Sau gần 2 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều làng quê ngoại thành Hà Nội đã có những bước “thay da, đổi thịt”. Tuy nhiên, để chương trình này thực sự làm thay đổi nhận thức của từng người dân, các xã cần chủ động hơn trong công tác tuyên truyền, xây dựng các chính sách riêng phù hợp với địa phương mình.
Thành công từ xã điểm
Gần 2 năm được Trung ương chọn thí điểm triển khai xây dựng mô hình nông thôn mới (NTM), xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã có nhiều đổi thay. Các công trình văn hóa, xã hội, giáo dục, môi trường được xây mới, nâng cấp. Nhiều công trình như: Trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở, khu khám và điều trị bệnh của trạm y tế... đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần các thôn, xóm. Trong phát triển sản xuất, Thụy Hương đã triển khai được các dự án: Xây dựng vùng trồng rau an toàn, chuyển đổi cơ cấu giống lúa, thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp...
Tính tới nay, xã đã thực hiện được 14/19 tiêu chí cơ bản, đạt từ 90 - 100%, 5 tiêu chí còn lại đạt 70%. Dự kiến đến cuối năm 2011, xã Thụy Hương sẽ cơ bản trở thành xã NTM đầu tiên của Hà Nội.
Theo ông Đào Duy Tâm, Phó giám đốc Sở NN và PTNT Hà Nội, việc triển khai thí điểm chương trình NTM đã đạt được kết quả bước đầu, làm chuyển biến nhận thức của lãnh đạo các cấp, ngành từ thành phố đến huyện, xã và toàn thể người dân. Việc xác định công tác xây dựng NTM theo hướng dân bàn, dân quyết, dân làm, dân kiểm tra là hoàn toàn phù hợp.
Một góc xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ), mô hình nông thôn mới thí điểm của cả nước. Ảnh: Bá Hoạt - TTXVN |
Ngoài Thụy Hương được chọn làm xã thí điểm xây dựng chương trình NTM, trong năm nay, TP Hà Nội sẽ hoàn thành lập quy hoạch NTM cho 100% số xã; thẩm định, phê duyệt đề án của 19 huyện, thị xã. Dự kiến, tổng số vốn cho xây dựng NTM năm 2011 của thành phố hơn 2.700 tỷ đồng.
Thực tế, trong thời gian qua, nhiều xã ở Hà Nội cũng tự xây dựng các chương trình NTM cho riêng mình, nhưng không phải xã nào cũng hiểu đúng và thực hiện tốt chương trình này. Ví dụ, xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn), người dân Mai Đình dường như chưa hiểu nhiều về NTM, thế nào là xây dựng NTM, do vậy, tới nay xã mới chỉ đạt 70 - 80% so với 19 tiêu chí của bộ tiêu chí quốc gia, nhiều tiêu chí chưa đạt, trong đó chủ yếu là các tiêu chí về cơ sở hạ tầng.
Theo mục tiêu phấn đấu của TP Hà Nội, đến năm 2015 sẽ có 40 - 45% số xã đạt tiêu chí NTM tương đương gần 200 xã. Nhưng, "với tiến độ thực hiện như hiện nay thì việc cán đích là rất khó khăn. Thực tế, rào cản lớn nhất là nhận thức của lãnh đạo cấp xã, huyện. Nhiều địa phương cho rằng, xây dựng NTM là tạo dựng một làng quê khang trang với đường làng ngõ xóm kiên cố, mà chưa chú trọng lập quy hoạch phát triển, tìm hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo nghề và nâng cao thu nhập cho nông dân”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái, cho biết.
Theo ông Soái, nhiều địa phương còn tâm lý ỉ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ từ cấp trên. Có xã, đề án NTM được phê duyệt 3 - 4 tháng, kế hoạch cũng đã thông qua, nhưng không triển khai mà ngồi chờ vốn.
Không được ỉ lại
Theo các xã, khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng NTM là thiếu nguồn kinh phí. Do vậy, hầu hết các huyện đều trông chờ vào nguồn đấu giá đất, nhưng nguồn cung để đấu giá đất cũng không nhiều, các thủ tục pháp lý cũng chưa có.
“TP Hà Nội cần sớm có cơ chế để tháo gỡ khó khăn về đấu giá đất, tạo điều kiện cho các xã có thêm nguồn lực để xây dựng NTM”, ông Trần Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết.
Ngoài ra, theo ông Lâm, các sở, ban, ngành nghiên cứu phân cấp giúp các địa phương khai thác nguồn lực hiệu quả. Bên cạnh khó khăn về vốn, thì sự vào cuộc của các cấp, ngành chưa chủ động, đồng bộ. Xây dựng NTM là công cuộc toàn xã hội, không chỉ ngành nông nghiệp, ngành tài chính bắt tay vào là hoàn thiện được.
Từ nay đến năm 2015, TP Hà Nội sẽ cho thu hồi khoảng 12.000 ha đất nông nghiệp, hàng vạn nông dân phải chuyển đổi nghề nghiệp nếu không muốn bị rơi vào cảnh thất nghiệp. Trong khi đó, mục tiêu chính của xây dựng NTM chính là nâng cao thu nhập và đời sống cho nông dân. Vì vậy, xây dựng thành công chương trình NTM là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của TP Hà Nội trong thời gian tới.
Theo ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Hà Nội, mục tiêu chính của chương trình NTM là giúp nông dân chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung. Liên kết sản xuất, hình thành mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân là việc làm cấp bách hiện nay.
Hơn nữa, ông Tâm cho rằng, xây dựng NTM là chương trình lâu dài, không thể làm trong một sớm một chiều, cũng không chỉ dừng lại ở xây dựng cơ sở hạ tầng. Xây dựng NTM, là hướng người dân từ việc sinh hoạt tùy tiện, chưa có ý thức bảo vệ môi trường sang có ý thức cộng đồng, bảo vệ môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc.
Còn trước mắt, nhằm tháo gỡ khó khăn của các huyện, xã, ông Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, các xã chủ động xây dựng quy hoạch riêng phù hợp với địa phương. Tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về NTM. Đặc biệt, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, dồn điền đổi thửa, tạo vùng sản xuất tập trung, quy mô hợp lý. Trong sản xuất thì phải ưu tiên đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ và hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Các cấp ủy đảng, chính quyền phải thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện NTM để kịp thời tháo gỡ khó khăn và rút kinh nghiệm. Tạo cho người dân niềm tin về sự đổi mới, để người dân tham gia nhiều hơn các hoạt động xây dựng NTM, quan tâm hơn đến công việc của cộng đồng và tự giác thực hiện tại gia đình mình, từ đó tạo cơ sở để hình thành và phát triển phong trào xây dựng NTM.