Nữ nhà báo với gần 100 giải thưởng

Suốt 30 năm làm báo với 98 giải thưởng lớn nhỏ, nhà báo phương liễu dường như đã dành trọn tâm huyết cho ngòi bút của mình.

Chú thích ảnh
Nhà báo Phương Liễu cây bút "gặt hái" nhiều giải thưởng.

Đầu tư công sức cho từng tác phẩm

Mỗi khi nữ nhà báo Phương Liễu (báo Đồng Nai) ra Hà Nội công tác, các đồng nghiệp lại tới tấp hỏi xem chị được khen thưởng gì. Chị cười hóm hỉnh: “Dường như mọi người đã quen với việc tôi cứ ra Hà Nội là đi nhận giải thưởng”. Quả thực, nhắc đến nhà báo Phương Liễu, mọi đồng nghiệp quen biết chị không lạ lẫm với việc chị liên tục nhận các giải thưởng báo chí từ cấp địa phương đến Trung ương và các bộ, ngành.

Có trong tay thành tích với 98 giải thưởng, 40 bằng khen của bộ, ngành, địa phương từ khi cầm bút làm nghề đến nay, Phương Liễu khiến nhiều người không khỏi ngưỡng mộ sức làm việc, sáng tạo của một nữ phóng viên có dáng vóc mảnh mai, nhẹ nhàng, nhưng hết sức hóm hỉnh.

Chú thích ảnh
Đến nay nhà báo Phương Liễu đã có tới 98 giải thưởng, 40 bằng khen của bộ, ngành, địa phương.

“Nghề báo là nghề tôi mơ ước từ khi còn là sinh viên. Còn ngồi trên ghế giảng đường tôi đã tập tành viết bài cộng tác với một vài tờ báo và tạp chí. Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, tôi xin vào báo Đồng Nai làm việc và gắn bó cho đến bây giờ.

Suốt 30 năm qua, tôi vẫn miệt mài đi và viết, làm báo hết sức nghiêm túc”, nhà báo Phương Liễu chia sẻ. Nhà báo Phương Liễu không giấu kinh nghiệm “gặt hái” giải thưởng: “Tôi là người thích thử sức mình. Thường đầu năm tôi hay để ý việc phát động các giải thưởng, cuộc thi viết, cuộc thi nào cảm thấy mình có khả năng là tôi tham gia, và cũng tiên lượng khả năng đoạt giải. Trong số các giải thưởng đã được nhận, phần lớn là các loạt bài viết về mảng môi trường và y tế, là hai lĩnh vực mà tôi quan tâm và được phân công theo dõi. Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực khác, kể cả kinh tế, pháp luật, tiết kiệm năng lượng, giáo dục… chủ đề nào có thể tham gia được, tôi cũng thử sức”.

Chú thích ảnh
Nhà báo Phương Liễu tác nghiệp.

Với suy nghĩ “đã tham gia là phải chịu khó đầu tư, chăm chút cho tác phẩm”, nên đa số các cuộc thi mà nhà báo Phương Liễu gửi bài tham gia, chị đều “ẵm” giải. Chị tự nhận mình là người “có duyên” với các giải thưởng.

Trong số các loạt bài từng đạt giải, nhà báo Phương Liễu nhớ nhất loạt phóng sự điều tra viết về “Đường đi của chất thải công nghiệp nguy hại” thực hiện năm 2007.

Đồng Nai là thủ phủ của các khu công nghiệp nên chất thải nguy hại từ các nhà máy đưa ra rất nhiều. Điều đáng nói là một số công ty hoặc đơn vị xử lý chất thải, dù có đầu tư máy móc xử lý chất thải nguy hại, nhưng vì chi phí cao nên không vận hành, chỉ để đối phó khi các cơ quan chức năng vào kiểm tra.

Chất thải nguy hại được các đơn vị xử lý “tẩu tán” ra ngoài, thậm chí bán cho cả những nơi thu mua đồng nát. Có những thùng phuy hóa chất, về nguyên tắc phải xử lý sạch trước khi bán vỏ thùng ra ngoài, nhưng lại được “sang tay” luôn. Những người thu gom lại đem ra sông, suối súc rửa, gây ô nhiễm nguồn nước.

