Nỗ lực kiềm chế bệnh viêm gan virút

 

Hưởng ứng Ngày phòng chống viêm gan thế giới (28/7), ngày 17/8, tại Đà Nẵng, Hội Gan mật Việt Nam sẽ tổ chức Lễ phát động phong trào toàn dân chung tay “ đánh gục” virút viêm gan.


TS Đinh Quý Lan (ảnh), Chủ tịch Hội Gan Mật Việt Nam đã trao đổi với Tin tức về những vấn đề liên quan tới sự kiện đặc biệt này.

 

´Việt Nam có nằm trong vùng lưu hành virút viêm gan cao không, thưa tiến sĩ?


Có 5 loại virút chính gây bệnh viêm gan, đó là virút A, B, C, D và E. Cùng với các bệnh hiểm nghèo như HIV/AIDS, lao phổi, sốt rét thì bệnh viêm gan virút đang góp phần vào việc gia tăng tỷ lệ tử vong ở nhiều quốc gia trên thế giới.


Dịch virút viêm gan đã lây nhiễm khoảng 2 tỷ người trên toàn thế giới, với khoảng 500 triệu người bị viêm gan, hàng năm trên một triệu người tử vong.


Theo PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia: Trong 6 tháng đầu năm 2012, tỉ lệ trẻ được tiêm vắcxin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh khoảng 37% (phấn đấu đạt trên 70% vào cuối năm 2012), trong khi cùng kỳ năm 2011 tỷ lệ này là 21,5%. Tiêm vắcxin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh cho trẻ được khuyến cáo ở Việt Nam cũng như trên thế giới, bởi biện pháp này có thể phòng lây nhiễm virút viêm gan B cho 85% trường hợp mẹ sang con khi sinh. Nếu tiêm muộn, việc phòng lây truyền từ mẹ sang con sẽ ít hiệu quả.

Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là 1 trong 9 quốc gia thuộc vùng Tây Thái Bình Dương đang phải đối mặt với dịch viêm gan virút.


Thực vậy, tình trạng viêm gan virút ở nước ta rất nghiêm trọng, tỷ lệ nhiễm virút viêm gan B chiếm 10 - 20% dân số, như vậy số người bị lây nhiễm virút viêm gan B là khoảng 12 - 16 triệu người. Số người nhiễm virút C cũng ước khoảng 4,5 triệu người… Đại đa số bệnh nhân xơ gan ở nước ta là do viêm gan virút B, virút C (tương đương khoảng 80% số bệnh nhân xơ gan), còn lại là xơ gan do lạm dụng rượu bia và một số bệnh khác.


Ước tính, số người tử vong do biến chứng xơ gan giai đoạn nặng hoặc do ung thư gan hàng năm vào khoảng trên 10 vạn người. Mỗi bệnh nhân viêm gan virút B phải chi phí điều trị từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/tháng; mỗi năm, bệnh nhân điều trị viêm gan virút C phải chi trả 60 - 200 triệu đồng, tùy mức độ bệnh. Như vậy trong 1 năm, chi phí để điều trị 2 loại bệnh do virút viêm gan gây ra là hết khoảng 660.000 tỷ đồng.


´Để phòng tránh căn bệnh này, chúng ta cần làm gì thưa Tiến sĩ?


Tỷ lệ người dân mắc bệnh và tử vong do bệnh viêm gan trên thế giới ngày một gia tăng, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống kinh tế xã hội của tất cả các nước. Tình trạng này đã trở thành vấn nạn của nhiều quốc gia, trong đó có nước ta. Do đó, để hưởng ứng “Ngày phòng chống viêm gan thế giới” (28/7), chúng ta cần có sự đồng tâm hợp lực toàn xã hội, mọi cấp, mọi ngành, mọi nhà tham gia theo tinh thần phát động của Tổ chức Y tế thế giới “Đánh gục viêm gan virút, đừng để quá muộn”.


Viêm gan là một bệnh phổ biến, dễ dẫn đến xơ gan, ung thư gan sau này. Trong các loại virút viêm gan (A, B, C, D, E) thì viêm gan do virút B (HBV) và viêm gan do virút C (HCV) là nguy hiểm nhất. Virút viêm gan B (HBV), thường lây truyền qua tiếp xúc với máu hoặc các dịch bài tiết của người bệnh, đặc biệt thường lây truyền từ bà mẹ bị bệnh sang con trong khi sinh. Hiện nay đã có vắcxin phòng HBV rất an toàn và hiệu quả. Còn virút viêm gan C (HCV) lây truyền chủ yếu theo đường máu, do truyền máu hoặc các sản phẩm máu có HCV hoặc quan hệ tình dục hay tiếp xúc với máu người bị HCV. Tuy nhiên, hiện nay chưa có vắcxin phòng HCV.

Theo tôi, chúng ta cần tăng cường giáo dục truyền thông, để mọi người biết được tác hại của viêm gan virút, từ đó các cấp lãnh đạo cùng toàn thể nhân dân vào cuộc, quyết tâm cùng toàn thế giới đánh gục căn bệnh này. Chú trọng hoạt động sản xuất vắcxin phòng viêm gan virút B. Thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng vắcxin viêm gan B cho tất cả trẻ sơ sinh (trừ trường hợp không có chỉ định), người dưới 18 tuổi cũng cần tiêm vắcxin, nhất là những người có nguy cơ lây nhiễm cao (nhân viên y tế, nhân viên phục vụ trong trại cai nghiện ma túy…). Đây là phương pháp dự phòng có hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ nhiễm virút viêm gan, từ đó tiến đến mục tiêu giảm xơ gan và ung thư gan.


Ngoài ra, cần trang bị đầy đủ phương tiện, kỹ thuật tiên tiến để phục vụ đúng quy định an toàn trong truyền máu và các sản phẩm máu. Phòng chống lây truyền virút viêm gan B từ mẹ sang con trong khi sinh. Đây là đường lây truyền quan trọng nhất vì nếu mẹ đang bị viêm gan virút B mạn tính, khi sinh lây truyền cho con khoảng 90%. Theo dõi những người đã bị lây nhiễm HBV, HCV phát hiện sớm viêm gan, xơ gan, ung thư gan để có phương pháp điều trị kịp thời. Xây dựng chương trình phát hiện, những người bị lây nhiễm virút viêm gan B và virút viêm gan C trong cả nước, trước hết phát hiện những phụ nữ đang trong thời kỳ sinh đẻ, nhất là khi đang mang thai và những người sống chung với người đã bị lây nhiễm virút viêm gan.


Xin cảm ơn Tiến sĩ!

 

P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN