UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, của UBND tỉnh về công tác phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng, chống đuối nước trẻ em; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân về phòng, chống đuối nước trẻ em và lan tỏa thông điệp “Hãy hành động để chấm dứt tình trạng đuối nước”.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường phối hợp với ngành giáo dục, Công an, Đoàn thanh niên, Hội Chữ thập đỏ đẩy mạnh triển khai các chương trình, các lớp hướng dẫn kiến thức, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước; tăng dần tỷ lệ học sinh Tiểu học, Trung học Cơ sở được học bơi, biết bơi và có kỹ năng tự cứu đuối cho trẻ và các bậc phụ huynh, giáo viên, người trực tiếp làm việc với trẻ em.
Ngành Giáo dục triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè; đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè.
Các địa phương tăng cường phối hợp giữa ban ngành, đoàn thể, ban bảo vệ trẻ em cấp xã, cá nhân tình nguyện tham gia quản lý chặt chẽ trẻ em trong thời gian không đến trường, đặc biệt là dịp nghỉ hè, thời gian xảy ra bão, lũ, thiên tai; rà soát cảnh báo kịp thời các địa điểm có nguy cơ gây tai nạn đuối nước để có biện pháp phòng ngừa. Địa phương bố trí ngân sách để thực hiện phòng, chống đuối nước trẻ em, phổ cập bơi an toàn cho trẻ em, hỗ trợ kinh phí phù hợp đối với việc học bơi.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị chuyên đề “Bàn giải pháp hạn chế tình hình tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh”.
Qua khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn, thương tích, đuối nước ở trẻ em nhưng phần lớn chủ yếu vẫn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát trẻ một cách chặt chẽ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để con trẻ tự do vui chơi. Đặc biệt, vào dịp nghỉ hè cũng là thời điểm học sinh có nhiều thời gian phụ giúp gia đình, nhất là ở các vùng nông thôn, trẻ em thường ra biển, đồng, sông, suối, chăn trâu, bò… rất dễ xảy ra nguy cơ bị đuối nước.
Nhận thức của bản thân trẻ em, gia đình và xã hội về đuối nước vẫn còn hạn chế, chưa thấy hết được sự nguy hiểm của đuối nước đối với trẻ em. Nhiều gia đình còn thiếu sự quản lý để con em tự ý đi chơi, đi tắm mà không có sự giám sát của người lớn; nhiều vùng ao, hồ, sông suối nguy hiểm chưa có rào chắn, biển cấm…
Qua thống kê, giai đoạn từ năm 2016 - 2021, địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có 87 em tử vong do đuối nước. Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh có 4 trẻ em bị tử vong do đuối nước.
Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để giảm thiểu các vụ đuối nước vào mùa hè, hằng năm, Sở phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ tai nạn đuối nước; tuyên truyền, vận động gia đình quan tâm, giám sát trẻ; khảo sát các địa điểm có nguy cơ mất an toàn và thực hiện cắm biển cảnh báo; khuyến khích, tạo điều kiện để học bơi, dạy bơi trong trường học, rèn luyện kỹ năng cấp cứu khi bị đuối nước...