Các tỉnh, thành phố thuộc lưu vực đã triển khai công tác thống kê, điều tra nguồn thải xả trực tiếp ra lưu vực, nhờ đó đã phần nào kiểm soát nguồn thải, khắc phục và cải thiện chất lượng nước, đã và đang là tiền đề quan trọng để những năm tiếp theo giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh, các vụ việc môi trường nổi cộm, triển khai các dự án hạ tầng bảo vệ môi trường trên lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy.
Một đoạn sông Nhuệ. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN. |
Những chuyển biến tích cựcTheo báo cáo của Văn phòng Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-Đáy, trong giai đoạn 2015-2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường triển khai xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy; phân vùng môi trường lưu vực; điều tra, thống kê các nguồn thải; khảo sát, đánh giá các điểm nóng ô nhiễm liên vùng liên tỉnh, đồng thời đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường các lưu vực sông liên tỉnh.
Bộ cũng đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội triển khai Dự án thí điểm xây dựng Trạm xử lý nước thải sông Nhuệ tại 2 thôn Phú Hà và Phú Thứ-Từ Liêm với công suất 400m3/ngày đêm. Hiện dự kiến xây thêm Trạm xử lý nước thải tại một số điểm xả thải vào sông Nhuệ công suất 1.500-2.000m3/ngày đêm.
Mặt khác phối hợp với tỉnh Hà Nam đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đi vào vận hành 4 trạm quan trắc tự động thuộc Dự án “Quản lý ô nhiễm môi trường các khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Đồng Nai, sông Nhuệ-sông Đáy”.
Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015 cũng đã được các tỉnh, thành phố trên lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy triển khai sâu rộng.
Trước hết là ưu tiên đầu tư nguồn lực xử lý khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Nhờ đó, trên lưu vực đã có 4 dự án được đầu tư xử lý với tổng dự toán 290,976 tỷ đồng.
Cụ thể, các tỉnh, thành phố thuộc lưu vực đã triển khai công tác thống kê, điều tra nguồn thải xả trực tiếp ra lưu vực sông Nhuệ-Đáy, nhờ đó đã phần nào kiểm soát nguồn thải, khắc phục và cải thiện chất lượng nước trên sông.
Bên cạnh đó, nhiều chương trình, dự án đã được triển khai như: Dự án trồng rừng đầu nguồn sông Nhuệ - sông Đáy tại tỉnh Hòa Bình; Mô hình xử lý môi trường làng nghề của tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Hà Nội; Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế cho bệnh viện tại các địa phương trên lưu vực sông.
Đặc biệt tại thành phố Hà Nội nhiều công trình xử lý rác thải, nước thải bằng công nghệ tiên tiến được đầu tư xây dựng (Nhà máy xử lý và tái chế rác Hợp Thanh, xã hợp Thanh, huyện Mỹ Đức, công suất 1.500 tấn/ngày); Trạm xử lý nước thải Trúc Bạch với công suất 2.300 m3 ngày, đêm; Trạm xử lý nước thải cụm làng nghề tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức; Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, công suất 270.000m3 ngày, đêm…
Tính đến năm 2015, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ 72,885 tỷ đồng. Các nguồn vốn còn lại được huy động từ ngân sách địa phương và các nguồn hỗ trợ khác. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu về xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016-2020, trong đó ưu tiên tập trung cho các dự án xử lý nước thải sinh hoạt đang xả ra lưu vực sông.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra Đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy nhiệm kỳ IV cho thấy, giai đoạn 2015-2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra tại 159 cơ sở sản xuất kinh doanh trên lưu vực sông này. Riêng trong năm 2015 đã phát hiện và xử lý 48 cơ sở vi phạm pháp luật về môi trường với tổng số tiền xử phạt 7.672 triệu đồng.
Lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường trên toàn tuyến cũng phát hiện, xử lý 43 vụ việc vi phạm, tiến hành xử phạt hành chính hơn 2.142 triệu đồng. Trong đó hành vi vi phạm chủ yếu là vẫn nước xả thải vượt tiêu chuẩn cho phép; thực hiện không đúng, không đầy đủ nội dung trong cam kết bảo vệ môi trường; quản lý chất thải nguy hại không đúng theo quy định; thải khí, bụi vượt tiêu chuẩn; khai thác cát trái phép trên sông…
Trong tổng số 50 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các tỉnh thuộc lưu vực song Nhuệ-sông Đáy, hiện có 43 cơ sở hòa thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để; 3 cơ sở cơ bản hoàn thành biện pháp xử lý triệt để. Nhưng vẫn còn 4 cơ sở chưa hoàn thành hoặc đang triển khai xử lý triệt để.
Trong đó Hà Nam 2 cơ sở là bãi chôn lấp chất thải và làng nghề Hòa Xá; Hòa Bình là bãi chôn lấp rác thải Dốc Búng thuộc thành phố Hòa Bình; Nam Định là Công ty Dệt may Nam Định
Các địa phương trên lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy trong 2 năm vừa qua đã tiến hành thanh tra, kiểm tra gần 4.000 cơ sở, phát hiện 1.135 cơ sở vi phạm. Trong đó thành phố Hà Nội chiếm 90% số cơ sở được thanh tra, kiểm tra, số vụ vi phạm pháp luật về môi trường cũng chiếm tỷ lệ cao nhất trong 5 tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông này.
Đáng chú ý là việc phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường một cách tổng thể, đồng bộ đã được triển khai và có các bước chuyển biến tích cực. Những đơn vị chuyên môn giữa các địa phương có sự hợp tác, thông tin chặt chẽ trong trao đổi chuyên môn và học hỏi kinh nghiệm để triển khai công tác bảo vệ môi trường hiệu quả hơn.
Một số địa phương chủ động đề xuất những vấn đề môi trường cấp bách cần phải giải quyết liên vùng, liên tỉnh, cũng như kịp thời giải quyết các phản ánh từ thông tin báo chí và người dân về sự cố môi trường trên lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy.