Đại hội đại biểu Chữ thập đỏ lần thứ XI:

Nỗ lực thực hiện công tác nhân đạo

Trước thềm Đại hội Đại biểu Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022-2027, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về những kết quả, dấu ấn của nhiệm kỳ X (2017-2022) và những điểm nổi bật trong công tác tổ chức Đại hội XI.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa. Ảnh tư liệu: Phương Hoa/TTXVN

Thưa bà, được biết trong nhiệm kỳ 2017-2022, các cấp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam huy động được trên 23.000 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2,36 lần tổng trị giá hoạt động nhiệm kỳ Đại hội IX; qua đó, thiết thực trợ giúp 88 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tổn thương.  Để đạt được kết quả đó, các cấp Hội đã triển khai, thực hiện các hoạt động như thế nào?

Hoạt động trợ giúp xã hội là một trong những hoạt động trọng tâm, thường xuyên và cũng là sứ mệnh của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, có thể nói rất nổi bật so với những nhiệm kỳ trước. Sở dĩ đạt được con số rất ấn tượng như vậy trước hết là do công tác chỉ đạo, vận động của Hội. Các cấp hội đã căn cứ vào kế hoạch các cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” và những hoạt động nhân đạo tại địa phương để tổ chức, triển khai hoạt động riêng của mình.

Tuy nhiên, tôi nghĩ, điều quan trọng hơn là những thông điệp Hội Chữ thập đỏ đưa ra được xã hội chấp nhận và họ thấy đấy là những thông điệp nhân văn, những địa chỉ Hội giới thiệu là những địa chỉ thật sự cần sự trợ giúp. Đặc biệt, nhân tố gần như mang tính quyết định là Hội luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Hầu như các cuộc vận động, phong trào của Hội đều có sự chỉ đạo của cấp ủy chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có lời kêu gọi; cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đều ra văn bản phối hợp, chỉ đạo tổ chức. Nhờ đó, chúng tôi vận động được nguồn lực rất lớn để tập trung thực hiện các mục tiêu công tác nhân đạo trong nhiệm kỳ qua.

Bà có thể chia sẻ những “dấu ấn” tiêu biểu trong nhiệm kỳ Đại hội X?

Trong nhiệm kỳ Đại hội X, chúng tôi đưa ra được 10 dấu ấn tiêu biểu. Trong đó phải kể đến dấu ấn trong vận động chính sách và phối hợp liên ngành để thực hiện hiệu quả, thực chất những chủ trương quan trọng về công tác nhân đạo đã được quyết định. Hội đã tham mưu tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư; thực hiện Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tham mưu trình Ban Bí thư đồng ý lấy tháng 5 là Tháng Nhân đạo hàng năm để vận động xã hội thực hiện công tác nhân đạo…

Trong bối cảnh cả nước thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, hệ thống tổ chức của Hội tiếp tục được phát triển, củng cố và duy trì ổn định. Hiện tại, hệ thống Hội được đảm bảo từ Trung ương đến địa phương. Chúng tôi vẫn tiếp tục phát triển lực lượng tình nguyện viên và hội viên ở mỗi địa bàn để duy trì hoạt động ở cơ sở.

Nhiệm kỳ Đại hội X cũng là nhiệm kỳ đánh dấu 10 năm triển khai hiệu quả các phong trào, cuộc vận động, chương trình, dự án lớn như: Phong trào hiến máu tình nguyện; Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”; Dự án “Ngân hàng bò”. Có thể nói những cái tên của các chương trình, các cuộc vận động, các dự án trên đã được xã hội biết đến và trở thành phong trào toàn dân chứ không phải “thương hiệu độc quyền” của Hội Chữ thập đỏ nữa.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Trung ương Hội đã ban hành được Chiến lược phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là chiến lược rất dài hơi để Hội định hướng sự phát triển một cách xuyên suốt; xác định nhiệm vụ nòng cốt, nền tảng, cần tập trung để thực hiện.

Hội đã tổ chức thành công Tháng Nhân đạo trong 5 năm liên tục (2018-2022), nhất là từ khi Ban Bí thư ban hành chủ trương lấy tháng 5 hàng năm là Tháng Nhân đạo, Hội vận động được nguồn lực cao hơn tất cả các tháng trong năm. Qua 5 năm triển khai, Hội vận động được trên 2.000 tỷ đồng để triển khai các hoạt động của Tháng Nhân đạo.

Hội luôn tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19. Trong những thời điểm dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Hội Chữ thập đỏ khắp các địa phương đều có sự chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau; đồng thời có nhiều cách thức sáng tạo để hỗ trợ kịp thời cho người dân vùng dịch như: Oxy map, ATM gạo, cửa hàng 0 đồng…

Trong nhiệm kỳ Đại hội X, lần đầu tiên toàn Hội có sự phối hợp liên ngành rất rộng với các cơ quan, tổ chức liên quan để luôn đảm bảo lực lượng hiến máu an toàn, có đủ máu để kịp thời chữa trị cho bệnh nhân, kể cả ở thời điểm “đỉnh cao” của đại dịch COVID-19.

Các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân đạo nhiệm kỳ qua có bước phát triển theo chiều sâu khi nhiều đối tác tiếp tục lựa chọn Hội Chữ thập đỏ làm đối tác thực hiện các dự án của mình.

Lần đầu tiên, Hội xây dựng được bộ tài liệu tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu chuẩn và đã được Bộ Y tế phê duyệt. Điều này tạo tiền đề quan trọng nâng cao tính chuyên nghiệp, thống nhất, đồng bộ trong hoạt động nhân đạo của toàn hệ thống Hội.

Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm nghiêm trọng vì đại dịch COVID-19, tổng giá trị hoạt động nhiệm kỳ Đại hội X của toàn Hội vẫn đạt hơn 23.000 tỷ đồng. Đây là thành tích cao nhất từ trước đến nay, gấp hơn 2,3 lần tổng giá trị hoạt động nhiệm kỳ Đại hội IX; tỷ suất hoạt động đạt trung bình 10,3 lần. Nghĩa là cứ 1 đồng của ngân sách Nhà nước, Hội vận động được trên 10 đồng để thực hiện hoạt động của Hội. Kết quả này là công sức của toàn thể cán bộ, hội viên, tình nguyện viên thanh thiếu niên Chữ thập đỏ dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền, sự phối hợp ủng hộ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các mạnh thường quân trong xã hội dưới ngọn cờ tập hợp của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để thực hiện sứ mệnh nhân đạo của mình.

Trong những thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hội Chữ thập đỏ khắp các địa phương đều có sự chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau. Các cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ cả nước đều không ngại nguy hiểm, nỗ lực không ngừng, thậm chí sẵn sàng hy sinh mạng sống để hỗ trợ người dân trong vùng dịch. Bà có thể chia sẻ những hoạt động thể hiện tinh thần “Vì mọi người - Ở mọi nơi” của họ?

Hội có 10.000 cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ đã tham gia và bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó, có 48 người đã mất. Có thể nói, trong thời điểm cao điểm của dịch bệnh, sự xuất hiện của cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ rất ấn tượng. 

Khi Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn cao điểm của dịch, các anh, chị, em Chữ thập đỏ ở Tuyên Quang đã vận động, gom góp từng bao gạo, hạt lạc, bắp chuối trong vườn nhà, đóng hộp, vận chuyển lên container, thậm chí là máy bay để chuyển vào trong đó. Đặc biệt khi Thành phố thiếu máu phục vụ cho cấp cứu, điều trị người bệnh, các anh, chị em ngoài này đã nhanh chóng hiến máu, gửi máy bay chuyển vào kịp thời. 

Khi Bắc Ninh, Bắc Giang bùng phát dịch, anh, chị, em Chữ thập đỏ các tỉnh, thành phố khác đều tập trung hỗ trợ lương thực, thực phẩm, khẩu trang… cho Bắc Ninh, Bắc Giang. Khi cơ bản ổn định, Bắc Ninh, Bắc Giang lại hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố khác trong công tác chống dịch.

Các cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ còn thực hiện hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản của người dân ở những địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Những hình ảnh đó không chỉ rất cảm động mà còn thể hiện sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc. 

Nhiều hội viên, tình nguyện viên ở TP Hồ Chí Minh có chia sẻ, khi Thành phố thực hiện giãn cách, việc ra đường rất khó khăn, nhưng khi họ mặc áo Chữ thập đỏ ra đường đều được lực lượng Công an, Biên phòng giữ chốt mở cửa cho đi. Vì họ biết, lực lượng Chữ thập đỏ luôn sẵn sàng đem đến sự trợ giúp hữu ích cho người dân. Điều đó cho thấy, Hội Chữ thập đỏ sẵn sàng có mặt ở mọi lúc, mọi nơi khi nhân dân cần và điều đó là sứ mệnh của tổ chức Hội.

Theo kế hoạch, Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI sẽ diễn ra tại Thủ đô Hà Nội trong hai ngày 29-30/8. Bà có thể cho biết những điểm đặc biệt của Đại hội lần này?

Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI sẽ diễn ra tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) với sự tham dự của 502 đại biểu ưu tú đại diện cho hơn 7,2 triệu cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ cả nước.

Đại hội gồm hai phiên nội bộ và chính thức. Trước khi diễn ra phiên nội bộ sẽ có cuộc khai mạc triển lãm “Hệ sinh thái nhân đạo”, trong đó có một gian bán các vật phẩm do trẻ em khuyết tật làm ra. 

Chúng tôi làm vậy để mọi người thấy rằng, người khuyết tật cũng có quyền và cần nhận được sự quan tâm để có thể đứng vững trong cuộc sống. 

Phiên Đại hội nội bộ sẽ diễn ra sau đó với điểm nhấn là diễn đàn “Hệ sinh thái nhân đạo”. Trong đó, dưới sự dẫn dắt câu chuyện của người dẫn chương trình, các đại biểu tham dự Đại hội sẽ cùng tương tác với 12 đại biểu tiêu biểu của Đại hội (họ là những cán bộ Hội xuất sắc, những người đam mê làm công tác nhân đạo) để trao đổi về những việc đã làm và bàn cách thức giúp thúc đẩy sự gắn kết trong hoạt động nhân đạo thời gian tới. Tôi cho rằng cách thức mới này sẽ là điểm nhấn thú vị, tạo không khí rất mới cho Đại hội.

Trân trọng cảm ơn bà vì những thông tin đã chia sẻ. Chúc Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022-2027 thành công tốt đẹp!

Minh Huệ/TTXVN (Thực hiện)
Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (8/5): Lan tỏa hành động nhân ái
Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (8/5): Lan tỏa hành động nhân ái

Ngày 8/5 hàng năm là dịp để những người làm công tác nhân đạo trên thế giới tự hào ôn lại truyền thống lịch sử lâu đời của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN