huy quân sự huyện, tổ chức nghi lễ trang nghiêm. Việc vận chuyển được thực hiện thận trọng, tỷ mỉ, nghiêm trang. Trường hợp gia đình cách ly không ở nhà, tro cốt được giữ tại đơn vị, giao cán bộ chiến sỹ canh gác và hàng ngày thắp hương theo truyền thống chờ gia đình hoàn thành cách ly sẽ gửi đến gia đình”.
Trong suốt quá trình đưa các tro cốt người mất vì COVID-19 trở về với người thân, bên cạnh những cảm xúc về sự mất mát đau thương, các cán bộ, chiến sỹ lại có thêm sự thấu hiểu, tích lũy thêm kinh nghiệm sống qua những hoàn cảnh, phận đời của người dân trên địa bàn. Có những người tử vong mà không có người tiếp nhận vì gia đình đều đang phải cách ly y tế; có trường hợp hàng xóm đón nhận hộ hũ tro cốt rồi chuyển lại cho người thân chưa kịp đến nhận hay những người thân nhận lại tro cốt nhưng phải để thờ ngay nơi trọ vì chưa thể đưa về quê hương...
Ngậm ngùi đón hũ tro cốt của mẹ là bà Trần Thị Tuyết Nhung được 5 cán bộ chiến sỹ Ban Chỉ huy quận sự xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh) trang trọng chuyển đến tận nhà, ông Huỳnh Công Phương (43 tuổi) chia sẻ: “Mẹ tôi mất ở bệnh viện Bình Tân do tuổi cao mang bệnh, lại mắc COVID-19. Do dịch nên gia đình không ai có mặt để lo cho bà lúc lâm chung. Thật may, nhờ có các anh bộ đội đưa bà về tận gia đình chu toàn, trang trọng. Gia đình tôi xin cảm ơn sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước đối với mẹ tôi trong lúc còn sống cũng như đã mất”.
“Gia đình tôi là một trong nhiều gia đình trong xã được bộ đội giúp đỡ đưa tro cốt người thân trở về. Trong lúc gia đình có đại tang lại nhằm trong lúc dịch, nếu không có các anh bộ đội thì gia đình không biết làm thế nào. Thấy các anh bộ đội trân trọng, cẩn thận, chu đáo với mẹ mình như với người thân, gia đình cũng được thêm phần an ủi, động viên vơi bớt nỗi buồn”, ông Phương xúc động nói.
Trong khi đó, là một địa phương có số người tử vong vì COVID-19 khá cao trên địa bàn Thành phố, Ban Chỉ huy Quân sự Quận 8 đã lựa chọn địa điểm trang nghiêm nhất là phòng họp lớn nhất của đơn vị làm nơi đặt tro cốt nạn nhân tử vong, làm bàn thờ theo phong tục Việt Nam.
Thượng tá Đinh Ngọc Thanh, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự Quận 8 cho biết, Đảng ủy, Ban Chỉ huy xác định quyết tâm phương châm 3 nhất “nhanh nhất, an toàn nhất, trang trọng nhất” khi bàn giao cho nhân dân. Ban Chỉ huy cũng tham mưu chính quyền địa phương hỗ trợ gia đình người chết 1 triệu đồng/ trường hợp, chia sẻ những mất mát. Đến nay, đơn vị nhận 583 tro cốt, bàn giao 486 trường hợp, còn lại là trường hợp chưa chuyển được là do thân nhân đi cách ly tập trung, địa chỉ không thực tế trên địa bàn. Các trường hợp này được đơn vị chăm lo hương khói đầy đủ trước khi tìm được thân nhân để bàn giao.
Trực tiếp thực hiện nhiệm vụ “đặc biệt” này trên địa bàn Quận 8, anh Lâm Minh Thiện (21 tuổi, Dân quân thường trực tại Phường 2, Quận 8) cho biết, nhiệm vụ chính của anh là vừa vận chuyển tro cốt, vừa lo tẩm liệm cho người mới mất. Cảm xúc về công việc này thật khó tả, bởi đây là những việc lần đầu làm trong đời và lại làm việc trong không khí đau buồn của gia đình người đã mất vừa phải đảm bảo các yêu cầu phòng dịch. Nhiều lúc, đang làm mà anh em phải bỏ ra ngoài một lúc để tịnh tâm lại rồi quay vào làm tiếp. Xác định “nghĩa tử là nghĩa tận”, anh em coi người đã khuất như chính thân nhân của mình nên nhờ đó đã vượt qua được những lúng túng ban đầu, những e ngại về tâm lý để làm tốt công việc của mình.
Khi nói về nhiệm vụ “đặc biệt” này, Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, chăm lo hậu sự cho người đã mất vì COVID-19 là sự thể hiện trách nhiệm của quân đội với nhân dân, nghĩa tử đó sẽ làm ấm lòng người đã mất và giảm đau thương cho những người còn sống. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng là quá trình bộ đội tìm hiểu, nắm rõ hơn về hoàn cảnh, điều kiện của thân nhân, gia đình người đã khuất để sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ khi người dân cần”.
Bài cuối: Những con người thầm lặng