Những nữ bí thư chi bộ, trưởng bản ở Môn Sơn

Chi bộ đảng xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An) là Chi bộ đảng đầu tiên miền Tây Nghệ An, được thành lập ngày 14/4/1931. Phát huy truyền thống quê hương anh hùng cách mạng và phẩm chất kiên trung của người phụ nữ Việt Nam, nhiều phụ nữ dân tộc Thái ở vùng biên cương xã Môn Sơn đã khiến mọi người nể phục khi đảm nhận trách nhiệm là bí thư chi bộ, trưởng bản.

Môn Sơn là xã miền núi biên giới diện tích rộng, địa hình đồi núi phức tạp, có 3 dân tộc cùng sinh sống (Kinh, Thái, Đan Lai). Xã có 21 chi bộ trực thuộc, trong đó có 14 chi bộ nông thôn với tổng số 402 đảng viên chính thức, 190 đảng viên là nữ và 334 đảng viên là người dân tộc thiểu số.

Nhiều năm qua, với đặc thù là xã miền núi biên giới, công tác phát triển đảng viên còn nhiều khó khăn, trong đó khó khăn nhất là vấn đề thiếu nguồn, do lao động trẻ chủ yếu đi làm ăn xa. Mặc dù Đảng ủy xã Môn Sơn rất chú trọng trong việc phát hiện, bồi dưỡng các nhân tố tích cực để kết nạp vào đảng, nhưng kết quả hằng năm đạt được chưa cao. Khắc phục khó khăn đó, Đảng ủy xã Môn Sơn là đơn vị đầu tiên của huyện miền núi Con Cuông mạnh dạn cơ cấu đội ngũ nữ phụ trách công tác đảng ở các chi bộ, thôn bản.

Chú thích ảnh
Chị Nguyễn Thị Nhuần (áo đỏ), Bí thư chi bộ bản Bắc Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An) tích cực tuyên truyền các chủ trương, Nghị quyết của Đảng ủy xã Môn Sơn trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đến người dân. 

Tiên phong phát triển kinh tế

Sau nhiều năm tham gia công tác tại Chi hội Nông dân bản Bắc Sơn (xã Môn Sơn), năm 2016, chị Nguyễn Thị Nhuần được nhân dân trong bản tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận. Với trách nhiệm nặng nề, song chị Nhuần luôn trăn trở làm sao để đưa bản Bắc Sơn ngày càng phát triển đi lên khi tỷ lệ hộ nghèo còn cao trong suốt nhiều năm liền.

Chị Nguyễn Thị Nhuần chia sẻ, bản Bắc Sơn có 220 hộ dân, 16 đảng viên, khu dân cư bị ngăn cách với vùng sản xuất bởi sông Giăng. Vì vậy, bản thường xuyên thiếu nước vào mùa khô, nước dâng cao về mùa mưa lũ, gây khó khăn cho việc phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt và vận chuyển nông sản đi tiêu thụ của người dân.

Trước những khó khăn đó, Bí thư Nhuần đã quán triệt tới các đảng viên trong chi bộ về chủ trương, Nghị quyết của Đảng ủy xã Môn Sơn trong phát triển kinh tế; tổ chức họp dân, kiên trì tuyên truyền, thuyết phục bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt mạnh dạn đưa giống lúa lai, ngô lai vào gieo trồng. Kết quả đáng mừng là năng suất lúa lai, ngô lai đều rất cao, đời sống kinh tế người dân ngày càng cải thiện.

Chưa dừng lại ở đó, nhận thấy diện tích đất màu tại bản Bắc Sơn sản xuất kém hiệu quả suốt nhiều năm liền, năm 2020, chị Nhuần cùng cấp ủy tiếp tục vận động nhân dân trong bản chuyển đổi 5,6 ha đất màu sang trồng mía. Hiện nay, 1/3 diện tích đã cho thu hoạch (đạt 120 tấn/ha), những diện tích còn lại phát triển tốt đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp tại bản Bắc Sơn. Ngoài ra, để cải tạo đất xen canh tăng năng suất, chị Nguyễn Thị Nhuần đã vận động người dân trồng xen lạc vụ Xuân trên đất mía có hiệu quả cao.

Để nâng cao thu nhập cho người dân, chị Nguyễn Thị Nhuần tích cực vận động nhân dân phát triển chăn nuôi theo các mô hình trang trại, gia trại. Để người dân tin tưởng làm theo, bản thân chị Nhuần đã tiên phong đi đầu, vượt khó trong lao động sản xuất, hiện gia đình chị nuôi 4 con trâu, bò, nuôi 6 con lợn thịt, đàn gà hàng trăm con, kinh tế gia đình ngày càng ổn định. Theo gương chị Nhuần, phong trào chăn nuôi sản xuất ngày càng được chú trọng, hiện bản Bắc Sơn có nhiều hộ sản xuất chăn nuôi theo hướng hàng hóa với tổng số hơn 350 con trâu, bò; trên 500 con lợn và trồng 148 ha keo. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo bản Bắc Sơn giảm còn 17% ( hộ).

Chú thích ảnh
Chị Nguyễn Thị Nhuần (áo hồng), Bí thư chi bộ bản Bắc Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An) luôn tích cực tuyên truyền các hộ gia đình phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập. 

Nói đi đôi với làm

Tại bản Khe Ló (xã Môn Sơn), dù tuổi đời còn rất trẻ, song Bí thư chi bộ kiêm Trưởng bản Lương Thị Tâm luôn được người dân tin yêu. Năm 2017, đảm nhận vị trí Bí thư chi bộ khi tuổi đời trẻ, không ít người đã nghi ngờ về năng lực của chị Tâm. Song, trong một thời gian ngắn, với các phong trào do Đảng ủy xã Môn Sơn phát động, chị Tâm đã thể hiện là con người công tâm, nhiệt huyết, hăng hái và đầy trách nhiệm trong mọi công việc được giao.

Đơn cử như trong bình xét hộ nghèo, cận nghèo, một việc làm hàng năm liên quan trực tiếp đến quyền lợi của từng hộ dân, chị đã cho thấy sự công tâm, trách nhiệm của người đứng đầu bản Khe Ló.

Chị Lương Thị Tâm chia sẻ, trước khi tiến hành bình xét hộ nghèo, tôi đã họp chi bộ, quán triệt các đảng viên với nguyên tắc dân chủ, công khai, công bằng trong việc bình xét. Sau đó, tôi tiến hành họp dân để lắng nghe ý kiến của người dân; trực tiếp đi đến từng nhà chấm điểm theo bộ tiêu chí đã quy định sẵn, từ đó tạo ra sự đồng thuận và thống nhất cao trong nhân dân.

Khi nói về Bí thư chi bộ, Trưởng bản Lương Thị Tâm, người dân bản  Khe Ló còn nhắc đến chị với vai trò là người xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, chị thường xuyên tham gia hòa giải các vụ việc mâu thuẫn ngay từ cơ sở, khiến người dân nể phục, tin tưởng, không để đơn, thư khiếu nại vượt cấp.

Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ then chốt, chị Lương Thị Tâm cùng cấp ủy chi bộ bản Khe Ló tích cực vận động người dân phát triển chăn nuôi, sản xuất. Do đó, từ 17 hộ gia đình chăn nuôi lợn nái sinh sản năm 2017, đến năm 2021 đã có 51 hộ chăn nuôi với thu nhập ổn định; nhiều hộ dân trong bản cũng đã tin tưởng nghe theo hướng dẫn của chị Tâm, chuyển đổi thành công ruộng trũng bỏ hoang để trồng 2 ha bí xanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với phương châm “nói đi đôi với làm”, công tác dân vận khéo luôn được Bí thư Lương Thị Tâm vận dụng đạt hiệu quả cao, tạo sự thống nhất, đồng bộ giữa quần chúng và đảng viên. Trong nhiều năm qua, Chi bộ Khe Ló luôn là chi bộ vững mạnh; Bí thư kiêm Trưởng bản Lương Thị Tâm luôn là đảng viên có uy tín trong cộng đồng khu dân cư.

