Nơi thắp sáng cuộc đời đầy bóng tối

Sân trường PTSC Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội trong sáng ngày 18/4, ngày Người khuyết tật Việt Nam dường như nhộn nhịp hơn ngày thường. Các em học sinh ai cũng mặc quần áo đồng phục nghiêm ngắn, những em trong đội văn nghệ rộn ràng váy áo. Nhìn các em học sinh hồn nhiên vui vẻ nô đùa, múa hát... thật khó tin, trong số các em học sinh đó, nhiều em chưa bao giờ có được niềm hạnh phúc nhìn thấy ánh sáng, nhìn thấy bạn bè, thầy cô... 


Hòa nhập và học tập


Trường PTSC Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội là ngôi trường đặc biệt, nơi chuyên tiếp nhận học sinh khiếm thị hoặc nhìn kém vào học từ lớp 1 đến lớp 9. Các em đa phần đều ở Hà Nội, một số em ở các tỉnh xa cũng được cha mẹ đăng ký học tại trường. Trái với quan điểm của nhiều người cho rằng học sinh khuyết tật cần được giảng dạy trong một môi trường chuyên biệt, có đầy đủ cơ sở vật chất cùng đội ngũ giáo viên, người chăm sóc đặc biệt và có chuyên môn sâu, trường PTSC Nguyễn Đình Chiểu đang thực hiện một hình thức giáo dục đặc biệt được gọi là mô hình học hòa nhập. Sau khoảng 1 năm học “dự bị” về chữ nổi và các kỹ năng liên quan, học sinh khiếm thị sẽ tham gia lớp học cùng với các học sinh bình thường.


Các em học sinh khiếm thị tự đi lấy đồ ăn cho mình


Số lượng học sinh khiếm thị tham gia học cùng các bạn bình thường trong mỗi lớp tại trường PTSC Nguyễn Đình Chiểu khoảng từ 6 đến 8 em. Các em được học theo đúng chương trình của bộ giáo dục qui định như học sinh bình thường. Thầy Phạm Đình Thắng, phụ trách khối nội trú chia sẻ: “Trong lớp, các em học sinh bình thường luôn giúp đỡ các em khiếm thị bằng cách cùng học, đọc bài cho nhau nghe.

Nhiều em còn nhiệt tình giúp các bạn trong hoạt động học tập cũng như sinh hoạt ở trên lớp”. Các giáo viên tại trường khi phụ trách lớp có học sinh khiếm thị đều có sự chuẩn bị về phương pháp giảng dạy cũng như sách vở, tài liệu, cơ sở vật chất để phục vụ yêu cầu giảng dạy đặc biệt dành cho các em.“Sách của các em khiếm thị, chúng tôi tự làm ra dựa trên chương trình của bộ giáo dục. Cứ một trang sách bình thường bằng 3 trang sách chữ nổi. Làm tài liệu học tập cho các em khiếm thị công phu lắm, vừa tốn công sức mà chi phí cao. Nhưng, các thầy cô giáo đều nỗ lực hết sức để các em khiếm thị có điều kiện học tập tốt nhất” – thầy Thắng nói thêm.

Khi phóng viên bày tỏ quan ngại về việc học sinh khiếm thị khó bắt kịp chương trình học như các bạn học sinh sáng mắt, thầy Trương Uyên Hải – phó hiệu trưởng trường – lạc quan chia sẻ: “Trường Nguyễn Đình Chiểu đã thực hiện mô hình học hòa nhập cho các em từ những năm 1987 và kết quả thu được rất tốt. Trong quá trình tôi công tác tại trường, tôi chưa thấy có phụ huynh nào yêu cầu con mình phải được học riêng tại lớp chỉ gồm các học sinh khiếm thị”. Đồng quan điểm với thầy Hải, thầy Hiệp, giáo viên dạy Toán của 2 lớp có tổng cộng 14 em học sinh khiếm thị - cho hay: “Kết quả học tập của các em học sinh khiếm thị trong lớp không thua kém các bạn sáng mắt. Thậm chí, nhiều em còn muốn được thi tốt nghiệp như các bạn học sinh bình thường để chứng minh khả năng của mình (Bộ Giáo dục và Đào tạo có chính sách miễn thi tốt nghiệp cho các em học sinh khiếm thị - PV)”.


Bên cạnh việc học chính khóa, các thầy cô giáo tại trường Nguyễn Đình Chiểu còn rất quan tâm đến việc phát triển các môn năng khiếu, kỹ năng cho học sinh khiếm thị. Cùng với chương trình học kiến thức, các em khiến thị còn được học về xoa bóp, bấm huyệt… để có thêm cơ hội về việc làm khi trưởng thành. Số phận lấy đi ánh sáng, bù lại, nhiều học sinh khiếm thị ở đây lại quyết tâm vượt lên số phận rất cao. Nhiều học sinh khiếm thị của trường đã thi đỗ đại học, có em dành được học bổng ở nước ngoài. Đặc biệt, rất nhiều em có năng khiếu về âm nhạc. 


Đến nay, hơn 20 học sinh khiếm thị tại trường PTSC Nguyễn Đình Chiểu đã thi đỗ vào nhạc viện Hà Nội. Chia sẻ thêm về việc giảng dạy các môn năng khiếu cho các em, thầy Thắng, người đã có thâm niên công tác lâu nhất tại trường cho hay: “Giống như một việc không tưởng, chúng tôi đã dạy các em khiếm thị không những về âm nhạc mà còn về hội họa. Thậm chí có nhiều em còn vẽ khá đẹp.Vừa rồi, tranh của các em đã được đem đi dự triển lãm tại Thụy Điển”.


Vượt lên số phận


Nhìn vào những thành tích mà trường đạt được, cũng như sự hồn nhiên, vui tươi của những em học sinh khiếm thị ở nơi đây, ít ai có thể hình dung được những khó khăn mà các em đã phải trải qua. Các em bị khiếm thị do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu đều là khiếm thị bẩm sinh. Có những trường hợp, các em do tai nạn mà trở thành khiếm thị. Thầy Hải, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Có trường hợp một cháu, bố mẹ đi làm vắng, phải ở nhà với người giúp việc. Một hôm người giúp việc bế không cẩn thận làm rơi cháu bé, nhưng lại không báo với bố mẹ. Đến đêm cháu bé hôn mê, đưa vào bệnh viện thì chỉ cứu được não, còn lại đứt dây thần kinh thị giác”.


Nhìn các em nhỏ khiếm thị đang cùng ăn liên hoan, chơi đùa vui vẻ với các bạn trong lớp, anh Hùng, Trưởng ban phụ huynh của khối học sinh khiếm thị chia sẻ: “Để có thể hòa nhập với các bạn bình thường, thầy cô và các em khiếm thị đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Việc học tập của học sinh khiếm thị khó khăn hơn rất nhiều so với học sinh bình thường. Nhiều gia đình của trẻ khiếm thị có hoàn cảnh rất khó khăn. Nhiều trẻ khiếm thị do sống trong bóng tối nên thường bị mất tự tin, thậm chí ngại hòa nhập với xung quanh khiến cho công tác hòa nhập rất khó khăn”.


Buổi liên hoan của các em học sinh khiếm thị truờng Nguyễn Đình Chiểu


Mô hình học hòa nhập đang được áp dụng tại trường và đặc biệt, hình thức học nội trú có tác động rất lớn đối với các em học sinh khiếm thị. Tại truờng PTSC Nguyễn Đình Chiểu, có khoảng hơn 90 học sinh khiếm thị đang học nội trú. Việc học nội trú giúp các em khiếm thị học được nhiều kỹ năng để có thể tự lập trong cuộc sống. Nhiều học sinh từ chỗ thụ động, không thể tự làm được một việc gì, chăm lo cho bản thân phải phụ thuộc vào cha mẹ, người thân...

Sau một thời gian ở nội trú, các em học sinh đã trưởng thành hơn và có kỹ năng sống tốt hơn. Các em tự giặt quần áo, tắm rửa, dọn dẹp, đi lại như một người bình thường. Dẫn phóng viên đi tham quan phòng ở của các em, thầy Thắng – phụ trách khu nội trú – nói: “Ở đây chúng tôi sắp xếp các phòng bao gồm cả các em khiếm thị và nhìn kém, mới nhập học và nhập học đã lâu để các em tự giúp nhau, từ đó nâng cao kỹ năng sống, cũng như ý thức cho các em”. Sau một thời gian sống tự lập, nhiều em học sinh khiếm thị trở nên cởi mở, không còn biểu hiện tự ti như thời gian đầu.

Chia sẻ về ý định cho con học nội trú, anh Hùng – có con bị khiếm thị đang học tại trường – nói: “Nhìn thấy những mặt tích cực của việc nội trú tại trường, tôi đã vận động nhẹ nhàng từng chút cho con mình hiểu. Đây là vấn đề rất nhạy cảm, vì tôi không muốn con nghĩ sai rằng bố mẹ ruồng rẫy con, đẩy con lên trường. Ở nhà cháu được bù đắp về mặt tinh thần, nhưng mặt kỹ năng sống thì lại yếu. Cháu hiểu được điều đó và đã đồng ý tách bố mẹ để học nội trú tại trường”. 


Đến thăm khu nội trú nhà trường, nhìn các em khiếm thị tự chăm lo mọi việc cho bản thân, thậm chí tự quét nhà, lau nhà, gấp chăn màn còn ngay ngắn, gọn gàng hơn trẻ em sáng mắt, chúng tôi mới hiểu hơn về công sức chăm lo và giáo dục trẻ của các thầy cô giáo của nhà trường. 


Sáng 18/4, trường PTSC Nguyễn Đình Chiểu tổ chức buổi văn nghệ và phát phần thưởng động viên các em học sinh khuyết tật. Một phụ huynh không giấu được sự xúc động: “Khi mới đi học, con tôi sợ đến trường nhưng bây giờ, sau 2 năm học tập tại trường, con tôi đã coi nhà trường là ngôi nhà thứ 2 của mình. 


Chia sẻ trong cuốn nội san của trường, em Khương Bích Hằng, học sinh khiếm thị lớp 8A viết: “Nhân ngày khuyết tật Việt Nam 18/4, tôi hi vọng rằng: Không chi người khiếm thị chúng tôi nói riêng mà tất cả người khuyết tật trên đất nước Việt Nam nói chung cũng đều nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện trong học tập cũng như sinh hoạt để có thể tự tin bước đi trong cuộc sống của mình”.



Bài và ảnh: Nguyễn Tiến Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN