Tập trung ngăn chặn, kiểm soát dịch COVID-19
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 3/10, Việt Nam không có ca mắc COVID-19 mới. Tổng số ca mắc COVID-19 ở nước ta vẫn là 1.096, trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước (số ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca). Như vậy, Việt Nam đã trải qua 31 ngày không ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng.
Cũng trong ngày 3/10, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã Hội nghị trực tuyến toàn quốc dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Tại Hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tính đến sáng 3/10, thế giới ghi nhận gần 34,8 triệu người mắc COVID-19, trên 1 triệu người tử vong tại 215 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam trải qua 2 đợt chống dịch lớn vào tháng 3 và tháng 7/2020; hiện ghi nhận 1.096 người mắc và 35 người tử vong.
“Trên thế giới, chưa có nước nào tự tin có thể phòng, chống dịch COVID-19 tốt nhất. Các trường hợp nhiễm mới đều có xu hướng tăng lên từng ngày. Dự báo, mùa đông năm 2020 tương đối khốc liệt trong công tác phòng, chống dịch của các nước trên thế giới do chưa có vaccine điều trị rộng rãi”, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, nguy cơ lây nhiễm vẫn thường trực tại các địa phương do vẫn còn mầm bệnh trong cộng đồng; nguồn bệnh từ người nhập cảnh (hợp pháp hoặc trái phép; từ hàng hoá, phương tiện nhập khẩu chứa mầm bệnh). Trong khi đó, thời tiết mùa đông xuân là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh lây lan; người dân, chính quyền đã có tình trạng chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch.
Về các giải pháp phòng, chống dịch, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị tiếp tục kiên định các biện pháp chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với nhiệm vụ chính là tập trung ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh từ bên ngoài. Việt Nam tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh qua biên giới, đặc biệt trường hợp nhập cảnh trái phép; rà soát, quản lý trường hợp nhập cảnh là chuyên gia theo Công văn số 4995/BYT-DP ngày 21/9/2020 về việc hướng dẫn tạm thời giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam của Bộ Y tế.
Đồng thời, việc kiểm dịch y tế tại cửa khẩu, khai báo y tế bắt buộc thực hiện nghiêm; khuyến cáo sử dụng ứng dụng khai báo, truy vết; phân luồng người nhập cảnh ngay tại cửa khẩu, vận chuyển an toàn về địa điểm cách ly, đặc biệt lưu ý người nhập cảnh từ chuyến bay thương mại. Các hình thức cách ly theo hướng dẫn của ngành Y tế tiếp tục được quản lý chặt, không để xảy ra lây nhiễm trong cơ sở cách ly tập trung và từ khu cách ly ra ngoài cộng đồng.
Về công tác xét nghiệm, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngành Y tế chủ động xây dựng kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2 trong giai đoạn mới, đảm bảo chính xác, tiết kiệm; có phương án xét nghiệm, giảm thời gian cách ly tập trung đối với các chuyên gia, nhà đầu tư, đối tác thương mại, lao động kỹ thuật cao nhập cảnh vào Việt Nam từ một số quốc gia, khu vực “an toàn”.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị tiếp tục tăng cường năng lực cung ứng các sinh phẩm xét nghiệm, chẩn đoán nhanh; khẩn trương nghiên cứu để sản xuất các sinh phẩm xét nghiệm giá thành thấp nhất với độ chính xác cao để có thể sớm sử dụng tại cửa khẩu và tại cộng đồng. Hơn 100 cơ sở có khả năng xét nghiệm trên cả nước tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực xét nghiệm hiện có để sẵn sàng nhận mẫu, hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết.
Khi phát hiện các ca nhiễm ở cộng đồng, các địa phương cần thực hiện quyết liệt nguyên tắc phòng chống dịch “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng triệt để, dập dịch” nhằm hạn chế tác động đối với phát triển kinh tế-xã hội cũng như an ninh, an toàn, trật tự xã hội.
Bên cạnh việc ban hành hướng dẫn phòng chống lây nhiễm trong cơ sở y tế của Bộ Y tế, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ gắn trách nhiệm với người đứng đầu, tạm đình chỉ công tác nếu để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế. Đồng thời, các địa phương tiếp tục truyền thông về dịch bệnh, trong đó chú trọng truyền thông về việc thường xuyên đeo khẩu trang, thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, theo các chuyên gia trên thế giới, một số bài học kinh nghiệm đúc rút trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, đó là: Đeo khẩu trang thường xuyên là phương án chống dịch đơn giản, hiệu quả nhất; công tác phát hiện nhanh, truy vết, cách ly có tính chất quyết định mức độ lan của dịch; giãn cách xã hội nhằm giảm tốc độ lây lan dịch bệnh. Đây cũng là những biện pháp được Việt Nam triển khai sớm, ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện trong nước.
Theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới, tình hình dịch bệnh có thể kéo dài đến hết năm 2021 do chưa có vaccine điều trị. Trước diễn biến và tác động của dịch bệnh đến kinh tế-xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới, Việt Nam kiên định thực hiện “mục tiêu kép” trên nguyên tắc ưu tiên sự an toàn.
Qua các đợt phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam, dưới sự chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, sự quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và các bộ, ngành, địa phương cùng tinh thần đoàn kết của toàn thể nhân dân, Việt Nam đã thực hiện hiệu quả, minh bạch, kịp thời các biện pháp nhằm khoanh vùng, dập dịch; thực hiện "mục tiêu kép" Chính phủ đề ra, kinh tế có dấu hiệu phục hồi. Bên cạnh thực hiện nghiêm nghiêm 5 nguyên tắc phòng, chống dịch “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng triệt để, dập dịch”, Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thường xuyên làm việc với các chuyên gia, tổ chức quốc tế để nghiên cứu, phân lập chủng virus SARS-CoV-2; chia sẻ phác đồ điều trị, nghiên cứu vaccine, test thử…; hỗ trợ các nước phòng, chống dịch và nhận sự hỗ trợ của các nước…
Khởi tố đối tượng gây rối trật tự công cộng
Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Mỹ Anh (sinh năm 2003, trú phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) về hành vi "Gây rối trật tự công cộng". Các quyết định đã được chuyển sang Viện kiểm sát cùng cấp để phê chuẩn
Trước đó, vào khoảng 12 giờ ngày 24/9, Mỹ Anh lái xe máy biển kiểm soát 29V5-4072 chở một người bạn, đi cùng còn có 2 thanh niên lái xe máy khác. Cả nhóm di chuyển đến một quán internet trên phố Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa, Hà Nội. Khi đi đến trước số nhà 181 Trường Chinh, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, xe của Mỹ Anh va chạm với một thai phụ đi xe máy.
Lúc này, Mỹ Anh đang hỏi han người phụ nữ thì có người đàn ông khác lái xe đi đến xem và nói chuyện. Sau đó, hai bên xảy ra cãi vã. Nhóm của Mỹ Anh đã doạ dẫm, hành hung người đàn ông trên. Sợ hãi, người đàn ông vội dựng xe máy bỏ chạy.
Do bực tức, đối tượng Mỹ Anh đã cầm gậy sắt đập vỡ mặt trước xe máy của người đàn ông trên, rồi cả nhóm nhanh chóng rời đi. Sau khi xảy ra sự việc, nữ thai phụ được người thân đưa đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe. Ngay khi nhận được thông tin, Công an quận Thanh Xuân đã khẩn trương xác minh và triệu tập 4 đối tượng để làm rõ vụ việc.
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ, Công an quận Thanh Xuân đã làm rõ đối tượng hành hung và đập phá tài sản của người dân là Nguyễn Mỹ Anh. Theo cơ quan chức năng, trước khi xảy ra sự việc trên, Mỹ Anh đang bị khởi tố, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú để điều tra liên quan đến 2 vụ án "Cố ý gây thương tích" do Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thụ lý.
Tạm giữ hình sự đối tượng xâm hại bé gái 13 tuổi quen qua mạng xã hội
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện An Phú, tỉnh An Giang đang tạm giữ hình sự Nguyễn Thành Long, sinh năm 2000, trú tại ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú (tỉnh An Giang) để tiếp tục điều tra, làm rõ về hành vi “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”.
Theo kết quả điều tra ban đầu, sau thời gian quen biết với bé gái QA. sinh ngày 19/9/2007, trú tại thị trấn An Phú, huyện An Phú (tỉnh An Giang) qua mạng xã hội Zalo, Long và QA. nảy sinh tình cảm yêu đương. Trưa 25/9/2020, Long đến trường học đón QA. đi chơi rồi đưa vào nhà nghỉ, thực hiện hành vi quan hệ tình dục.
Sau đó, Long đưa QA. về nhà mình tại ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú (tỉnh An Giang) và tiếp tục quan hệ tình dục nhiều lần với QA. Đến tối 25/9, gia đình QA. không thấy con gái về nhà đã tổ chức tìm kiếm và trình báo cơ quan Công an.
Sáng 28/9, Long đưa QA. lên nhà người quen của QA. tại tỉnh Bình Dương. Trên đường đi, Long nghe tin lực lượng Công an đang tìm kiếm mình nên đã quay về và đến Công an thị trấn An Phú, huyện An Phú (An Giang) đầu thú và khai nhận toàn bộ sự việc.
Hiện vụ án đang được lực lượng Công an tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.