Các ngành chức năng, các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó, khắc phục thiệt hại do hạn hán gây ra.
Theo quyết định 701/QĐ-UBND về công bố cấp độ rủi ro thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh yêu cầu các địa phương, các sở, ngành khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp để ứng phó, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực để cùng chung tay hỗ trợ, nhất là vấn đề chở nước sinh hoạt cấp cho nhân nhân vùng đang thiếu và có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt hiện nay.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận (Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn), trước tình hình khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa năm 2019 kết thúc sớm với lượng mưa thấp nên giờ đây Ninh Thuận gặp nhiều khó khăn về nguồn nước để phục vụ cho sản xuất, chăn nuôi và kể cả nước sinh hoạt cho nhân dân.
Tính đến ngày 15/5, lượng nước của 21 hồ chứa trong tỉnh đã giảm đáng đáng kể (24,99/194,49 triệu m3, chiếm 12,8% dung tích thiết kế); trong đó có 15 hồ chứa đã cạn trơ đáy. Ninh Thuận hiện còn trông chờ nguồn nước xả từ hồ Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) qua hệ thống nhà máy thủy điện Đa Nhim. Nhưng hiện nay, lượng nước của hồ này cũng chỉ còn 56,15/165 triệu m3, chiếm 34 % dung tích thiết kế.
Vụ hè thu năm 2020, Ninh Thuận phải dừng sản xuất với diện tích 15.360 ha (lúa 10.837 và màu 4.523), chiếm hơn gấp đôi diện tích dừng sản xuất ở vụ Đông Xuân 2019 - 2020 (hơn 7.500 ha). Ttrong đó nhiều địa phương phải dừng sản xuất khá nhiều diện tích như tại huyện Thuận Nam, hơn một năm nay hầu hết diện tích đất phải bỏ hoang vì thiếu nước sản xuất.
Đáng nói hơn, vấn đề nước sinh hoạt nông thôn cũng đang gặp nhiều khó khăn. Theo dự báo, nắng hạn sẽ còn tiếp tục kéo dài từ đây đến tháng 8, nhiều hồ chứa và các sông, suối hiện có sẽ không còn nước để cấp nước thô cho các hệ thống xử lý nước phục vụ sinh hoạt nhân dân.
Theo Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận), qua tính toán sơ bộ, cuối tháng 5 và trong tháng 6 tới sẽ có hơn 3.800 hộ với khoảng 15.000 dân ở một số vùng khó khăn về nguồn nước của các huyện Bác Ái, Ninh Sơn và Ninh Hải không có nước để sinh hoạt. Đến tháng 8 tới sẽ có hơn 8.300 hộ dân với hơn 34.400 nhân khẩu ở một số địa phương của huyện Thuận Nam, Ninh Hải và Thuận Bắc cũng bị thiếu nước sinh hoạt. Do đó, Trung tâm đang lập phương án vận chuyển nước đến khu vực bị thiếu nước để phục vụ đủ cho người dân sinh hoạt.
Để giải quyết vấn đề cấp bách trên, ngày 14/5, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có công văn hỏa tốc số 1739/UBND-KTTH yêu cầu các huyện, thành phố chủ động phối hợp với ngành Nông nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang và các đơn vị hiệp đồng nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh khẩn trương tổ chức vận chuyển nước phục vụ nhân dân đảm bảo kịp thời, hiệu quả khi nguồn nước từ hệ thống cấp nước sinh hoạt và nước giếng… không đủ phục vụ nhu cầu người dân.
Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về diễn biến tình hình hạn hán nói chung và khó khăn về nguồn nước sinh hoạt nói riêng trong thời điểm hiện nay, dự báo trong thời gian tới để nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc ứng phó, đặc biệt là sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tối đa nguồn nước, chia sẻ nguồn nước trong sinh hoạt.
UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, chính quyền các địa phương phải xem công tác ứng phó với hạn là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, phải thực hiện gấp nhiều lần với công việc thật cụ thể, chi tiết, đảm bảo mục tiêu: “Không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói, phát sinh dịch bệnh do hạn hán; quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; chăm sóc, bảo vệ, hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi”.