Phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ
Trong tuần qua, vào chiều 14/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì Phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo theo hình thức trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương.
Tại Phiên họp, các đại biểu đã phân tích những khó khăn, rào cản và đề xuất các phương hướng, giải pháp cụ thể, thiết thực để đạt được mục tiêu cải cách hành chính năm 2023. Trong đó, các đại biểu nêu rõ những vấn đề cần phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất, thông thoáng nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Các đại biểu thừa nhận: Thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà. Môi trường kinh doanh chưa thực sự thông thoáng. Người dân, doanh nghiệp vẫn còn gặp những vướng mắc khi giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực. Kỷ luật, kỷ cương hành chính nhiều nơi còn chưa nghiêm. Tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm chưa được giải quyết triệt để…
Thủ tướng Chính phủ thẳng thắng chỉ rõ một số hạn chế; cho rằng, còn những hạn chế một phần nguyên nhân khách quan, song nguyên nhân chủ quan là chính. Trong đó, ý thức, trách nhiệm, nhất là người đứng đầu có lúc, có nơi chưa cao, còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Công tác chỉ đạo, điều hành tại một số Bộ, ngành, địa phương còn chưa quyết liệt. Cơ chế, chính sách còn mâu thuẫn, chồng chéo. Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Kỷ luật, kỷ cương chưa cao; tâm lý sợ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Công tác phối hợp của các cơ quan, đơn vị chưa kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả…
Thủ tướng chỉ đạo phải tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc đáp ứng các tiêu chí thành lập tổ chức do Chính phủ quy định; thực hiện có hiệu quả Nghị định số 29/2023/NĐ-CP về tinh giản biên chế; cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo vị trí việc làm…
Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024
Vào sáng 17/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai chương trình giám sát năm 2024.
Năm 2024, Quốc hội đã chọn giám sát tối cao hai chuyên đề: “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” (sẽ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7); “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” (sẽ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8).
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, tại Hội nghị, ngoài việc đánh giá những kết quả đạt được, những kinh nghiệm hay trong công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và của đại biểu Quốc hội trong năm 2023, còn cần làm rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan trong các hoạt động giám sát.
Tưng bừng ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc
Trong tuần, lãnh đạo Đảng và Nhà nước dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại các tỉnh thành. Ngày 16/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cùng Đoàn công tác của Trung ương đã đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xóm Mỏ Gà, xã phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Đồng chí khẳng định, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc mang lại ý nghĩa to lớn đối với các cộng đồng dân cư, trở thành nét đẹp truyền thống, tôn vinh những giá trị to lớn, bền vững của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cụ thể hóa phương châm “hướng về cơ sở”, đưa đường lối, quan điểm của Đảng, công tác Mặt trận đến cộng đồng dân cư, đến với từng gia đình và mỗi người dân. Thường trực Ban Bí thư đề nghị, Tỉnh ủy Thái Nguyên, huyện Võ Nhai tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, tạo mọi điều kiện để các địa bàn dân cư có bước phát triển mới, vai trò làm chủ của nhân dân được phát huy, huy động được tinh thần đoàn kết, sức mạnh của nhân dân để xây dựng khu dân cư vững mạnh, mang lại cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Cũng trong ngày 16/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đến dự và chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại làng Ó, xã Ia Sao, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai). Đồng chí Phan Đình Trạc biểu dương những thành tích mà chính quyền và nhân dân làng Ó đạt được trong thời gian qua. Đồng thời đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của MTTQ các cấp; tiếp tục phát huy kết quả, kinh nghiệm, bài học thời gian qua để tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn nữa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn kết chặt chẽ với các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn của cả nước, tạo sức mạnh, niềm tin để nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động; quan tâm chăm lo đời sống của đồng bào...
Mưa lũ gây nhiều thiệt hại tại khu vực miền Trung
Những ngày qua, tình hình mưa lũ nghiêm trọng đã và đang gây nhiều thiệt hại về người và tài sản tại các địa phương khu vực miền Trung. Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, tính đến chiều tối 15/11, mưa lũ đã làm 2 người chết, 3 người mất tích (Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế). Ngập lụt, sạt lở đất tại nhiều tỉnh, thành phố thuộc khu vực Trung Bộ.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, mưa to đến rất to đã làm lũ trên các sông Hương, sông Bồ vượt mức báo động III, gây ngập lụt nhiều khu vực. Các tuyến đường lớn tại thành phố Huế bị ngập sâu, nhiều nơi ngập hơn 1m. Mưa lớn làm tê liệt tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn Hiền Sỹ - Văn Xá, Văn Xá - Huế, Truồi - Hương Thủy…, có đoạn ngập sâu trên mặt ray 0,5m.
Tại tỉnh Quảng Trị, hơn 1.300 ngôi nhà bị ngập và gây ngập lụt cục bộ một số khu vực và tuyến đường, ngầm tràn làm chia cắt giao thông …
Mưa to trong đêm 14 và sáng 15/11 cùng với lượng nước đổ về từ thượng nguồn khiến vùng trũng, thấp thành phố Hội An (Quảng Nam) bị ngập sâu trong nước. Tại tỉnh Khánh Hòa, mưa to và dông khiến tuyến đường Quốc lộ 1 đi qua địa bàn thành phố Cam Ranh bị ngập sâu từ 0,5 - 0,8 m. Mưa lớn khiến một số khu vực như: phường Vĩnh Hòa, Vĩnh Hải và các xã Phước Đồng, Vĩnh Thạnh (thành phố Nha Trang) bị ngập cục bộ...
Do ảnh hưởng của mưa lớn, nhiều địa phương ở tỉnh Ninh Thuận đã xảy ra tình trạng ngập lụt, đặc biệt là trên địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.
Để tiếp tục ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của mưa lũ thực hiện nghiêm Công điện số 1095/CĐ-TTg, ngày 15/11 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại Trung Bộ.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiến cứu nạn, các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị thi 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025
Trong báo cáo dự thảo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 6/11 kiến nghị, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 gồm hai môn bắt buộc là Toán, Văn và hai môn tự chọn.
Bộ đã thành lập Ban Xây dựng phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp từ năm 2025 gồm đầy đủ các nhà quản lý giáo dục cấp bộ, địa phương, chuyên gia từ các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, hiệu trưởng trường THPT... và lấy ý kiến rộng rãi về 3 phương án thi.
Phương án 1 là thí sinh thi hai môn bắt buộc Ngữ văn, Toán và hai môn tự chọn (trong các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Phương án 2 gồm ba môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và hai môn tự chọn.
Phương án 3 là thi bốn môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và hai môn tự chọn.
Dựa trên kết quả khảo sát, cùng ý kiến góp ý và căn cứ theo các nguyên tắc cốt lõi trong quá trình xây dựng phương án thi, Bộ GD&ĐT kiến nghị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm hai môn bắt buộc và hai môn lựa chọn.
Khởi tố, bắt tạm giam đối với bị can Lưu Bình Nhưỡng về tội Cưỡng đoạt tài sản
Trong tuần, dư luận quan tâm việc Công an tỉnh Thái Bình thông tin, ngày 14/11/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Lưu Bình Nhưỡng (sinh năm 1963,quê quán tại xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình; trú tại quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội) để điều tra về tội Cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170, Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các Quyết định, Lệnh nêu trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình phê chuẩn.
Đây là kết quả điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường (sinh năm 1986, trú tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; thường gọi là Cường “quắt”, là đối tượng hình sự, có ba tiền án) về tội Cưỡng đoạt tài sản quy định tại Khoản 4, Điều 170 Bộ luật Hình sự.
Quá trình bắt, khám xét, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu có dấu hiệu vi phạm pháp luật phục vụ công tác điều tra, mở rộng vụ án.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án theo quy định.