Đào tạo, bồi dưỡng phát triển đảng viên trẻ

Chú thích ảnh
Một buổi họp chi bộ tại bản Bắc Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An. 

Theo Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn Đặng Văn Thân, hiện xã có 9/14 bí thư chi bộ, trưởng bản là nữ; trong đó người nhiều tuổi nhất là 58 tuổi, trẻ tuổi nhất là 32 tuổi. Nhiều năm qua, các nữ bí thư chi bộ, trưởng bản này đã huy được năng lực, trách nhiệm và là những hạt nhân chính trị đưa các phong trào của cấp ủy chính quyền ngày càng đi lên, góp sức lớn trong việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Đặc biệt, chị Nguyễn Thị Nhuần và Lương Thị Tâm đều là những nữ bí thư chi bộ quyết liệt trong chuyển đổi mô hình kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đơn cử như các mô hình nuôi bò sinh sản, lợn sinh sản, trồng bí xanh, trồng mía, trồng sắn… đã mang lại thu nhập cho người dân. Hiện toàn xã có 3 bản về đích nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo tại xã Môn Sơn giảm còn 21,2% (năm 2020); an ninh biên giới được giữ vững, đời sống kinh tế ngày càng được nâng lên.

Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Con Cuông Lô Văn Thao cho biết, tại các địa phương của huyện, việc đào tạo, bồi dưỡng phát triển cán bộ, đảng viên trẻ đang gặp nhiều khó khăn. Đặc thù của huyện Con Cuông là việc làm tại chỗ rất hạn chế, người dân đi làm ăn xa nhiều; sinh viên tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng trở về địa phương làm việc rất ít. Do đó, nguồn đào tạo, bồi dưỡng để phát triển đảng viên trẻ công tác trong các cơ quan, đơn vị, địa phương trong nhiều năm qua gặp nhiều khó khăn.

Huyện ủy Con Cuông đánh giá rất cao việc Đảng ủy xã Môn Sơn đã khắc phục khó khăn, linh hoạt, mạnh dạn cơ cấu các cán bộ nữ đảm nhận chức danh bí thư chi bộ, trưởng bản tại địa phương. Qua thực tế theo dõi, huyện đánh giá cao trình độ, năng lực và khả năng hoàn thành nhiệm vụ tốt của các nữ bí thư chi bộ xã Môn Sơn. Đặc biệt, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội, các nữ bí thư này rất mạnh dạn chỉ đạo, tham mưu, đề xuất các vấn đề liên quan đến việc phát triển kinh tế của người dân.

"Thời gian tới, huyện Con Cuông tiếp tục rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ trẻ trên địa bàn huyện, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ nữ, người dân tộc thiểu số để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo nguồn kế cận để thay thế khi cần thiết" - Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Con Cuông Lô Văn Thao cho biết thêm.

Bài và ảnh: Chuyên (TTXVN)
Người Bí thư chi bộ dân tộc Mông gương mẫu ở Lũng Vài
Người Bí thư chi bộ dân tộc Mông gương mẫu ở Lũng Vài

Đến xã Côn Lôn, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang hỏi về anh Sùng A Lầu, Bí thư chi bộ thôn Lũng Vài thì ai cũng biết. Không chỉ gương mẫu trong phát triển kinh tế gia đình, tích cực vận động người dân địa phương chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, vươn lên thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới, anh Sùng A Lầu còn là tấm gương sáng về tinh thần tận tụy của người cán bộ, đảng viên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN