Những người mà chúng tôi nhắc tới dưới đây chỉ là số ít trong hàng nghìn phóng viên của TTXVN đang thực thi nhiệm vụ trên mọi nẻo đường. Mặc dù tác nghiệp rất “say”, nhưng khi nói về mình thì ai cũng kiệm lời...
Trải nghiệm "có một không hai"
Dù đã vài tháng trôi qua, nhưng những cụm từ “kinh hoàng” và “khủng khiếp” vẫn được nhiều người sử dụng để mô tả về trận động đất ở Nhật Bản. Trận động đất xảy ra vào ngày 11/3 được xem là có cường độ mạnh nhất trong lịch sử hiện đại của Nhật Bản và mạnh thứ 5 trong lịch sử thế giới. Động đất mạnh đã kéo theo các đợt sóng thần khổng lồ tràn vào các bờ biển ở phía Đông Bắc Nhật Bản, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người dân ở “xứ sở hoa anh đào”.
Mang theo vợ và con sang công tác tại Nhật Bản, Trưởng phân xã TTXVN tại Tokyo Thanh Tùng kể lại: Ngay sau trận động đất, tôi cầm máy quay video chạy ra ngoài, với hy vọng ghi lại những thước phim về quang cảnh đổ nát sau trận động đất cũng như sự hoảng sợ của người dân. Nhưng thực tế lại không phải vậy. Đập vào mắt tôi là hình ảnh những người dân Nhật Bản đang mang theo các balô nhỏ, trong đó dường như có chứa những đồ mà họ đã chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp. Mọi người đều rất bình tĩnh. Vì vậy, tôi quay lại phòng làm việc và bật tivi lên để cập nhật những thông tin mới nhất về thảm họa. Vừa viết tin, bài để chuyển về tổng xã TTXVN nhưng lòng vẫn canh cánh: “Không biết giờ này, vợ con mình ra sao?”, Tùng kể lại.
Đêm đó, bất chấp thời tiết giá lạnh nhưng Tùng vẫn cầm máy quay ra ra đường nắm tình hình. Tại ga Ikebukuro, tất cả các cửa hàng đều đóng cửa vào lúc nửa đêm nên nhiều người không có nơi để tá túc. Vì vậy, một số người đã cuốc bộ để về nhà, trong khi những người khác tạm lánh dưới các mái hiên của các cửa hàng dọc hai bên đường phía cửa Đông của ga. Không chỉ Thanh Tùng mà cả những người Việt Nam đang công tác tại “xứ sở hoa anh đào” cũng không thể tin vào mắt mình khi nhìn thấy những hình ảnh trực tiếp đầu tiên về sóng thần ở tỉnh Miyagi, những dòng lũ bùn cuốn trôi mọi thứ trên đường đi của nó, nhà cửa, xe cộ, tầu thuyền, đường sá... Ai nấy đều lặng đi, mắt cay xè vì không thể ngờ hậu quả động đất lại mạnh đến vậy. Thế nhưng, ở một khía cạnh khác, khía cạnh nghề nghiệp thì "đây là một trải nghiệm hết sức quý báu với tôi", Tùng nói.
“Say nghề thì không ngại hiểm nguy”
Từng có nhiều năm thường trú ở tỉnh Lai Châu, đã đi đến gần hết 98 xã của tỉnh và coi Lai Châu là quê hương thứ hai của mình, phóng viên Phân xã TTXVN tại Lai Châu, Công Hải vẫn không thể quên được nỗi gian truân khi tác nghiệp.
Công Hải còn nhớ vào những ngày giáp Tết Canh Dần năm 2010, trên địa bàn Lai Châu liên tục xảy ra cháy rừng. Càng cận kề Tết, rừng cháy càng nhiều… Đêm 30 Tết, anh em Phân xã Lai Châu nhận được tin cháy lớn ở Lào Cai đám cháy lan sang Lai Châu và đang tiến gần vào khu vực Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn. Đúng 5 giờ sáng mùng 1 Tết, Công Hải lên đường bằng xe máy. Suốt khoảng 60 km đường rừng, từ thị xã Lai Châu lên đỉnh đèo Hoàng Liên Sơn, đường vắng tanh, không một bóng người. Để tiếp cận đám cháy, Hải phải để xe máy ven quốc lộ 4D, rồi quốc bộ vào rừng cùng một cán bộ xã Sơn Bình huyện Tam Đường (Lai Châu). Đi bộ khá lâu, Hải gặp hàng trăm cán bộ, chiến sỹ công an, bộ đội địa phương đang ra sức phát đường băng cản lửa. Công Hải chớp ngay thời cơ chụp ảnh, phỏng vấn…
Trên đường về, Hải kể: “Tôi gần như kiệt sức, đi bộ chừng 40m phải ngồi lại thở vì mệt, vì đói, vì chân có hiện tượng chuột rút… May sao có một chiến sỹ trung đoàn 882 quý nhà báo, khoác hộ cái ba lô. Nhưng càng ra gần quốc lộ 4D tôi càng thấm mệt, chân cứng đơ, đau nhức, nhưng nghĩ hình ảnh đang đầy trong máy... nên tôi cố chống gậy bước đi chừng chục mét lại phải ngồi nghỉ, rồi lại lê bước… Mãi khoảng 19 giờ tối, tôi mới ra được đến quốc lộ 4D, tìm cách chuyển ảnh về Tổng xã, nhưng không làm được vì sóng phập phù. Tôi lại đành phi xe về thị xã. Ngồi trên chiếc xe Win phóng vù vù mà chân bên phải bị chuột rút, cứng đơ. Mặc dù rất đau nhưng tôi không dám dừng xe nghỉ, vì nếu dừng chắc chắn tôi sẽ ngã, không thể nào chống chân được… Nghiến răng chịu đau, đầu nghĩ về những file ảnh quý giá đã có trong máy, tôi vẫn vê ga đều đều. Về đến trụ sở Phân xã khoảng 20 giờ. Thế là hoàn thành chặng đường cực nhọc rồi!
"Không để phí thời gian, tôi ngồi luôn vào máy tính gõ tin: “Lai Châu đã cơ bản khống chế được cháy rừng” đã được viết nhanh ngay sau đó và chuyển ảnh về Tổng xã. Dù toàn thân đang đau nhức nhưng lòng tôi vẫn dậy niềm vui vì tin ảnh được phát kịp thời.
“Cuộc đời làm báo của tôi chưa nhiều, nhưng cũng đủ để trải nghiệm với quãng thời gian hơn 10 năm là phóng viên thường trú. Với chừng ấy năm lăn lộn ở vùng miền núi, biên cương của Tổ quốc, những “tai nạn” nghề nghiệp không làm tôi nhụt chí mà càng suy ngẫm sâu sắc về nghề”, phóng viên Viết Tôn - báo Tin Tức (TTXVN) chia sẻ.
Viết Tôn nói: “Đi mà không viết cũng ngứa ngáy, viết mà không đi lại cùn. Nhớ lại những năm tháng lăn lộn ở các tỉnh miền núi phía Bắc, có lần suýt mất mạng vì “say nghề”. Chuyện xảy ra vào tháng 4/2006 khi biết được thông tin các chiến sĩ biên phòng vừa tóm gọn một đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy và đang trên đường áp giải về Sở chỉ huy, Viết Tôn vội đến và chứng kiến việc các chiến sĩ đang đưa đối tượng vào phòng tạm giữ. Phóng viên tiến đến gần đối tượng định chụp ảnh thì các chiến sĩ biên phòng ngăn lại. Một chiến sĩ (xin được giấu tên) giải thích: “Việc bắt được đối tượng này chưa hẳn đã xong, vì băng nhóm của chúng còn đang mai danh ẩn tích nên nhà báo không được chụp ảnh. Để khi chuyên án kết thúc, chúng tôi sẽ mời anh qua cùng khai thác thông tin, lúc đó anh chụp hình cũng chưa muộn”.
“Quả thật, nếu không được giải thích như vậy, có lẽ chính tôi đã làm lộ chuyên án của các anh sau bao đêm theo dõi và mai phục”, Tôn nhớ lại. Và sau này, khi chuyên án kết thúc thành công, giữ đúng lời hứa, Đại tá Cao Thế Khiển, khi đó là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Điện Biên đã cung cấp cho anh những tấm hình bọn tội phạm ma túy mà các anh đã chụp để gửi đăng báo.
“Thực ra với tôi lúc đã say nghề thì đâu phân biệt được đâu là nguy hiểm đâu là không, khi phát hiện ra đề tài hay thì cứ thế mà đi thôi”, Trưởng phân xã TTXVN tại Cao Bằng, Nguyễn Mạnh Hà tâm sự. Mạnh Hà nhớ nhất lần chui vào hầm vàng ở bãi vàng Nậm Đang, xã Quang Trọng, huyện Thạch An (Cao Bằng) cùng Việt Hùng- phóng viên Đài phát thanh truyền hình Cao Bằng và Quốc Đạt, phóng viên Báo Cao Bằng. Để mục sở thị việc hàng trăm người bất chấp nguy hiểm chui vào hầm tối đào trộm vàng, nhóm phóng viên đã quyết định thử làm “chuột chũi” một phen. Mạnh Hà bộc bạch: “Lúc đầu cứ tưởng hầm vàng người ta vào ra đơn giản, ai dè càng đi càng thấy sợ, dưới lòng đất có tới vài km đường hầm lớn nhỏ, có chỗ rộng như cả toà nhà, nhưng cũng có chỗ chỉ đủ một người chui lọt, dưới hầm tối om, ẩm ướt. Điều nguy hiểm nhất vì khai thác "thổ phỉ" nên chẳng có chỗ nào được chống, chỉ cần một khối đất nhỏ sụt xuống là "đi đời". Đã vậy, các hầm lại nối với nhau như mê cung, chỉ sơ sểnh một chút là lạc đường. Nhưng cuối cùng với "lá gan to", chúng tôi vẫn hoàn thành cuộc thám hiểm một cách mỹ mãn, hình ảnh tuy hơi tối nhưng sống động, đắt giá”.
Mạnh Hà còn nhớ như in: "Lần đó khi tôi và Việt Hùng ra đến cửa hầm nhưng không thấy Quốc Đạt đâu, chờ đến 15- 20 phút vẫn biệt tăm. Sợ có điều không hay xảy ra, Hà quyết định chui trở vào tìm đồng nghiệp, còn Việt Hùng thì chờ ở ngoài nếu có gì thì gọi người đến hỗ trợ. Nhưng thật may, vừa chui vào được 20m thì thấy Quốc Đạt lóp ngóp bò ra. Té ra, Quốc Đạt ham hình ảnh nên không nhớ đường, phải quay lại nhờ mấy người khai thác thổ phỉ đưa ra...”.
Chuyện gặp nguy hiểm trong khi tác nghiệp đối với các nhà báo vùng cao thì có nhiều lắm, kể cũng không bao giờ hết. Nhưng có lẽ với họ, việc được dấn thân, trải nghiệm lại là một cơ hội tốt để cho ra những tác phẩm báo chí có chất lượng, có sức ảnh hưởng đến xã hội.
Minh Phương