Nối lại chương trình đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc

Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc, sáng 31/12, tại Seoul, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã cùng với Bộ trưởng Lao động và Việc làm Hàn Quốc Phang Ha-nam ký kết “Bản ghi nhớ đặc biệt giữa hai Bộ về việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam”.

Quang cảnh buổi làm việc.



Bản ghi nhớ (MOU) đặc biệt này sẽ chính thức nối lại việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép lao động cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là Chương trình EPS) vốn bị tạm dừng từ tháng 8/2012.

MOU này sẽ có thời hạn 1 năm kể từ ngày 31/12/2013 và chỉ dành cho những lao động đã đăng ký kiểm tra tiếng Hàn hoặc đã được kiểm tra tiếng Hàn trong năm 2011 và 2012 với con số ước tính khoảng trên 14.000 người.

Sau khi MOU đặc biệt này hết hạn vào cuối năm 2014, hai bên sẽ tiến hành đánh giá quá trình thực hiện, đặc biệt là tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước ở lại làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, để làm căn cứ xem xét việc ký trở lại MOU thông thường. Như vậy, MOU thông thường dành cho lao động đăng ký kiểm tra tiếng Hàn lần đầu sẽ chỉ được xem xét sau khi MOU đặc biệt này hết hạn.

Việc ký MOU đặc biệt lần này là kết quả của những nỗ lực của cả Việt Nam và Hàn Quốc trong việc ban hành và triển khai các giải pháp quyết liệt nhằm giảm tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc trong đó, phải kể đến nỗ lực từ cấp Trung ương đến địa phương của Việt Nam trong việc tuyên truyền, vận động người lao động và người thân thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn và việc Chính phủ Việt Nam ban hành các quy định mới bao gồm ký quỹ và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc, tỷ lệ lao động Việt Nam tại Hàn Quốc không về nước đúng thời hạn sau khi hết hạn hợp đồng đã giảm mạnh từ 49,9% trong tháng 7/2013 xuống còn ,2% trong tháng 10/2013.

Trước đó, ngày 30/12, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cũng đã đến dự và cắt băng khai trương Văn phòng quản lý lao động Việt Nam theo chương trình EPS tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

Việc thành lập và đưa vào hoạt động Văn phòng trên, cùng với Ban Quản lý lao động trực thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, sẽ tạo ra sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan phái cử lao động của Việt Nam với cơ quan tiếp nhận lao động của Hàn Quốc trong việc quản lý, hỗ trợ, tư vấn cho người lao động cũng như tuyên truyền chính sách pháp luật, vận động người lao động tuân thủ hợp đồng, về nước đúng thời hạn.


TTXVN/Tin tức
Saudi Arabia tuyển dụng lao động từ Việt Nam
Saudi Arabia tuyển dụng lao động từ Việt Nam

Bộ Lao động Saudi Arabia đã công bố kế hoạch mở rộng nguồn tuyển dụng nhân lực bằng cách nhập khẩu lao động từ 9 quốc gia mới, trong đó có Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu của thị trường việc làm trong nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN