Hệ luỵ từ những sự cố đáng tiếc cũng đặt dấu hỏi về hiệu quả trong chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động trong thi công xây dựng.
Những con số đáng ngại
Khoảng 13 giờ 30 phút ngày 25/5, trong quá trình thi công Dự án thủy điện Plei Kần, thuộc địa phận thị trấn Plei Kần, xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi và xã Đắk Rơ Nga, huyện Đăk Tô của tỉnh Kon Tum, một nhóm công nhân đang đứng trong giỏ sắt để đục bê tông thì không may bị đứt cáp, cả giỏ sắt và người rơi xuống sông Pô Kô. Hậu quả làm cho 3 người tử vong là A.P (26 tuổi, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi), A.H (23 tuổi, huyện Tu Mơ Rông) và A.C (21 tuổi, huyện Ngọc Hồi). Ba người bị thương là A Thiêng (23 tuổi, thị trấn Plei Kần), A Xem (16 tuổi, xã Đắk Rơ Nga, huyện Đắk Tô) và A Đục (23 tuổi, thị trấn Plei Kần).
Trước đó, ngày 14/5, khi đang thi công xây dựng tường rào của công trình Nhà máy Công ty AV Healthcare tại Khu Công nghiệp Giang Điền, tường rào cao 8m, chiều dài 109m bất ngờ đổ sập. Vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm 24 người thương vong. Ngày 20/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại công trình xây dựng Công ty AV Healthcare.
Căn cứ kết quả điều tra bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã tạm giữ hình sự đối với Hà Huy Hải (sinh năm 1964, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hà Hải Nga).
Đây chỉ là hai vụ tai nạn lao động trong thi công xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra vào tháng 5 năm 2020- Tháng An toàn vệ sinh lao động. Thực tế nhiều năm qua, số vụ tai nạn lao động trong lĩnh vực thi công xây dựng ở các địa phương trên toàn quốc luôn khá cao, chiếm khoảng 40% tổng số vụ tại nạn lao động được thống kê hàng năm.
Số liệu mới nhất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, năm 2019, toàn quốc đã xảy ra 8.150 vụ tai nạn lao động làm 8.327 người bị nạn. Trong đó, có 927 vụ tai nạn lao động làm 979 người chết. Lĩnh vực xây dựng dù đã giảm so với năm trước song vẫn chiếm 17,12% tổng số vụ tai nạn và 17,8% tổng số người chết.
Theo nhận định của các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng phần lớn do chủ sử dụng lao động là các doanh nghiệp, nhà thầu, chưa thật sự nhận thức đúng và quan tâm công tác giám sát, huấn luyện, trang bị kiến thức về an toàn lao động. Phần lớn người lao động chưa được đào tạo bài bản, chỉ làm việc theo kinh nghiệm. Nhiều lao động thậm chí không biết cách sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại, dẫn đến xem thường những quy định bảo đảm an toàn.
Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước về an toàn lao động các công trình xây dựng còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Vai trò giám sát công trình, trong đó có giám sát về công tác an toàn lao động của tư vấn giám sát, nhà thầu lại bị xem nhẹ.
Qua nắm bắt thông tin cũng cho thấy, với người lao động tại các công trình xây dựng ở nhiều địa phương trên cả nước, có nhiều trường hợp kiến thức an toàn lao động chủ yếu do người đi trước bảo người đi sau theo kiểu truyền miệng. Đơn cử như, khi làm việc trên cao thì phải thắt dây an toàn, phải đi giày, đi găng tay, mặc quần áo bảo hộ, đầu đội mũ. Thế nhưng rất ít người thực hiện, đơn giản bởi vì…“vướng”. Ngoài ra các phương tiện bảo vệ cá nhân như giày chống trượt, thiết bị chống giật khi hàn, khoan, hoặc cách xử lý những tình huống bất ngờ trên cao, đều không có, hoặc không đầy đủ…
Chấn chỉnh công tác quản lý
Trước những diễn biến phức tạp trên, để chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, chấn chỉnh công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt là đối với an toàn lao động trong thi công xây dựng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác này.
Cùng việc đề nghị khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả các vụ tai nạn lao động, kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị chết và bị thương nhanh chóng ổn định, vượt qua khó khăn, mất mát, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố thông tin, tuyên truyền về thiệt hại, sự cố mất an toàn lao động dẫn đến xảy ra tai nạn lao động liên tục xảy ra trong thời gian qua. Bộ đề nghị tếp tục quán triệt Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế", Luật An toàn, vệ sinh lao động, quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thi công xây dựng, đặc biệt là người lao động phải được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; trang bị, sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân; bố trí người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; kiểm định các thiết bị an toàn...
Các ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn lao động đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các công trình xây dựng trên địa bàn đối với các nhóm lao động, tổ, đội có thuê mướn lao động để cải tạo nhà ở, nhà xưởng, cơ sở sản xuất kinh doanh. Bộ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát thực hiện nghiêm việc quản lý chất lượng các công trình nhà xưởng, nhà công nghiệp có sử dụng kết cấu vách ngăn tường bao che, tường ngăn kích thước lớn theo văn bản 1914/BXD-GĐ ngày 14/8/2019 của Bộ Xây dựng; kiên quyết đình chỉ thi công nếu không đảm bảo an toàn cho người lao động, xử lý các hành vi, vi phạm quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động theo Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cũng cho hay, năm 2020, Bộ đề nghị các chủ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ để xây dựng quy trình chặt chẽ, nghiêm ngặt trong an toàn vệ sinh lao động, chú trọng đến chăm sóc sức khỏe cho người lao động; năm 2020 và những năm tiếp theo sẽ duy trì phát động, xây dựng chủ đề, chủ điểm thực tế, gắn với yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ, giai đoạn.
Các giải pháp đảm bảo thực hiện an toàn vệ sinh lao động gồm: Tuyệt đối tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; chủ động và tăng cường các giải pháp ứng dụng công nghệ trong đánh giá, kiểm soát các nguy cơ, nói không với nguy cơ mất an toàn, thực hiện tốt nhất vệ sinh lao động tại nơi làm việc; đẩy mạnh, đổi mới các hoạt động thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình, sáng kiến cải thiện điều kiện lao động để lan tỏa trong cộng đồng.