Nơi ra đời nhiều công trình khoa học về giao thông

Việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của ĐH Giao thông Vận tải thời gian qua đã đem lại nhiều công trình có giá trị ứng dụng cao, có ích cho nhà trường và xã hội.


Đây cũng là kinh nghiệm quý đối với các trường ĐH (đại học) khác trong việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để phục vụ đời sống.

Tính ứng dụng cao

Trong khoảng 10 năm qua, trường ĐH Giao thông Vận tải đã thực hiện 836 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó 18 đề tài cấp Nhà nước, 180 đề tài cấp bộ và 6 đề tài cấp trường. Các đề tài tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực công nghệ mới, vật liệu mới, thiết bị mới phục vụ xây dựng công trình giao thông, đảm bảo an toàn giao thông…

Sản phẩm nghiên cứu khoa học của học sinh và giáo viên trường ĐH GTVT trưng bày tại Hội chợ Techmart.

Trong số đó, nhiều đề tài có giá trị thiết thực và tính ứng dụng cao, được chấp thuận khi tham gia đấu thầu theo quy chế mới, như đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị, phương tiện và hệ thống tự động kiểm tra, giám sát, điều hành phục vụ an toàn giao thông đường bộ”; đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị định vị vệ tinh phục vụ giám sát, quản lý phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt”; đề tài “Nghiên cứu công nghệ chế tạo bê tông có cường độ siêu cao ứng dụng trong kết cấu và nhà cao tầng”… Nhà trường cũng thực hiện nhiều đề tài theo Nghị định thư với nước ngoài, ký kết hợp tác triển khai thực hiện các dự án, đề tài khoa học với các địa phương. Nhiều hoạt động nghiên cứu thực tế đã được đưa vào ứng dụng thành công, như dự án “Ứng dụng thử nghiệm công nghệ mới trong xây dựng giao thông nông thôn” tại Quảng Ninh… Các hoạt động đó không chỉ góp phần khẳng định và nâng cao vị thế khoa học của nhà trường, mà còn là bài học để các đơn vị khác học tập và làm theo trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ - lao động sản xuất.

Một số đề tài nghiên cứu khoa học đã được áp dụng và thực tiễn mang lại hiệu quả cao như việc nghiên cứu, chế tạo thiết bị định vị vệ tinh lắp trên phương tiện giao thông đường bộ, nhằm kiểm soát và giảm tai nạn giao thông; lắp trên tàu cá nhằm giúp ngư dân yên tâm bám biển; nghiên cứu chế tạo các máy móc, thiết bị phục vụ xây dựng (búa rung, máy khoan cọc nhồi, máy đặt ray đường sắt…) thay thế sản phẩm nhập ngoại, tiết kiệm ngoại tệ; nghiên cứu vật liệu và kết cấu có khả năng chịu tải trọng động đất để đảm bảo tính bền vững của công trình, nghiên cứu giải pháp kết cấu và công nghệ thi công nhanh công trình cầu đường bộ tại các đô thị, ứng dụng làm cầu vượt tại các nút giao thông Hà Nội và TP Hồ Chí Minh…

Đặc biệt, sau khi hiện tượng hằn lún vệt bánh xe gây ra những bức xúc trong dư luận xã hội, trường đã chủ động thành lập tổ chuyên gia, gồm các nhà khoa học của trường cùng các chuyên gia quốc tế nghiên cứu thực tế, tìm ra được nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Trên cơ sở thực tế từng địa hình, các nhà khoa học của trường đã nghiên cứu công nghệ trộn phụ gia trực tiếp tại trạm trộn phù hợp với điều kiện công nghệ và vật liệu tại địa phương. Các dự án sau khi ứng dụng công nghệ này đến nay chưa bị hằn lún hoặc đã khắc phục được hiện tượng hằn lún như một số đoạn trên quốc lộ 18, quốc lộ 1…

Hiệu quả kinh tế từ chuyển giao công nghệ

Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong trường ĐH Giao thông Vận tải cũng được quan tâm. Số lượng, chất lượng các đề tài và kinh phí cấp cho nghiên cứu khoa học sinh viên tăng đều. Năm 2005, số lượng đề tài và kinh phí cấp cho sinh viên là 289, thì đến 2015 đã là 605 đề tài, tăng gấp 2 lần. Đặc biệt, trong cuộc thi “Lái xe sinh thái - tiết kiệm nhiên liệu” do Honda tổ chức, các giảng viên, sinh viên của trường đã có những thiết kế và cải tiến mang tính đột phá được đánh giá cao. Xe do trường thiết kế 2 lần liên tiếp giành giải Nhất các năm 2014, 2015 và là đại diện cho Việt Nam tới tranh tài với các quốc gia khác tại cuộc thi ở Nhật Bản.

Cùng với các hoạt động nghiên cứu, Nhà trường còn tạo điều kiện để các hoạt động chuyển giao công nghệ - lao động sản xuất được ổn định và có tăng trưởng về doanh thu. Một số Trung tâm, Công ty đã tạo dựng được thương hiệu và có kết quả hoạt động tốt như Chi nhánh công ty tư vấn triển khai công nghệ và xây dựng giao thông tại cơ sở II, Công ty tư vấn triển khai công nghệ và xây dựng giao thông, Trung tâm tư vấn phát triển GTVT, Trung tâm nghiên cứu Viễn thông tín hiệu - Điện… Chỉ tính riêng trong 5 năm gần đây, doanh thu từ các hoạt động chuyển giao công nghệ, dịch vụ kỹ thuật của trường đạt con số 220 tỷ 500 triệu đồng.

PSG.TS Trần Đắc Sử, Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông Vận tải cho biết: Năm 2008, trường GTVT đã xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2008 - 2020 và tầm nhìn đến 2030, với mục tiêu xây dựng trường Đại học GTVT thành một trường khoa học kỹ thuật công nghệ, kinh tế, đa ngành, đa cấp học. Phấn đấu đến năm 2020 có thể sánh ngang tầm với các nước trong khu vực và đến năm 2030 sẽ sánh ngang tầm thế giới. Thời gian tới nhà trường xác định hướng mũi nhọn nghiên cứu khoa học của nhà trường, tăng cường gắn kết nghiên cứu khoa học với chuyển giao công nghệ; gắn kết giữa nhà trường với thực tiễn kinh tế xã hội; tiếp tục đưa hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường phát triển hơn nữa, đặc biệt ưu tiên các công trình có giá trị ứng dụng vào thực tiễn cao, mang lại lợi ích cho nhà trường, cho xã hội.
Phương Hà
Hà Nội thay đổi lộ trình xe buýt giảm ùn tắc giao thông
Hà Nội thay đổi lộ trình xe buýt giảm ùn tắc giao thông

Ngày 11/11, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội thuộc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thông báo phương án tổ chức tạm thời hoạt động xe buýt trên trục đường Quốc lộ 6, Quốc lộ 32 trong thời gian thi công các công trình giao thông trọng điểm của thành phố Hà Nội, bắt đầu từ ngày 14/11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN