Nhân Ngày Môi trường thế giới 5/6, Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu chùm 3 bài về nỗi lo rác thải nhựa.
Khi nước rút, rác mắc kẹt lại trên cây bần, để lại cảnh tượng ngổn ngang rác bám trên cánh rừng nguyên sinh ven đê sông Lam đoạn qua xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN |
Dân số ngày càng gia tăng, kinh tế-xã hội phát triển, cùng với những ưu thế do ngành sản xuất nhựa đã tạo ra sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp này. Trong hàng tỷ tấn rác thải trên toàn cầu, một lượng lớn rác thải có nguồn gốc từ rác thải nhựa rất khó phân hủy, thậm chí có loại nhựa hầu như không phân hủy được.
Số lượng rác khổng lồ Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm con người thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh Trái đất 4 lần, có khoảng 500 tỷ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới song phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp.
Với nhịp độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050. Bởi phát triển kinh tế ở các nước đang phát triển làm bùng nổ nhu cầu về hàng tiêu dùng, trong khi cơ sở hạ tầng phục vụ quản lý rác thải còn chưa theo kịp.
Do đó, lượng nhựa được tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần trong vòng 50 năm qua và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Bốn khu vực "nổi trội" về sản xuất nhựa là châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Quốc. Trong đó Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao nhất, chiếm tới 26%.
Các ngành nghề trên đất liền sinh ra rác thải nhựa kích thước lớn chủ yếu từ ngành công nghiệp đóng gói, nông nghiệp, xây dựng, du lịch ven biển, thất thoát từ tái chế nhựa, có 40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói. Các ngành nghề sinh ra rác thải vi nhựa như mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân, mỗi lần sử dụng sản phẩm tẩy da chết sẽ giải phóng 4.600-94.500 vi hạt; dệt may, giao thông trên đất liền thải ra bụi vi nhựa từ lốp xe bị mài mòn, bào trì và phá dỡ tàu thủy, xử lý nước thải. Các ngành nghề trên biển sinh ra rác thải nhựa kích thước lớn như khai thác, nuôi trồng thủy sản, vận tải biển, tàu du lịch, vui chơi giải trí.
Tuổi đời ngày càng ngắn của các sản phẩm sử dụng nhựa, nhất là đồ điện tử, có nghĩa là có nhiều rác thải nhựa được sinh ra nhiều hơn trong nền văn hóa “nâng cấp và thải bỏ” ngày nay. Lượng rác thu được từ đất liền ước lượng khoảng 75.000 đến 1,1 triệu tấn/năm dựa trên các mẫu nhựa thu được từ sông ngòi.
Tác động khó kiểm soát Tiến sĩ Đỗ Thanh Bái, Hội Môi trường công nghiệp Việt Nam cho biết, trên đất liền, gió có thể làm phát tán chất thải nhựa trong môi trường không khí và bám lại trên cây cỏ, các thiết bị giao thông, nhà cửa… trên đường di chuyển của nó. Cũng có thể động vật sẽ ăn những mảnh nhựa đó và bị nhiễm các độc chất có trong nhựa.
Ước tính có đến 200 loài động vật có thể bị nhiễm chất độc từ các loại rác thải nhựa trong không khí hay trên mặt đất. Rác thải nhựa góp phần quan trọng vào ô nhiễm nước ngầm, đất, không khí và trực tiếp tác động đến môi trường sống và sức khỏe cộng đồng.
Trên toàn cầu, với lượng nhựa tiêu dùng ngày càng tăng nhưng chỉ có 14% lượng bao bì nhựa thu gom và tái chế, rất thấp so với giấy là 58% và sắt là 90%. Có 95% giá trị bao bì nhựa, tương ứng từ 80 đến 120 tỉ USD mỗi năm bị thất thoát.
Năm 2012, Châu Âu sản xuất khoảng 25.2 triệu tấn chất thải plastic, nhưng chỉ có khoảng 26% được thu gom tái chế. Phần còn lại khoảng 74% phải đốt (tạo năng lượng hay chôn lấp. Hậu quả là gia tăng lượng chất thải nhựa trong môi trường đất và đại dương.
Ước tính nhiều triệu USD phải chi ra hàng năm để đểm làm sạch hay tẩy độc từ các loại độc chất này đối với những khu vực đã bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa. Điều đó làm sụt giảm doanh thu từ các hoạt động kinh tế liên quan đến đất, nhất là du lịch.
Một số biện pháp quản lý và xử lý
Theo Tiến sĩ Đỗ Thanh Bái, có 4 giải pháp về công nghệ cơ bản hiện nay để xử lý chất thải nhựa nhưng có thể dẫn đến ô nhiễm do chất thải nhựa có thể tạo ra là bãi chôn lấp chất thải rắn, đốt, tái chế và tạo môi trường làm phân rác nhựa (phân hủy sinh học). Tỷ lệ áp dụng công nghệ hiện nay đang là 54% chôn lấp, 26% tái chế, 12% đốt và 8% làm phân rác.
Có nhiều giải pháp liên quan đến chính sách và quản lý phát sinh chất thải nhựa của thế giới và của Việt Nam. Cụ thể như tăng cường tái sử dụng sản phẩm nhựa thông qua các giải pháp về thiết kế sản phẩm và chính sách thu hồi sản phẩm, hạn chế, giảm thiểu tối đa hoặc cấm việc sử dụng 1 lần các bao bì nhựa; áp một số phí vào việc sản xuất và sử dụng bao bì sử dụng 1 lần, thực hiện phân loại rác tại nguồn, thúc đẩy hoạt động tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa, giúp thay đổi hành vi và gây quỹ, thương mại chất thải nhựa toàn cầu.
Dựa trên đặc trưng về khả năng tái chế, có thể dùng nhựa thải để làm vật liệu xây dựng đường xá, xử lý nhựa trong lò xi măng và lò hơi nhiệt điện để chuyển hóa thành nhiên liệu hay vật liệu thay thế, chuyển hóa rác thải nhựa thành dầu tái chế RDF.
Một vấn đề quan trọng được nhấn mạnh là vai trò vô cùng quan trọng của ý thức và trách nhiệm đối với xã hội và môi trường của người sản xuất, người sử dụng nhựa.
Một số chuyên gia cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần áp dụng việc mua sắm sản phẩm thân thiện môi trường vào sử dụng sẽ góp phần giảm ô nhiễm, thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất thân thiện môi trường, sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Lợi ích môi trường thông qua việc giảm thiểu sử dụng nước và năng lượng; giảm thiểu chất thải từ quá trình sản xuất, đóng gói, phân phối và tiêu dùng; giảm thiểu các chất độc hại được sử dụng và thải ra, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng để sử dụng các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa, giảm thiểu việc thải bỏ chất thải nhựa vào môi trường.
Bài 2: Cơ sở pháp lý và kinh nghiệm quốc tế hạn chế rác thải nhựa trên biển