Ông Đặng Vương Hưng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam cho biết, cuộc thi nhằm tuyên truyền, vận động về hạn chế rác thải nhựa tại Việt Nam, giúp người dân nâng cao ý thức việc sử dụng rác thải nhựa (ni lông, vỏ chai, bao bì nhựa…), tìm ra những mô hình hay để hạn chế rác thải nhựa, kết nối ý tưởng của tác giả với các doanh nghiệp, đơn vị để làm ra một mô hình hạn chế rác thải nhựa. Bên cạnh đó, cuộc thi cũng tuyên dương, khuyến khích sự đồng hành của các đơn vị, doanh nghiệp có mô hình, sản phẩm hạn chế rác thải nhựa.
Đối tượng tham gia cuộc thi gồm các chuyên gia, doanh nghiệp, học sinh sinh viên, nhà báo, phóng viên các cơ quan báo chí trong và ngoài nước... Cuộc thi bao gồm 2 phần: “Nói không với rác thải nhựa” và báo chí viết về “Nói không với rác thải nhựa”. Các tác giả sẽ gửi dự thi ý tưởng, mô hình, sản phẩm cụ thể, các bài viết gồm text, ảnh (bài viết không quá 1.200 chữ), infographic, video truyền hình, video đồ họa.
Thời gian nhận bài thi từ nay đến ngày15/2/2020. Dự kiến vào ngày 5/6/2020 nhân kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới, Ban Tổ chức sẽ công bố và trao giải thưởng cuộc thi. Về cơ cấu giải thưởng, sẽ có 3 giải Nhất được trao cho hạng mục ý tưởng, mô hình, sản phẩm, trị giá mỗi giải Nhất là 10 triệu đồng. Trong khi đó, hạng mục báo chí sẽ có một giải Nhất trị giá 20 triệu đồng, 1 giải Nhì trị giá 10 triệu đồng và 1 giải Ba trị giá 5 triệu đồng.
Theo Ban tổ chức, ô nhiễm rác thải nhựa đang ngày càng đáng báo động trên toàn thế giới. Tại Hội nghị Davos, Thụy Sĩ, đã có báo cáo ước tính lượng rác thải nhựa thải xuống biển cho đến năm 2050, sẽ nhiều hơn cá (tính theo trọng lượng). Nhưng phải mất hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm, các chất thải từ nhựa và nylon mới bị phân hủy.
Còn theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc năm 2018, mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nhựa và khoảng 40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói. Mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa. Đáng lo ngại là việc đốt rác theo cách thủ công sẽ thải ra cả chất độc đi-ô-xin đặc biệt nguy hiểm.
Ở Việt Nam, tính riêng năm 2015 cả nước sản xuất và tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn nhựa, trong đó khoảng 80% nguyên liệu nhập khẩu sử dụng từ nhựa phế liệu. Ước tính mỗi năm, Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng 30 tỷ túi nylon.
Trong bối cảnh đó, việc phát động cuộc thi viết “Nói không với rác thải nhựa” là hành đồng thiết thực, ý nghĩa, kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường xanh, sạch đẹp, vì sự phát triền vững của mỗi quốc gia và thế giới.