Xúc động nhận bằng Tổ quốc ghi công
Cầm trên tay bằng Tổ quốc ghi công, ông Tạ Văn Tâm (ấp 11 xã Biện Bạch, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) chia sẻ: “Cha tôi là liệt sĩ Tạ Thiện Quang sinh năm 1906, là cán bộ cơ sở ấp 11 xã Biện Bạch. Theo câu chuyện kể của các bác các chú, vào một buổi sáng tháng 7/1962, cha tôi được tổ đảng phân công đi nắm tình hình địch nhưng trên đường đi thì bị địch bắt bỏ tù ở đồn Sở Ngô. Cha tôi bị địch tra tấn rất dã man nhưng kiên quyết không khai báo.
Đến ngày 14/10/1962, ông bị địch sát hại và thả trôi sông. Sau khi hy sinh, do thất lạc hồ sơ và 1 phần còn thiếu thông tin giấy tờ nên gia đình chưa được cấp bằng Tổ quốc ghi công.
Gia đình sau đó tiếp tục tìm kiếm thông tin để bổ sung vào hồ sơ. Có lúc rơi vào sự thất vọng buồn chán khi mẹ tôi đã mất mà chưa kịp nhìn thấy tấm bằng Tổ quốc ghi công của cha”. Nhờ sự kiên trì của gia đình và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, trường hợp của cha ông Tâm đã được xem xét và được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định cấp bằng Tổ quốc ghi công.
Còn ông Nguyễn Duy Ân (thôn Kim Đức, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) là cháu nội của liệt sĩ Nguyễn Thị Lan cho biết: “Bà nội tôi sinh năm 1930. Bà đã tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1954 và là cơ sở cách mạng bị bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man. Bà hy sinh ngày 1/7/1967 tại nhà tù Sông Cầu nhưng chưa được cấp bằng Tổ quốc ghi công”.
Trước đây, cha ông Ân đã đề nghị công nhận hồ sơ của bà. Đến 1998, gia đình nhận được bằng Tổ quốc ghi công ghi tên Nguyễn Thị Lan. “Tuy nhiên, niềm vui và xúc động có được tấm bằng đặt trên bàn thờ chưa được bao lâu thì gia đình được báo có sự nhầm lẫn hồ sơ. Một gia đình thân nhân khác cũng đề nghị cấp bằng liệt sĩ tên Nguyễn Thị Lan. Gia đình tôi đã trả lại tấm Bằng theo đúng địa chỉ” - ông Nguyễn Duy Ân kể.
Lúc đó, gia đình ông Nguyễn Duy Ân mới biết hồ sơ của bà nội đã bị thất lạc và gia đình phải làm lại hồ sơ mới. Ông Nguyễn Duy Ân cho biết: “Hơn 50 năm mong ngóng, năm nay, gia đình tôi rất tự hào khi được đón nhận tấm bằng Tổ quốc ghi công của bà nội - liệt sĩ Nguyễn Thị Lan.
Đây là 2 trong 73 bằng Tổ quốc ghi công được trao vào ngày 21/7 tại Quảng Nam. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: 73 bằng Tổ quốc ghi công được trao nhân dịp 27/7 này đại diện cho 580 bằng Tổ quốc ghi công được trao tới thân nhân liệt sĩ trên cả nước trong 1 năm qua.
Kết quả của đợt tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng 2013-2015 cho thấy, gần 96% số người có công được hưởng đủ chính sách. Qua đợt tổng rà soát cũng cho thấy có 6.772 hồ sơ tồn đọng, đó cũng là lý do trong 5 năm qua, Bộ LĐTBXH chỉ đạo xử lý dứt điểm tồn tại này. Cụ thể, hồ sơ tồn đọng là 6.722 hồ sơ gồm 2.276 liệt sĩ, 4.446 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Bằng sự tích cực của tổ công tác của Cục Người có công, các địa phương đã trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 2.204 liệt sĩ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các địa phương công nhận trên 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đáng chú ý, rất nhiều người trong số đó đã hy sinh cách đây từ rất lâu, người lâu nhất đã hy sinh cách đây 70-80 năm, thuộc thời kỳ kháng chiến chống Pháp, là những đội viên du kích chống càn hoặc những trường hợp bị tra tấn đến chết trong tù những năm 40, 50 của thế kỷ trước.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, quá trình xem xét, giải quyết của các cơ quan chức năng đã xử lý căn bản và kết luận cụ thể về những vụ việc, hồ sơ rất phức tạp từ lâu chưa xử lý được nay đã được trình Chính phủ xem xét kết luận. Đơn cử như trường hợp 20 chiến sĩ dân quân nam, nữ, những tín đồ của đạo Cao Đài yêu nước đã dũng cảm hy sinh trong trận chiến đấu chống thực dân Pháp đánh vào Thánh Thất Giồng Bốm năm 1946, nay thuộc tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau; 8 trường hợp đề nghị liệt sĩ tại Bắc Ninh, 14 trường hợp đề nghị liệt sĩ tại Hà Nội, 11 trường hợp hoạt động cách mạng bị địch bắt, giết hại dã man tại Hải Phòng...
Kết quả trên là sự cố gắng, tập trung rất lớn của toàn thể các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, nhất là các tổ chức chính quyền địa phương cơ sở, các chứng nhân lịch sử, các bậc lão thành cách mạng đã nỗ lực trong việc tìm kiếm, chắt lọc những chứng cứ dù là nhỏ nhất, những thông tin ít ỏi nhưng vô cùng quý báu để từ đó hình thành lên những cơ sở nhất định trong việc họp, bàn để xem xét, xác nhận đối tượng NCC với cách mạng...
Đời sống người có công ngày càng nâng cao
Năm 2020 là năm thứ 3, cả nước thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NCC với cách mạng, việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng và thân nhân đã được các cấp uỷ, chính quyền, nhân dân quan tâm triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đến nay, cả nước đã xác nhận được hơn 9,2 triệu NCC và số NCC đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng là gần 1,4 triệu người. Các chế độ ưu đãi đối với từng diện đối tượng NCC với cách mạng được quy định đầy đủ, bao phủ hầu hết các mặt trong đời sống xã hội. Hằng năm, ngân sách nhà nước dành hàng chục nghìn tỷ đồng trợ cấp ưu đãi NCC với cách mạng.
Cùng với việc xem xét công nhận NCC với cách mạng, chế độ trợ cấp ưu đãi và nhiều chế độ hỗ trợ khác đối với người và gia đình NCC với cách mạng cũng được triển khai thực hiện đồng bộ, như chính sách bảo hiểm y tế; hỗ trợ về nhà ở; ưu đãi trong giáo dục - đào tạo, việc làm; chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, cấp phương tiện trợ giúp...
Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã tiếp nhận gần 6.500 tỷ đồng, xây mới và sửa chữa trên 155.000 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí gần 13.000 tỷ đồng; tặng trên 124.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá hơn 980 tỷ đồng; hơn 6.000 Mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng.