Cuộc sống hiện đại, hầu hết các chị em phụ nữ thành phố không phải lo nhiều đến cơm, áo, gạo, tiền, nội trợ, con cái, song lại đối mặt với một áp lực mới, đó là bạo hành gia đình. Những chị em càng phụ thuộc chồng về kinh tế thì khả năng bị chồng bạo hành càng nhiều. Và dường như bạo hành gia đình ở thành phố nhiều hơn nông thôn, ở gia đình giàu có nhiều hơn gia đình nghèo khó…
Chồng bạo hành vợ
“Anh giết tôi đi. 15 năm làm vợ anh, chưa một ngày tôi hạnh phúc. Tôi chịu nhục nhã, như vậy đã quá đủ. Nếu không sống vì hai đứa con thì tôi đã ra đi từ lâu rồi. Anh làm đơn đi, tôi ký. Ly hôn rồi mỗi đứa một nơi. Lúc đó anh muốn hành hạ cũng không có quyền” - chị Hương đanh nét mặt nói với chồng. Dường như chị không còn nước mắt để khóc, không còn cam chịu nhẫn nhục được nữa. Chị muốn vùng dậy giải thoát cho mình.
Chị N.B (bìa phải) nạn nhân của bạo hành gia đình đang phải điều trị tại bệnh viện. Ảnh: baobaclieu |
Ở chợ Rạch Dừa, phường 10, TP Vũng Tàu ai cũng biết chị. Ngày hai buổi chị có mặt ở sạp cá tôm, kiếm từng đồng lo cho chồng, cho con. 15 năm chung sống với “thằng chồng vũ phu”, chưa một ngày chị hạnh phúc thực sự. Con gái chị đã học lớp 7, con trai học lớp 5 mà chị vẫn đầu tắt mặt tối bận như con mọn, đã thế lại còn thường xuyên bị chồng hành hạ, đánh đập. Chị Hương kể: Năm 17 tuổi, chị lấy chồng và theo chồng từ Nam Định vào Vũng Tàu sinh sống. Những ngày gạo chợ nước sông, cuộc sống thiếu thốn đủ bề, mặc cho vợ một mình bươn chải, anh chồng chỉ “siêng ăn nhác làm”.
Đã thế còn có tật rượu chè bê tha. Chị cam chịu chung sống vì đạo lý vợ chồng, vì tình thông gia hai bên đã hẹn ước. Khi cuộc sống khá giả, chồng chị càng sinh tật nặng, tối ngày say xỉn về đánh vợ, chửi con. Có lần ở nhà chị mặc quần ống ngắn cho mát, thế là cả ly nước trà nóng mới pha “hắn” hắt thẳng vào đùi chị, mà theo “hắn” vì tội chị mặc quần sook để “khoe” với mấy thằng hàng xóm. Có hôm từ chợ trở về, trời mưa, quần áo ướt nhèm. Vừa bước chân vào nhà, chồng đã chửi đổng “Đi đâu mà giờ mới về?. Cái thứ đàn bà mà không biết lo cho chồng cho con là đồ bỏ đi”. Không chịu được kiểu trịnh thượng của chồng, chị cãi lại: “Ngày nào anh cũng uống rượu về chửi vợ con. Không biết tôi còn chịu đựng đến bao giờ nữa”? - “Không chịu được thì xéo đi” anh ta trừng mắt quát chị. “Tôi không đi đâu hết”. Rồi anh ta lao vào đánh chị tới tấp tới khi chị ngất xỉu. Anh ta bế chị gọi xe đưa vào bệnh viện. Hai đứa con khóc, muốn bênh mẹ nhưng lại sợ bố đánh.
Cũng như chị Hương, chị Lợi ở phường 8 TP Vũng Tàu cũng là nạn nhân bạo hành gia đình. Chị lấy chồng 4 năm mà chưa có con. Chồng không thông cảm lại còn gán cho chị tội là bị “tịt” không biết đẻ để anh ta lang thang tìm “phở”. Nhiều đêm về say khướt sặc mùi nước hoa và dấu son trên áo. “Nỗi đau nhất của tôi là biết mình bị chồng phản bội mà không làm gì được. Mới đầu tôi nghĩ, sống một ngày cũng nên nghĩa, tình cảm vợ chồng chứ đâu phải cái áo đâu mà muốn thay thì thay, nhưng càng ngày anh ấy càng quá quắt. Nước này thì không chịu được nữa. Tôi phải tự giải thoát cho mình, không sống một đời bị bạo hành” chị Lợi tâm sự.
