Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nêu rõ, Kịch bản biến đổi khí hậu cập nhật năm 2020 dựa trên cơ sở các công bố mới nhất của Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), với kết quả mới nhất của các mô hình khí hậu toàn cầu, số liệu quan trắc khí tượng thủy văn, số liệu mực nước biển đo đạc từ vệ tỉnh và số liệu địa hình. Kịch bản cũng đã sử dụng số liệu quan trắc và số liệu mô hình số độ cao của Việt Nam cập nhật đến năm 2020, kịch bản bổ sung 10 phương án mô hình toàn cầu và 6 mô hình khu vực để dự tính các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nguy cơ ngập do nước biển dâng chi tiết đến các đơn vị hành chính cấp huyện, các đảo và quần đảo của Việt Nam.
Hội thảo cũng giới thiệu Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia. Đây là báo cáo lần đầu tiên được xây dựng nhằm hỗ trợ các nhà quản lý và người dân hiểu rõ hơn về đặc điểm, hiện trạng và mức độ thay đổi của khí hậu, trong đó phân tích những tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam ở hiện tại và tương lai. Qua đó có thể thấy Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Báo cáo cũng đã nhận định về những nỗ lực, thành quả và thiếu hụt trong ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam trong thời gian qua.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, kịch bản biến đổi khí hậu cập nhật năm 2020 đề cập đến các vấn đề về biến đổi khí hậu toàn cầu (về nhiệt độ, lượng mưa, nước biển dâng); số liệu và phương pháp (số liệu khí tượng, mực nước thủy triều, phương pháp xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu, phương pháp xây dựng kịch bản nước biển dâng); biểu hiện của biến đổi khí hậu ở Việt Nam; kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam (nhiệt độ, lượng mưa, các hiện tượng cực đoan); kịch bản nước biển dâng.
"Chúng tôi đã nghiên cứu và cố gắng cập nhật những vấn đề mới nhất về biến đối khí hậu tại kịch bản cập nhật năm 2020, những vấn đề chưa có thể cập nhật được do nhiều nguyên nhân vẫn có thể sử dụng các thông tin ở các kịch bản biến đổi khí hậu các năm trước”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia được xây dựng theo quy định tại Điều 35 của Luật Khí tượng thủy văn năm 2015 và nội dung của Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia được quy định tại Thông tư số 08/2016/TT-BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và đánh giá khí hậu quốc gia.
Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia đã đánh giá khí hậu cho toàn bộ lãnh thổ Việt Nam bao gồm khí hậu trên đất liền và khí hậu vùng biển. Các phương pháp thống kê, mô hình toán, tổng hợp, kế thừa được sử dụng để xây dựng báo cáo.
Số liệu sử dụng trong Báo cáo được kế thừa từ dự án “Cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam” thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020. Các số liệu về nhiệt độ, lượng mưa tại 150 trạm khí tượng và số liệu mực nước biển tại 15 trạm hải văn được thu thập từ 1958 (đối với số liệu tháng) và từ năm 1961 (đối với số liệu ngày) đến năm 2018, một số số liệu liên quan đến hiện tượng thời tiết cực đoan được cập nhật đến năm 2020.
Đây là báo cáo Đánh giá khí hậu quốc gia lần thứ nhất, được xây dựng vào năm cuối của kỳ đánh giá (năm 2018). Báo cáo sẽ được cập nhật định kỳ theo lộ trình được quy định trong Luật Khí tượng thủy văn.
Đề cập đến việc đề xuất hướng dẫn lồng ghép các kịch bản biến đổi khí hậu vào quá trình xây dựng quy hoạch và ra quyết định đầu tư, Tiến sĩ James Syme, chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu vào kế hoạch đầu tư trong đó chú trọng vào 5 bước: xác định vấn đề và phạm vi đánh giá tác động của biến đổi khí hậu; chuẩn bị phân tích kịch bản biến đổi khí hậu; thực hiện phân tích tính dễ tổn thương tại những nơi ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu; xác định và lựa chọn các giải pháp khắc phục; truyền thông, triển khai, giám sát các vấn đề đầu tư trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện tại...
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và chia sẻ những vấn đề liên quan như hướng dẫn khai thác và sử dụng kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam, thời gian xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu...
Việc cập nhật Kịch bản biến đổi khí hậu năm 2020 và Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia là tài liệu hữu ích để các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học tại các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tham khảo, lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào quá trình xây dựng, cập nhật chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của cơ quan, địa phương trong thời gian tới.
Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, công bố vào các năm 2009, 2012, 2016.