Trong đó, các đơn vị đã thông báo cho tổng số 127 phương tiện/346 thuyền viên trên địa bàn đơn vị quản lý để biết về diễn biến của bão trên biển Đông để chủ động phòng chống.
Tính đến 9 giờ ngày 2/8 tỉnh Ninh Bình đã kêu gọi được 123 phương tiện/342 thuyền viên neo đậu vào các bến Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ninh. Hiện tại còn lại bốn phương tiện và 4 thuyền viên bị mắc cạn ngoài vùng bãi.
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng đang phối hợp với UBND huyện Kim Sơn tìm cách đưa bốn thuyền viên vào nơi tránh trú an toàn. Cùng với đó, Ninh Bình đã thông báo cho 224 lao động đang hoạt động ngoài đê Bình Minh 3 di dời vào nơi tránh trú an toàn.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi đã chỉ đạo vận hành 31 máy/15 trạm bơm, vận hành 78 cống dưới đê và một cống hồ nhằm tiêu úng khi có mưa lớn.
Trước đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Kim Sơn và các ngành chức năng nghiêm cấm không cho tàu thuyền ra khơi kể từ 19h ngày 1/8/2019 đến khi bão tan; kêu gọi triệt để tàu, thuyền, các phương tiện đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú bão an toàn; triển khai phương án di dân khu vực ngoài đê Bình Minh 3 và di dân ra khỏi vùng thấp trũng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi tránh trú an toàn xong trước 9h ngày 2/8/2019; kiểm tra đảm bảo an toàn cho các tuyến đò ngang, đò dọc (tạm ngừng hoạt động các tuyến đò kể từ 9h00 ngày 2/8/2019 đến khi bão tan); huy động lực lượng, phương tiện tổ chức chặt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà cửa, biển hiệu, đảm bảo an toàn cho công trình đang xây dựng, kho tàng, bến bãi, hàng hóa, trường học, bệnh viện, trạm y tế.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình yêu cầu các thành phố, huyện, xã, thị trấn chỉ đạo thôn, xóm giúp các gia đình chính sách, neo đơn phòng tránh bão đảm bảo an toàn.