Kênh bán lẻ ưu tiên sử dụng túi ni-lông tự hủy sinh học
Ghi nhận tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, hoạt động “nói không với rác thải nhựa” đã được triển khai trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay, hoạt động này đã tạo nên làn sóng mạnh mẽ trong đời sống, việc mua sắm, tiêu dùng của người dân.
Theo chị Thanh Hà, ngụ tại quận Gò Vấp, hiện nay hầu hết các hệ thống siêu thị lớn và cả cửa hàng tiện lợi cũng đã chuyển đổi sang phục vụ hoạt động mua sắm của khách hàng bằng túi ni-lông tự hủy sinh học. Hoạt động này đã từng bước giúp người tiêu dùng có ý thức hơn trong việc sử dụng túi ni-lông và thu gom rác thải.
Còn anh Văn Sơn, cư ngụ tại Quận 2 cho biết, một lần dẫn con gái đi siêu thị, thấy siêu thị sử dụng một loại túi khác lạ con gái anh liền thắc mắc. Sau khi được bố giải thích đây là túi ni-lông tự hủy sinh học, giúp bảo vệ môi trường, giảm xả thải rác nhựa, từ đó con gái anh đã ý thức hơn trong việc sử dụng bao bì thân thiện với môi trường.
Trên thực tế, người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh đã dần dần quen với việc nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi hạn chế sử dụng túi ni-lông. Điển hình, khi khách hàng mua sắm ở hệ thống MM Mega Market, Quận 2, phải sử dụng túi thân thiện với môi trường có thể tái sử dụng nhiều lần.
Ngoài túi thân thiện với môi trường có thể tái sử dụng nhiều lần, MM Mega Market đã thiết kế một vị trí cung cấp những thùng carton để hỗ trợ khách hàng chứa đựng hàng hóa. Song song đó, hệ thống này cũng khuyến khích người tiêu dùng nên mang theo vật dụng để chứa đựng hàng hóa khi mua sắm hàng ngày.
Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã xây dựng đa dạng chính sách và chương trình hành động nhằm hỗ trợ, kích cầu người tiêu dùng thực hiện tiêu dùng xanh và “nói không với rác thải nhựa”. Ngoài ra, Saigon Co.op còn phối hợp cùng doanh nghiệp xanh tổ chức những chương trình hoạt náo tại Co.opMart để giúp người tiêu dùng nhận biết sản phẩm xanh; vận động người tiêu dùng sử dụng túi thân thiện môi trường…
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Giám đốc Thường trực Saigon Co.op cho biết, để thực hiện chiến dịch “Nói không với rác thải nhựa”, Saigon Co.op triển khai bọc thực phẩm bằng lá chuối trên diện rộng, trở thành nhà bán lẻ tiên phong công bố hoạt động “quét sạch” ống hút nhựa ra khỏi hệ thống.
Trước đó, từ tháng 3/2011, hệ thống siêu thị Co.opmart của Saigon Co.op trên toàn quốc là nhà bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam triển khai đồng loạt việc thay túi ni-lông thông thường bằng túi ni-lông tự hủy thân thiện với môi trường. Đồng thời, trong 10 năm qua Saigon Co.op đã chủ động đưa ra lộ trình phù hợp để từng bước giảm thiểu tối đa việc kinh doanh những sản phẩm không có lợi cho môi trường.
Bên cạnh kênh bán lẻ hiện đại đã và đang phát triển mạnh mẽ, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 247 chợ bán lẻ thuộc mạng lưới chợ truyền thống. Thống kê cho thấy, túi ni-lông tự hủy sinh học đã tiếp cận gần 70% chợ truyền thống, đồng thời phủ sóng rộng rãi ở nhiều quận, huyện.
Đến nay, mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh bước đầu có sự chuyển biến nhận thức tiêu dùng trong cộng đồng xã hội đang góp phần giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường. Việc túi ni-lông tự hủy sinh học đã từng bước tìm được đường vào chợ, chinh phục tiểu thương, tiếp cận người tiêu dùng là tín hiệu tích cực khi chợ truyền thống được đánh giá là một trong những địa điểm sử dụng nhiều sản phẩm nhựa một lần.
Từ nay đến năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu tất cả hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách... sử dụng bao bì thân thiện môi trường thay thế túi ni-lông khó phân hủy. Riêng tiểu thương tại chợ dân sinh giảm 50% sử dụng túi ni-lông khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng.
Hàng quán hạn chế sử dụng nhựa một lần
Hòa trong làn sóng “Nói không với rác thải nhựa”, các chuỗi cửa hàng kinh doanh ẩm thực đã đồng loạt tung ra nhiều chương trình khuyến khích khách hàng hạn chế sử dụng nhựa một lần. Cụ thể, ngày càng nhiều đơn vị kinh doanh tại Thành phố Hồ Chí Minh lắp đặt hệ thống thùng rác phân loại rác thải và thu gom rác nhựa.
Theo đó, người dân tham quan, mua sắm, ăn uống tại trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng ẩm thực hiện đại… không khó nhận biết hệ thống phân loại rác thải. Đặc điểm chung của hệ thống phân loại rác thải có dấu hiệu riêng như màu sắc, logo, khẩu hiệu… mà từ trẻ nhỏ đến người lớn đều có thể dễ nhận biết.
Song song đó, một số đơn vị kinh doanh còn tung ra những chương trình ưu đãi, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng vật dụng cá nhân chứa đựng hàng hóa. Tại những chuỗi cửa hàng ẩm thực như Phuc Long Coffee & Tea, McDonal’s, Highland coffee… đều hạn chế sử dụng nắp đậy của ly nhựa, chuyển sang dùng ống hút giấy… và chỉ phục vụ khi khách hàng yêu cầu hoặc mang đi.
Những thương hiệu khác như Mylife Coffee, Trung Nguyên Legend… trở lại sử dụng phổ biến ly sứ, ống hút giấy… Bên cạnh đó, tại quầy phục vụ, một số đơn vị kinh doanh còn dán dòng chữ “Sử dụng giấy ăn tiết kiệm, góp phần bảo vệ môi trường”, “Rất vui được hỗ trợ khách hàng sử dụng vật dụng cá nhân đựng thức uống”…
Chủ quầy cà phê trên đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, cho biết hơn một tháng nay khách hàng ghé quầy hàng tăng gấp đôi và gấp ba lần so với trước đây. Mặt khác, nhiều khách hàng đã hưởng ứng chương trình “Mua cà phê bằng vật dụng cá nhân được giảm 2.000 đồng”.
Ở góc độ người tiêu dùng, anh Anh Đức, cư ngụ tại quận Thủ Đức, có thói quen uống cà phê vào buổi sáng, nên trên đường đi làm thường ghé quầy hàng này để mua thức uống. Ngoài được giảm giá 2.000 đồng, việc sử dụng vật dụng cá nhân cũng khá tiện lợi khi giữ được độ thơm ngon của thức uống lâu hơn, bảo đảm an toàn thực phẩm dưới tác động của thời tiết và góp phần bảo vệ môi trường.
Thống kê sơ bộ của một số sở, ngành trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, sự tham gia ngày càng nhiều của các đơn vị kinh doanh, đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân thành phố trong việc “nói không với rác thải nhựa”. Bên cạnh đó, chính sách khuyến mãi, giảm giá và thông điệp tiêu dùng xanh được truyền tải trực tiếp đến người tiêu dùng bằng những chương trình hành động cụ thể đã thúc đẩy thay đổi thói quen trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân, nhất là giới trẻ.
Bài 2: Trường học tích cực hành động