Khi Việt Nam áp dụng chính sách tất cả khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam phải tiến hành cách ly tập trung, nhiều người không hiểu về chính sách đã rất lo lắng do bất đồng ngôn ngữ. Do đó, để hỗ trợ lực lượng chức năng tại các khu cách ly trên địa bàn Hà Nội, Sở Ngoại vụ Hà Nội đã bố trí những tình nguyện viên vốn là những hướng dẫn viên (HDV) để hỗ trợ về ngôn ngữ.
Sau khi Sở Ngoại vụ gửi công văn sang Sở Du lịch Hà Nội để tìm tình nguyện viên, đến nay đã có khoảng 100 hướng dẫn viên đăng ký tham gia. Dựa trên nhu cầu thực tế, cơ quan điều phối đã chọn 5 người và phân về các khu cách ly tập trung ở Trường Quân sự Sơn Tây; Bệnh viện Công an thành phố; khu nhà ở sinh viên Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) với các ngôn ngữ chính là tiếng Anh, Tây Ban Nha, Hàn Quốc.
Trong nhóm 5 tình nguyện viên phiên dịch tại khu cách ly có bạn Phạm Thị Huệ (sinh năm 1990), chuyên ngành tiếng Hàn Quốc. Bạn Huệ chia sẻ: “Lý do đăng ký làm tình nguyện viên cũng đơn giản, vì tôi làm hướng dẫn viên tự do. Khi dịch COVID-19 bùng phát, không còn khách, trong khi thành phố triển khai chính sách cách ly tập trung và cần tìm tình nguyện viên phiên dịch, nên tôi nghĩ cần làm việc gì đó có ý nghĩa”.
Khi được hỏi về phản ứng của người thân trước thông tin xung phong vào khu cách ly, Huệ cho biết: "Tôi đăng ký xong rồi mới báo bố mẹ. Mọi người cũng khá lo lắng và có ý kiến phản đối vì sợ nguy hiểm, nhỡ không may lây nhiễm thì khổ. Hàng ngày bố gọi điện hỏi han liên tục mỗi khi đọc tin bác sỹ, điều dưỡng dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Nhưng ở đây, quá trình làm việc mọi người đều thực hiện đúng quy định sử dụng bảo hộ, khử trùng… nên tôi tự tin sẽ an toàn”.
Theo phân công, Huệ làm tình nguyện viên tại Bệnh viện Công an thành phố, nơi có hơn 70 khách du lịch Hàn Quốc. Trước khi làm việc tại khu cách ly tập trung, Huệ được cán bộ y tế hướng dẫn cách mặc đồ bảo hộ, sát khuẩn và rửa tay hàng ngày.
Ở khu cách ly tập trung, công việc của Huệ là giải thích chính sách cho khách Hàn Quốc khi họ làm thủ tục check in tại khu cách ly. Sau đó, khi y tá, bác sỹ kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt, Huệ lại cần mẫn đi cùng để giải thích cho mọi người hiểu, hợp tác. “Về tâm lý của khách, khi vào check in khu cách ly, mọi người khá lo lắng, vì nghĩ là bị giam giữ. Nhưng sau khi được giải thích, chăm sóc với điều kiện ăn ở tốt, du khách đều an tâm”, Huệ cho biết.
Ấn tượng nhất với Huệ trong thời gian làm phiên dịch tại khu cách ly là trường hợp một khách Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam nhập cảnh hôm 17/3 lúc 7 giờ sáng và 22 giờ tối mới được đến khu cách ly trong tình trạng mệt mỏi và chán nản. Sau đó, được thông báo cách ly 14 ngày chứ không phải 5 ngày ngoài sân bay như thông tin tại Hàn Quốc, khiến du khách này tức giận. “Du khách này lại vừa mới cắt amidan, nên hệ miễn dịch còn yếu, sợ môi trường không khí ở bệnh viện. Vì vậy, các bác sĩ sắp xếp du khách này ở một phòng riêng và tôi giải thích cụ thể về chính sách phòng dịch của Việt Nam. Bên cạnh đó, lại ở phòng thoải mái, nên du khách này đã vui vẻ hợp tác. Khi rời khu cách ly, du khách này còn gửi lời cảm ơn tôi vì đã giúp đỡ họ hiểu về chính sách của Việt Nam”, Huệ chia sẻ.
Để an toàn cho bản thân và cho mọi người, Huệ luôn nhắc du khách nước ngoài tại khu cách ly tuân thủ nghiêm về vệ sinh và đeo khẩu trang. Kết thúc thời gian tình nguyện, Huệ trở về nhà với kết quả xét nghiệm âm tính và tiếp tục thực hiện cách ly 14 ngày để an toàn cho cộng đồng.
Cũng tham gia làm tình nguyện với vai trò là phiên dịch, với bạn Đoàn Xuân Hiệp (sinh năm 1990) cũng là hướng dẫn viên du lịch tiếng Anh. Hiệp xung phong đi tình nguyện là do đọc trên báo phản ánh nhiều người nước ngoài bất đồng ngôn ngữ với nhân viên phục vụ, nên phát sinh những khó khăn và muốn vào để hỗ trợ lực lượng chức năng.
Theo phân công, Hiệp làm tại khu cách ly tập trung ở Tứ Hiệp (Hoàng Mai). Công việc chủ yếu hàng ngày của Hiệp là hỗ trợ dân quân, bộ đội làm thủ tục cho người cách ly nhận phòng; cùng đội ngũ y tế đo thân nhiệt 2 lần/ngày cho người bị cách ly...
Đối với Đoàn Xuân Hiệp, ấn tượng sâu sắc là câu chuyện một nữ Việt kiều trở về từ Mỹ khoảng 60 tuổi, nhưng chỉ "bập bẹ" vài từ tiếng Việt. “Bà Việt kiều về Việt Nam thăm bố ở Huế bị ung thư phổi giai đoạn cuối vào ngày 18/3. Theo quy định, bà Việt kiều bị cách ly ở khu Tứ Hiệp, nên không vào được Huế. Tôi đã làm cầu nối phiên dịch nguyện vọng với những cấp có thẩm quyền tại khu cách ly và cũng giải thích chính sách cách ly 14 ngày. Mấy ngày sau, khi nhận tin bố mất, bà Việt kiều rất buồn, nhưng vì hiểu chính sách của Việt Nam, nên bà Việt kiều không phàn nàn và cám ơn tôi khi rời khu cách ly”, Hiệp kể.
Làm việc tại khu cách ly, Hiệp cũng hiểu hơn về công tác phòng dịch để giải thích với người thân. “Gia đình ai cũng lo lắng, vì đang yên đang lành lại đi vào khu cách ly. Tuy nhiên, tại đó tôi được xét nghiệm, ăn uống theo chế độ cùng với dân quân, bộ đội, y tế và mặc đồ bảo hộ, đảm bảo an toàn theo quy định. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi cũng thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày theo quy định. Tôi mong hết dịch sớm để quay lại với công việc”, Hiệp chia sẻ.
Theo đại diện Sở Ngoại vụ Hà Nội, thời điểm Việt Nam bắt đầu áp dụng chính sách cách ly toàn bộ với những người nhập cảnh, trong đó, có nhiều người nước ngoài có quốc tịch khác nhau đến Việt Nam du lịch, làm việc. Do chính sách phòng dịch của Việt Nam thường điều chỉnh liên tục theo thực tế, nên nhiều người chưa cập nhật, phải giải thích cụ thể về chính sách của Việt Nam, giúp họ hợp tác, vừa đảm bảo công tác phòng dịch, vừa không ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao. Thời điểm đó, để tìm phiên dịch thì thành phố không có đủ kinh phí, trong khi những người chấp nhận tình nguyên vào khu cách ly hỗ trợ, đồng nghĩa phải chấp nhận thực hiện cách ly 14 ngày làm việc, sinh hoạt tại khu cách ly và cả sau khi kết thúc nhiệm vụ. Do đó, những tình nguyện viên này không chỉ là những phiên dịch viên, mà còn là người trực tiếp động viên, chia sẻ, làm vơi đi nỗi niềm riêng của du khách trong khu cách ly.