Hết mình vì cộng đồng
Dù đã ngoài 70 tuổi, ông Mai Văn Soạn vẫn điều hành một công ty chuyên sản xuất bao bì nhựa dược phẩm, y tế tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Nhiều năm làm giám đốc, ông Soạn không chỉ tạo việc làm cho nhiều lao động có hoàn cảnh khó khăn có thu nhập ổn định mà còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, hỗ trợ người nghèo, được chính quyền địa phương đánh giá cao.
Khi thành phố Đà Nẵng thực hiện hiện giãn cách xã hội ở mức cao “ai ở đâu ở yên đó”, ông Mai Văn Soạn đã hỗ trợ nhiều tấn gạo, cả nghìn suất quà giúp bà con khu dân cư, lực lượng ở các chốt kiểm soát dịch. Đầu năm nay, ông Soạn đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Ông Soạn chia sẻ, mục đích kinh doanh của ông là cố gắng tạo việc làm cho càng nhiều người càng tốt. Còn sức khoẻ, ông còn tiếp tục làm công tác nhân đạo, từ thiện để giúp người cho dù biết sẽ rất vất vả.
“Đi làm thiện nguyện, tôi thấy rất ý nghĩa, càng vất vả càng nhiều kỷ niệm. Tôi sẽ cố gắng đóng góp nhiều hơn nữa để giúp cho những người khó khăn có thể ổn định hơn” ông Soạn tâm sự.
Ông Đinh Quang Bào năm nay đã 81 tuổi nhưng vẫn được tín nhiệm được bầu là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần sản xuất dịch vụ thương mại sản phẩm LADODA tại tỉnh Hưng Yên. Điều hành một công ty có 29 năm phát triển trên đất làng nghề truyền thống, ông Bào được nhiều đối tác tìm đến vì làm ăn uy tín, trở thành nhà sản xuất hàng đầu Việt Nam với các mặt hàng: cặp học sinh, ba lô, ví, dây lưng và giầy dép từ da, giả da và vải dù... được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Sản phẩm của Công ty được xuất khẩu sang nhiều nước, được người tiêu dùng bình chọn là "Hàng Việt Nam chất lượng cao" liên tục từ năm 1999-2020. Sản phẩm LADODA xuất khẩu sang nhiều nước, khu vực trên thế giới.
Một trong những yếu tố khiến công ty LADODA đứng vững trên thị trường là do chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế; tích cực bảo vệ môi trường, tham gia vào các mặt công tác xã hội tại địa phương. Đặc biệt, dưới sự điều hành của ông Bào, công ty luôn có những chế độ chăm sóc người lao động, nhất là các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Đinh Quang Bào chia sẻ, ông không ngừng học tập, tìm tòi, cập nhật các dây chuyền, công nghệ mới để tăng năng suất lao động; thường xuyên tổ chức các cuộc thi nâng cao tay nghề, thi thợ giỏi, bàn tay vàng. Chế độ đãi ngộ ở công ty của ông khá đặc biệt, phụ nữ được hưởng lương cao hơn 5% so với nam giới, mỗi tháng được thêm 100 nghìn đồng nuôi con nhỏ, được gửi con ở nhà trẻ của công ty. Ai có gia đình ở xa, công ty có nhà cho công nhân ở. Biết người lao động không có nhiều thời gian dành cho các hoạt động vui chơi, giải trí, ông Bào thường xuyên phối hợp với các đơn vị mời các đoàn nghệ thuật về biểu diễn ngay tại hội trường văn hóa của công ty.
Với những thành tích và sự cống hiến hết mình cho công việc, ông Đinh Quang Bào không chỉ là người cao tuổi có nhiều thành tích đặc biệt, mà còn từng được vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú, là người có công phát triển ngành Da giầy Việt Nam.
