Tình yêu thương của những “người mẹ” đặc biệt này như ngọn lửa ấm giúp trẻ em trong Làng vơi bớt những khó khăn trong cuộc sống.
Một mẹ nuôi bảy đứa con Hiện nay, cả nước có 17 làng trẻ em SOS, trong đó Làng trẻ em SOS Thái Bình là làng thứ 16. Mặc dù chính thức khánh thành vào năm 2015, nhưng ngay từ cuối năm 2013, Làng trẻ em SOS Thái Bình đã đón nhận và chăm sóc những đứa trẻ đầu tiên. Trẻ em được nhận nuôi tại đây đa số đều có hoàn cảnh rất khó khăn, gia đình không có khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng. Hơn 3 năm qua, nơi đây chăm sóc, nuôi dưỡng cho 102 trẻ em ở nhiều độ tuổi khác nhau. Trong đó, trẻ lớn nhất đang học lớp 12, bé nhất mới chỉ hơn 16 tháng tuổi. Ngôi làng có 13 khu nhà khang trang được đặt tên theo các loài hoa như Nhà hoa hồng, hoa sen, hoa hướng dương, hoa lay ơn… Chị Nguyễn Thị Phương, phụ trách giáo dục của Làng trẻ em SOS Thái Bình chia sẻ: Các cô đặt tên nhà như vậy để phù hợp và thân thiện với các mẹ, các con...
Chị Nguyễn Thị Tươi luôn quan tâm, săn sóc các con hàng ngày. |
Cũng như các con, 13 người phụ nữ tại đây đều có những hoàn cảnh đặc biệt, chính vì vậy giữa mẹ và các con dễ tìm được sự đồng cảm, sẻ chia. Chị Nguyễn Thị Tươi (sinh năm 1973, quê tại xã Đông Động, huyện Đông Hưng) là một trong những người mẹ gắn bó với làng trẻ từ ngày đầu mới thành lập. Không có gia đình riêng, chị dành trọn thời gian, tâm huyết để chăm sóc, nuôi dưỡng những đứa trẻ tại Làng. Trong câu chuyện của mình, chị Tươi chia sẻ: Khi còn trẻ, chị đã tâm niệm, mong muốn làm nhiều việc có ích cho xã hội. Đến đầu năm 2013, khi nghe tin có làng SOS nhận nuôi trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, chị đã làm đơn tình nguyện đăng ký vào làng, tham gia chăm sóc các con...
Gia đình mà chị Tươi chăm sóc mang tên "Hoa hướng dương" có 7 đứa con. Đứa lớn 15 tuổi và đứa nhỏ nhất 5 tuổi. Bình thường, làm mẹ của một, hai đứa con đã rất vất vả nhưng với các mẹ ở đây thường xuyên chăm sóc 5- 8 đứa con. Đặc biệt, do hoàn cảnh khác biệt, mỗi đứa trẻ ở đây mỗi tính, mỗi nết. Sự khác biệt, chênh lệch về độ tuổi cũng làm việc chăm sóc trẻ khó khăn hơn nên có thể nói, để có thể yêu thương, chăm sóc các bé, sự hi sinh và trách nhiệm của các mẹ là điều kiện tiên quyết. Chị Tươi tâm sự: Trong nhà, mỗi đứa mỗi hoàn cảnh. Đứa thì cả bố cả mẹ đều mắc bệnh thần kinh, suốt ngày la hét, lại có đứa chỉ có bố mà không có mẹ... Đặc biệt, nhà chị có hai anh em Đỗ Ngọc Anh và Đỗ Ngọc An, bố mẹ mất sức lao động, không thể chăm nuôi được nên phải gửi con vào đây. Thương các con, chị Tươi dành tất cả tình yêu thương cho bọn trẻ.
Chị Tươi đã nắm rõ tính nết, thói quen ăn uống, sinh hoạt và cả chuyện học hành của từng đứa con. Chia sẻ về hoàn cảnh đặc biệt của những đứa con trong ngôi nhà của mình, chị Tươi cho biết, trong nhà có chị cả Nguyễn Thị Ngoan (quê ở xã Nam Trung, huyện Tiền Hải) luôn biết quan tâm đến mẹ, các em. Những ngày chị cả Ngoan ốm, các con hỏi han, thuốc thang và tự chăm sóc lẫn nhau. Mỗi chuyện buồn vui trên lớp hay sự đổi thay về tâm sinh lý lứa tuổi đều được mẹ con chia sẻ, tìm cách giải quyết. Những tình cảm thân thuộc trong gia đình ấy đã khiến mẹ và các con - từ những người xa lạ, không chung dòng huyết thống ngày càng gắn bó với nhau hơn...
Tình mẫu tử ở làng trẻ Nằm gần nhà chị Tươi là căn nhà mang tên hoa lay ơn của 8 mẹ con chị Phạm Thị Hằng. Đây là căn nhà đông con nhất ở Làng trẻ em SOS Thái Bình. Chị Hằng một tay chăm sóc 8 đứa con, đứa nhỏ nhất mới 16 tháng tuổi. Chị Hằng có nhà ở phường Hoàng Diệu, Thành phố Thái Bình nhưng cũng tình nguyện xin về ở luôn tại Làng trẻ em SOS Thái Bình để chuyên tâm chăm sóc những trẻ em thiệt thòi tại đây.
Trong nhà hoa lay ơn, các bé đều khá lớn nên ít nhiều đều đã được sống trong gia đình với tình cảm yêu thương của bố mẹ, ông bà, người thân ruột thịt. Duy chỉ có em út Phạm Ngọc Bảo Anh là đáng thương hơn cả. Bảo Anh bị mẹ bỏ rơi khi mới 2 tháng tuổi tại Hà Nội. Khi ra đi, người mẹ ấy chỉ để lại mảnh giấy nhắn rằng tên của bé là Bảo Anh. Thương xót hoàn cảnh của Bảo Anh, đầu năm 2016, Làng trẻ em SOS Thái Bình đã đón em về nuôi. Sau khi vào Làng, các mẹ và Ban Giám đốc quyết định cho Bảo Anh mang họ của chị Hằng. Cái tên hoàn chỉnh Phạm Ngọc Bảo Anh chính là từ đó mà ra. Chị Hằng chưa nuôi con nhỏ bao giờ nên những ngày đầu nuôi bé Bảo Anh là những ngày khó khăn nhất đối với chị. Đứa bé mới 2 tháng tuổi đã không được bú sữa mẹ, nhiều đêm bé khóc ngặt vì thèm sữa, làm chị Hằng cũng ứa nước mắt vì thương con. Các mẹ trong Làng tích cực đi xin sữa mẹ cho bé, dần dần nguồn sữa khó khăn thì chuyển cho con ăn sữa công thức..., chị Hằng chia sẻ.
Chị Phạm Thị Hằng chăm sóc bé Phạm Ngọc Bảo Anh tại làng trẻ em SOS Thái Bình. |
Hàng ngày, chị Hằng bận bịu với nhiều công việc, từ đi chợ chuẩn bị bữa cơm cho các con, đưa đón các con đi học, đến tắm rửa, giặt quần áo. Buổi tối, sau khi hết việc nhà, chị lại ngồi cạnh kèm các con học bài đến khuya. Một ngày của bà mẹ chăm sóc 8 đứa con dường như dài hơn, mệt mỏi hơn nhưng cũng thật nhiều niềm vui. Năm tháng qua đi, chị Hằng đã quen với việc, chỉ khi đêm muộn mới là lúc chị dành chút thời gian cho riêng mình.
Trong câu chuyện của mình, chị Hằng, chị Tươi hay nhiều phụ nữ trong làng đều có chung suy nghĩ, việc họ đang làm chỉ là phần nhỏ để bù đắp cho những mảnh đời kém may mắn. Những người phụ nữ trong ngôi làng đặc biệt ấy vừa làm mẹ, vừa làm bạn, cô giáo của những mảnh đời bé nhỏ kém may mắn. Họ cùng nhau góp nhặt buồn vui, sẻ chia khó khăn, vất vả và cả những niềm vui tại mái nhà tình thương SOS Thái Bình. Với các chị, các mẹ ở đây, sự trưởng thành của những đứa con họ không mang nặng đẻ đau nhưng tận tâm chăm sóc chính niềm vui, động lực giúp các chị quên đi những vất vả, càng thêm yêu, thêm gắn bó với làng trẻ em SOS. Với các chị, những đứa trẻ đã trở thành máu thịt, là những đứa con thực sự của mình.