Căn nhà nhỏ ở cuối thôn Đại Thành, xã Quang Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình của vợ chồng ông Lê Văn Huynh và bà Đỗ Thị Sen thỉnh thoảng lại phát ra những tiếng kêu la. Hơn 20 năm nay, người dân trong làng đã quá quen với những âm thanh ấy bởi họ biết đó là lúc cậu con trai duy nhất của ông Huynh, bà Sen lên cơn co giật.
Căn nhà rộng khoảng 40 mét vuông nhưng chiếm gần nửa diện tích ấy là hai chiếc chiếu trải cho cậu con trai Lê Văn Hiệp quanh năm chỉ nằm một chỗ như đứa trẻ mới thuở lọt lòng. Đáng lẽ ở tuổi 25, chàng trai ấy đã có thể có một công việc, có thu nhập ổn định và gánh vác công việc trong nhà phụ giúp bố mẹ già yếu. Nhưng chiến tranh và chất độc da cam/dioxin đã không cho em niềm vui ấy… Lê Văn Hiệp sinh năm 1993, đến giờ chỉ nặng 20kg. Từ khi chào đời đến nay, em vẫn như một đứa trẻ, không biết nói, không thể đi lại và cũng chẳng thể tự ăn uống, sinh hoạt cá nhân. Mọi việc đều nhờ vào người mẹ năm nay đã gần 60 tuổi. Bà Đỗ Thị Sen cũng héo hon, quay quắt vì những nỗi đau liên tục trong suốt 40 năm qua. Năm 1974, ông Lê Văn Huynh nhập ngũ vào đoàn 37, sư đoàn 471, tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum. Năm 1980 ông xuất ngũ trở về địa phương. Cuộc sống những tưởng yên bình, hạnh phúc bởi sau khi kết hôn 4 người con của vợ chồng bà lần lượt ra đời. Nhưng trớ trêu thay, những đứa con dần biểu hiện của bệnh và sớm qua đời. Năm 1992, người con gái thứ hai qua đời khi vừa tròn 1 tuổi; năm 2014 cô con gái lớn cũng bỏ ông bà mà đi. Cả hai đều mất do ung thư máu.
Bốn lần sinh nở nhưng cho đến giờ, bà Sen ông Huynh chỉ còn lại hai người con và đều mang di chứng của chất độc da cam. Hoàn cảnh quá khó khăn, cả nhà chỉ trông vào số tiền trợ cấp ít ỏi nên cô con gái thứ ba được các nhà hảo tâm tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận chăm sóc. Ở nhà ông bà dành toàn tâm, toàn sức chăm lo cho cậu con trai út duy nhất Lê Văn Hiệp.
Cũng như ông Huynh, ông Nguyễn Duy Vinh (xã Phú Lương, huyện Đông Hưng) tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam, Quảng Ngãi những năm 1970 - vùng đất lửa trong chiến tranh chống Mỹ. Ở tuổi 70 nhưng ông Vinh không thể trọn vẹn niềm vui với con cháu lúc tuổi già như bao người đồng chí, đồng đội khác. Ông luôn mang nỗi day dứt bởi cháu nội của ông là cháu Nguyễn Diệp Anh Thư (sinh năm 2006) bị bại não, nằm liệt nhiều năm nay. Qua kiểm tra đã xác định, cháu cũng là nạn nhân gián tiếp, thế hệ thứ ba bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin nhưng đến nay cháu Thư vẫn chưa được hưởng chế độ chính sách của nạn nhân da cam.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thái Bình cho biết, trong kháng chiến chống Mỹ tỉnh Thái Bình đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho tiền tuyến lớn. Đến nay, tỉnh có khoảng 30.000 - 34.000 người là nạn nhân của thảm họa da cam/dioxin, trong đó số người bị ảnh hưởng trực tiếp khoảng 26.000 người, còn lại khoảng 8.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba bị ảnh hưởng.
Với gần 15 năm tâm huyết xây dựng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trở thành mái nhà chung của những nạn nhân không may nhiễm chất độc hóa học, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thái Bình Nguyễn Đức Hạnh cho biết, hiện nay chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin vẫn còn nhiều bất cập. Theo quy định hiện hành chỉ có nạn nhân trực tiếp và con của họ được hưởng chế độ của người có công và con người có công. Hiện tỉnh Thái Bình có khoảng 600 - 1.000 cháu là nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba chịu di chứng của chất độc da cam, chưa được hưởng chế độ như nạn nhân da cam. Qua thống kê sơ bộ, chỉ khoảng 50% đối tượng này được nhận trợ cấp xã hội. Đây là thiệt thòi lớn đối với bản thân các cháu và gia đình. Theo ông Hạnh, Trung ương cần sớm ban hành Bộ tiêu chí chung, thống nhất xét duyệt nạn nhân nhiễm chất độc da cam, đảm bảo sự khách quan, công bằng giữa những người hưởng chế độ.
Không những phải gánh chịu nỗi đau về thể xác, đằng sau mỗi cuộc đời còn là sự day dứt về chiến tranh và hậu quả của nó. Trong nhiều gia đình tại tỉnh Thái Bình, nỗi đau da cam kéo dài từ đời ông, đời cha đến đời những người cháu sinh ra trong thời bình. Bởi vậy chia sẻ, đồng hành cùng nạn nhân da cam là trách nhiệm của cộng đồng, góp phần làm xoa dịu nỗi đau với những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.