Bị vợ bạo hành
Từ ngày Thành giải ngũ, công việc không ổn định, anh thường xuyên bị vợ “đay nghiến” là “đồ vô dụng”. Những ngày đầu, nghe vợ “nghiến” rất chói tai, nhưng rồi nghe mãi cũng thành quen. Ngày nào không nghe vợ “nghiến” là ngày may mắn của Thành. Anh Thành kể: Vợ anh làm ở công ty thương mại đại lý dầu lại kiêm luôn thủ quĩ. Từ khi lên chức trưởng phòng kinh doanh, tiền lúc nào cũng rủng rỉnh, coi thường chồng ra mặt. Bao đồ dùng từ ngày cưới tuy cũ nhưng vẫn dùng được, chị đem bán ve chai hết, thay vào đó là hàng “xịn”. Anh có khuyên ngăn nên tiết kiệm thì chị gắt: “Anh thì biết gì mà nói, có giỏi thì làm nhiều tiền cho tôi nhờ”. Tức quá, muốn tát cho vợ một cái nhưng lại nghĩ không thể. Hoặc như anh T liên tục bị vợ cho là “lép vế” vì không làm nhiều tiền bằng vợ. Tiền lương ba cọc ba đồng của anh chỉ đủ cho chị mua giầy và kem dưỡng da. Ngày nào anh cũng bị chị nói móc nào là chồng người ta biết làm giàu, còn chồng mình thì “bôn sê vích”. Anh chán nản vì người vợ quá quắt chẳng muốn về nhà. Ngoài công việc cơ quan, anh chỉ lầm lì hút thuốc và uống cà phê cho đỡ buồn…
Nguyên nhân và giải pháp
Nguyên nhân của bạo hành thường xuất hiện ở hai khía cạnh tình cảm và kinh tế. Nếu sự “nảy sinh ngoại tình” dẫn đến bạo hành thì biểu hiện của bạo hành thường kín đáo hơn, âm thầm hơn; thì bạo hành do sự lệ thuộc kinh tế lại trắng trợn hơn. Mặt khác, sự không hiểu nhau (ông chẳng bà chuộc), không hòa hợp về tính cách (giận hờn lâu ngày) cũng là nguyên nhân sâu xa của bạo hành. Một người vợ hiền thục, yêu chồng thương con, giỏi nội trợ, hoạt bát… ít có khả năng bị bạo hành so với những người phụ nữ “đoảng việc”. Một người chồng quyết đoán, mạnh bạo “rất đàn ông” hiếm khi bị vợ bạo hành so với người đàn ông nhu nhược, nhậu nhẹt lười biếng. Bạo hành thường xuất hiện với những người có tính nhu nhược không chịu đấu tranh tìm lẽ phải công bằng trong gia đình, lúc nào cũng sợ “xấu chàng, hổ ai”. Chính vì sự nhu nhược ấy làm cho “đối phương” lấn lướt làm tới.
Theo các chuyên gia tâm lý và xã hội học, bạo hành là “giai đoạn sau” của ghen tuông, và thường đứng bên bờ vực thẳm của sự chia ly, khó tái hợp. Do vậy để tránh bạo hành, người vợ (chồng) cần phải:
Biết nhìn nhận nghiêm túc về giá trị hạnh phúc gia đình. Sự vụn đắp cho “Mái nhà chung” không chỉ là trách nhiệm nghĩa vụ mà còn là tình yêu thương. Thường xuyên biết động viên để làm đẹp lòng nhau là liều thuốc bổ quí giá “Tái sản sinh” hạnh phúc gia đình. Giữ gìn gia đình hạnh phúc trong ấm ngoài êm, cũng như chăm bón một loài cây, phải chăm bón thường xuyên mới ra hoa đơm trái. Phải biết thông cảm, chia sẻ niềm vui nỗi buồn, hạnh phúc mới bền chặt. Trách nhiệm ấy là của cả hai người.
Khi có dấu hiệu bị bạo hành, phải tìm cách tháo gỡ từ chính mình, “soi” lại mình. Biết đâu là nguyên nhân sâu xa dẫn đến bạo hành lại do mình gây nên mà mình không nhìn thấy. Khi bị bạo hành phải biết “đứng dậy”. Khi cần phải ly hôn, nên có thái độ dứt khoát.
Mai Thắng