Điểm tựa trong công tác phòng, chống dịch
Dù về hưu đã lâu nhưng ông Trần Trung Thành (Phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn thường xuyên tham gia các hoạt động ở địa phương. Được chính quyền và nhân dân tín nhiệm, ông Thành làm Tổ trưởng Tổ dân phố đã hơn 12 năm nay.
Dịch COVID-19 bùng phát, chính quyền phường Dịch Vọng Hậu đã chỉ đạo thành lập các “vùng xanh”. Ngay lập tức, ông Thành cùng với 35 người, trong đó có 23 cán bộ hưu trí, xung phong tham gia tổ trực chốt kiểm soát phòng, chống dịch. Hằng ngày, các ông thay phiên nhau làm nhiệm vụ bảo vệ “vùng xanh” với tinh thần chống dịch như chống giặc, không phân biệt giới tính, độ tuổi.
Ông ông Trần Trung Thành cho biết, trời nắng cũng như mưa, các thành viên trong tổ vẫn giữ vững tinh thần trách nhiệm với công việc, không hề tỏ ra mệt mỏi. Nhiều hôm, xong ca trực, ông lại cùng mọi người tham gia công tác tuyên truyền về thông điệp 5K cùng các quy định phòng, chống dịch.
“Được người dân tín nhiệm, gia đình ủng hộ và quan trọng hơn là một đảng viên, tôi luôn sẵn sàng phục vụ nhân dân vô điều kiện. Trong lúc đất nước khó khăn như này, những cán bộ hưu trí như chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng xông pha các mặt trận”, ông Thành chia sẻ.
Có thể nói đại dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân trên cả nước. Việc bảo vệ các “vùng xanh” cũng như tham gia vào công tác phòng, chống dịch là trách nhiệm của toàn dân. Tuy nhiên, một điều rất đáng trân trọng là trong những ngày qua, lực lượng tình nguyện tham gia trực chốt, tuyên truyền cho nhân dân chủ yếu lại là người cao tuổi. Ông Thành cũng giống như biết bao bô lão trên cả nước đều suy nghĩ rất đơn giản là còn sức khỏe, còn cống hiến, như vậy cuộc sống mới có ý nghĩa.
Cụ Nguyễn Tuấn Hùng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Giang Biên (Quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, những ngày giãn cách xã hội, người cao tuổi không thể đến những nơi công cộng để vui chơi, giải trí, luyện tập các môn thể thao yêu thích, việc tham gia vào công tác phòng, chống dịch cũng giúp họ thoải mái tinh thần. Nhiều hội viên người cao tuổi tự nguyện tham gia vào các Tổ an toàn COVID cộng đồng.
Không những thế, Hội còn trích quỹ gửi tặng lực lượng y tế phường và các chốt trực kiểm soát dịch trên địa bàn phường. Việc làm có ý nghĩa này đã góp phần khích lệ tinh thần "chống dịch như chống giặc" của các lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn phường…
Trong buổi gặp mặt gần đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các thế hệ người cao tuổi ở địa phương, từ khu phố đến xã, phường, đều hăng hái tham gia đóng góp vào công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo Chủ tịch nước, hình ảnh những cựu chiến binh 70-80 tuổi, những cán bộ lão thành đã về hưu cần mẫn làm nhiệm vụ ở đầu ngõ, đầu hẻm, canh gác người lạ mặt ra, vào; ân cần nhắc nhở, lưu ý, quan tâm người dân khiến cả xã hội cảm động.
Chủ tịch nước đề nghị Hội Người cao tuổi các cấp phải tiếp tục có những hoạt động thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở, hướng vào người cao tuổi; từ đó đóng góp cho phong trào địa phương, làm gương cho các cấp, ngành trên cả nước. Hội Người cao tuổi từ Trung ương đến địa phương tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của người cao tuổi trong xây dựng gia đình văn hóa kiểu mẫu, "kính già, yêu trẻ", "tôn sư trọng đạo". Trong mỗi gia đình, dòng tộc, xóm làng, người già có vai trò "rường cột", là tấm gương để thế hệ trẻ noi theo học tập.