Không nổi bật như mùa thu với những dải lụa vàng từ ruộng bậc thang, mà chính những mảng trắng, hồng điểm xuyết của hoa mận, hoa đào đã làm tôi mê mải, ngây ngất và đắm chìm trước vẻ đẹp khác lạ, hùng vĩ nơi cao nguyên Mù Cang Chải.
Bức họa đa sắc
"Chưa thấy tớ dảy (hoa màu hồng như hoa đào mọc vào mùa xuân) chưa thấy xuân vùng cao, chưa qua La Pán Tẩn mùa tớ dảy đơm bông như chưa biết xuân Mù Cang Chải".
Đến với Mù Cang Chải những ngày đầu Xuân mới lý giải được vì sao những cung đường Tây Bắc lại luôn mê hoặc lòng người. Tôi cũng không phải trường hợp ngoại lệ khi được tự mình thu vào đáy mắt cả một bức tranh hồng, trắng khắp sườn non giữa hùng vĩ và xanh thẳm núi rừng.
Từ trên đỉnh núi nhìn xuống, tôi như lạc giữa đất trời và hưởng trọn vị rét ngọt vùng cao. Trước những nếp nhà người Mông giản dị, bên con đường nhỏ chạy quanh núi, mặt trời đã hé lộ, nhưng đâu đó sương mù vẫn chùng chình giăng mắc trên những vạt cây. Đâu đó, những hạt sương mai đọng lại trên những nụ hoa đào rừng, tớ dảy chúm chím gọi mùa về, nhưng vẫn còn e ấp, ngại ngùng. Chỉ bấy nhiêu thôi đã khiến tôi thổn thức trước hơi Xuân đang len lỏi trong mạch nguồn xứ núi.
Trên con đường đèo hun hút gió ấy, bất giác một đôi vợ chồng trẻ dắt tay nhau trên đường, cô vợ trẻ khẽ cúi đầu tựa vào vai chồng, ánh mắt họ trao nhau nhìn hạnh phúc.
Bên cạnh những vách đá là những ngôi nhà người Mông, những ngôi nhà ở đây chẳng mọc sát vách với nhau, cứ cách một quãng lại thấy một ngôi nhà bé nhỏ, nằm trơ trọi giữa đoạn đường dài… tất cả cứ chầm chậm trôi đi theo những vòng quay của bánh xe. Trong tôi, một cảm giác lạ kỳ chẳng thế gọi thành tên.
Chiếc xe chở chúng tôi vòng vèo trên con đèo Khau Phạ với sự kỳ bí của những khúc cua ôm và những đoạn thả đèo, tạo cảm giác lo sợ pha một chút vui. Dù con đường nơi đây đã được trải nhựa, nhưng hai bên đường có nhiều chỗ do sạt lở, nên cũng thấy khá nguy hiểm. Bên trái là những vách núi cao với bạt ngàn cây rừng già, đôi chỗ lại là những đồi ngô đang lên xanh mướt một màu của người Mông.
Lần đầu tiên được đi trên con đường mù sương ở đèo Khau Phạ đặc quánh, che khuất tầm nhìn. Chúng tôi phải giảm tốc độ, mò mẫm lần tìm đường trong màn sương mù với cây đèn pin nhỏ. Có cảm giác gì đó bí hiểm giống như mình đang chơi một trò chơi trốn tìm trên cõi tiên vậy.
Cái tên đèo Khau Phạ cũng khiến tôi khá tò mò, hỏi người dân ở đây mới biết do đèo thường mịt mù sương phủ và đỉnh đèo nhô lên trên đỉnh mây giống như một chiếc sừng, nên mới có tên Khau Phạ. Khẽ nhíu mày, cái tên nghe đầy bí ẩn. Khau Phạ theo tiếng Thái có nghĩa là Sừng Trời, hay còn có thể gọi là Cổng Trời. Bỗng thấy mình mơ hồ nhiều lắm.
Tôi không biết mình đã đứng bao lâu trong buổi nắng chiều hôm ấy để rồi khi mà mặt trời từ từ giấu mình sau ngọn núi xa xa. Những tia nắng yếu ớt khẽ giấu mình, còn bên tôi những vạt hồng, trắng đang thay đổi màu sắc, vẳng bên tai tiếng mõ trâu khi gần, lúc xa lốc cốc lốc cốc theo nhau về bản.
Con người cùng thiên nhiên nơi đây đã khắc lên một bức tranh vô cùng sinh động mà quý giá biết bao. Nó hiện hữu trong cuộc sống của những con người nơi đây bởi những mùa, những khoảnh khắc khiến ta phải ngỡ ngàng trước bức họa sinh động đầy màu sắc.
Lợi ích từ mùa vàng
Nếu như dưới xuôi thường gieo hạt vào đầu thu để những cánh đồng cải bung lụa vào mùa đông, thì nơi đây người Mông lại lên nương vào những ngày đông giá rét. Có lẽ vì vậy, mà ngay sau Tết Nguyên đán, khắp nơi trên mảnh đất Mù Cang Chải lại đẹp mê hồn bởi một màu vàng của hoa cải ngát hương.
Anh Nguyễn Đức Lâm, Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển (Liên minh Hợp tác xã Yên Bái) chia sẻ, theo quan niệm của người dân nơi đây, cây cải trồng trong mùa đông sẽ phát triển mạnh mẽ cho hạt to và ép lấy dầu ăn rất tốt. Mỗi ha trồng cải cho thu nhập bình quân 30 triệu đồng, trừ chi phí phân bón sẽ thu lợi trên 20 triệu đồng. Đây là điều bao nhiêu năm nay người dân nơi vùng cao Mù Cang Chải nằm mơ cũng không thấy.
Đặc biệt, trồng cải mang lại lợi ích kép cho người dân và cộng đồng các dân tộc nơi đây bởi hoa cải nở sau Tết Âm lịch khiến cả một vùng bạt ngàn rực rỡ màu vàng đã tạo thêm một mùa du lịch trên miền núi cao.
Những người mê chụp ảnh lại thích ngắm Mù Cang Chải mỗi khi Xuân về. Anh Đinh Sao Ninh là một người đam mê nhiếp ảnh dạo cho hay, "Thú vui của tôi là chạy xe máy phân khối lớn dọc Quốc lộ 32 để chụp những bức ảnh miêu tả sinh hoạt đời thường, bình dị quen thuộc của những cụ già người Mông."
Đó là cảnh các bà ngồi sưởi dưới ánh nắng Xuân ấm áp, trang phục dân tộc ngày Tết đẹp sặc sỡ, khuôn mặt nhăn nheo, miệng móm mém cười duyên, chuyện trò râm ran hồ hởi trên nền những cánh đồng ruộng bậc thang, bạt ngàn hoa đào, hoa ban khoe sắc thắm.
Người Mù Cang Chải, từ già đến trẻ rất tự hào bởi năm 2017 ruộng bậc thang Mù Cang Chải được Nhà nước công nhận là danh thắng quốc gia. Cũng nhờ có danh thắng độc đáo vào loại bậc nhất Việt Nam này mà khách du lịch trong và ngoài nước đổ về vùng đất mịt mù xa xăm khi vài chục năm trước còn hoang vắng.
Anh Đinh Sao Ninh cũng bày tỏ sự ngỡ ngàng vì chưa bao giờ thấy thung lũng hoa rộng như thế, bạt ngàn toàn hoa cải vàng ngút tầm mắt. Điều đáng nói là hoa cải ở đây được người dân của dự án chăm sóc rất cẩn thận nên rất trân trọng. Tiếp đến là sự tự hào vì chẳng cần đi đâu xa cũng có những cảnh đẹp và yên bình như thế.
Mê mải một sắc trắng, nhẹ nhàng hít hà chút hương thoảng trong gió rừng, nghe tiếng lũ ong kêu tìm đến cái màu vàng của nhụy hoa cải để dâng đời thứ mật ong đượm vị phấn hoa ngọt thơm chỉ có ở miền sơn cước này mà thấy lòng thênh thang khác lạ. Càng mê mải sắc hoa nơi đây lại càng vội vàng níu giữ từng khoảnh khắc, phút giây bởi vòng đời hoa ngắn ngủi.
Cứ tìm đi, cứ gặp gỡ đi những trắng, hồng hay vàng tại Mù Cang Chải để rồi phải lòng mảnh đất này từ lúc nào không hay bởi những mùa hoa giữa mênh mang núi rừng.