Hướng dẫn người khuyết tật các kỹ thuật đan móc len thủ công mỹ thuật. |
Trong thời gian 3 tháng, người khuyết tật được hướng dẫn các kỹ năng đan, móc bằng nguyên liệu len để tạo ra các sản phẩm như thú nhồi bông, tấm trải giường, một số sản phẩm lưu niệm. Tham dự lớp học, các học viên được miễn toàn bộ học phí và được hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày; được hỗ trợ tiền đi lại với mức 300.000 đồng/người/khóa học đối với học viên ở cách địa điểm học 5 km. Sau khi trải qua kỳ thi kiểm tra tay nghề, các học viên được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề.
Chị Phan Thảo Hồng An, xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước, một học viên của lớp học nghề chia sẻ: "Các ban, ngành ở địa phương và các thầy cô trong lớp luôn quan tâm hướng dẫn các học viên là người khuyết tật. Sau khi học nghề xong, tôi đã tự tin làm ra nhiều sản phẩm từ đan, móc sợi len để có thu nhập cho bản thân".
Bà Võ Thị Hồng Ánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bảo Chung Ninh Thuận cho biết: Đến lớp học nghề, các học viên là người khuyết tật rất nỗ lực, kiên trì. Nhiều học viên tuy gặp khó khăn về vận động, thính giác nhưng vẫn nắm bắt rất nhanh các kỹ thuật đan, móc. Mục tiêu của lớp học vừa kết hợp đào tạo nghề đan móc len vừa kết hợp dạy ngôn ngữ ký hiệu cho người khuyết tật khiếm thính. Kết thúc khóa học, công ty cam kết ký hợp đồng đối với những lao động là người khuyết tật có tay nghề đáp ứng được yêu cầu; tiêu thụ sản phẩm đan, móc lên do người khuyết tật sản xuất. Ngoài ra, công ty thường xuyên mở các lớp nâng cao tay nghề cho lao động là người khuyết tật đã qua học nghề để có thể sản xuất thành thạo các mẫu mã mới theo từng đơn hàng.
Theo ông Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận, đào tạo nghề cần gắn với giải quyết việc làm cho người khuyết tật. Doanh nghiệp đào tạo nghề có trách nhiệm ký hợp đồng lao động theo cam kết để lao động là người khuyết tật trở thành lao động thực thụ của doanh nghiệp. Trong năm 2018, ngành Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng mở rộng quy mô đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó ưu tiên nguồn kinh phí đào tạo nghề cho lao động là người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Ninh Thuận hiện có gần 14.000 người khuyết tật; trong đó có trên 3.000 người khuyết tật ở độ tuổi lao động, hầu hết thuộc diện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn. Người khuyết tật chủ yếu tự tổ chức việc làm, công việc không ổn định. Do đó, để giúp người khuyết tật có công việc ổn định, các cấp, các ngành có những chính sách ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề thực hiện tốt việc dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động là người khuyết tật. Các ban, ngành tiếp tục quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật yên tâm lao động, sản xuất.