“Đây là một “thế giới ngầm” mà tôi phải đeo bám gần 2 năm mới có đủ bằng chứng. Thuận lợi của tôi là có người quen làm việc tại một công ty trong khu công nghiệp. Người quen đã hỗ trợ tôi trong việc tìm hiểu những khuất tất phía sau những giao dịch chất thải. Có những việc nếu không có “tay trong” sẽ không thể làm được”, nhà báo Phương Liễu tâm sự.

Có những lần nhà báo Phương Liễu phải bám theo xe chở chất thải nguy hại từ cửa nhà máy đến các điểm bán chui cho cơ sở đồng nát. Chị phải đi đến tận cuối hành trình để chụp ảnh lấy bằng chứng. Có lúc nữ phóng viên còn phải trèo qua hàng rào của một cơ sở thu mua để vào được bên trong khu vực xử lý; hay lội theo con suối dẫn nước súc rửa thùng phuy, bình đựng hóa chất để xem chất thải độc hại chảy ra sông như thế nào.

“Khi đủ bằng chứng, tôi bắt đầu triển khai loạt bài với 3 kỳ. Ngay sau khi loạt bài phóng sự được đăng tải, đã có hiệu ứng rất tích cực. Ngay lập tức, tỉnh đã chỉ đạo cho Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra lại năng lực của các đơn vị thu mua, xử lý chất thải nguy hại hoạt động trên địa bàn. Những cuộc thanh tra đột xuất các cơ sở vi phạm và phát hiện một số cơ sở không hề xử lý các chất thải nguy hại; một loạt sai phạm đã được phát hiện và xử lý. Nhiều doanh nghiệp làm ăn uy tín, đã cắt hợp đồng với các đơn vị nhận xử lý chất thải nhưng lại không xử lý đúng theo quy trình và đúng hợp đồng”, nhà báo Phương Liễu chia sẻ.

Đây cũng là loạt bài “thâm canh” nhiều giải thưởng nhất của nhà báo Phương Liễu. Tác phẩm đạt Giải A của Bộ Tài nguyên và Môi trường; giải A Ngòi viết vàng của tỉnh Đồng Nai và được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao giải Nhất.

Chú thích ảnh
Nữ nhà báo với dáng vóc mảnh mai, nhẹ nhàng nhưng hóm hỉnh ngòi bút sắc sảo.

Không thể bị “mòn”

Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc, tại sao các bài viết của nhà báo Phương Liễu thường lấy chất liệu từ địa phương, nhưng lại đạt nhiều giải thưởng cấp trung ương, cấp bộ, ngành… Kinh nghiệm ra khỏi “ao làng” của nhà báo Phương Liễu là khi chọn vấn đề để viết, không phải vấn đề của riêng địa phương, mà đó là vấn đề chung của ngành, của cả nước mà địa phương là điển hình. “Đồng Nai là tỉnh đông dân, phức tạp do di dân nhiều; ở đây gần như có đủ các vấn đề của các địa phương trong cả nước nên khi viết ra, nhiều địa phương khác cũng “thấy mình” trong đó.

Các bài viết như vậy vừa phải có tính thực tiễn địa phương, lại vừa có tính khái quát cao mới thuyết phục được ban giám khảo”, nhà báo Phương Liễu cho biết. Một kinh nghiệm nữa với nhà báo Phương Liễu, đó là không để mình bị “mòn”.

“Y tế và môi trường là hai lĩnh vực tôi theo dõi lâu nhất; tôi cũng rất thích 2 mảng này vì nó có ảnh hưởng rất rộng, có nhiều vấn đề mà bạn đọc quan tâm, sát sườn với đời sống hàng ngày. Tuy nhiên khi theo dõi lâu ở một lĩnh vực, nhà báo rất dễ đi vào lối mòn; dễ “cùn” ý tưởng, ít phát hiện ra vấn đề mới, hấp dẫn. Đặc biệt, khi “mọc rễ” với nhiều mối quan hệ thân thiết, nhiều người có thể ngại “đụng chạm” đến các vấn đề tiêu cực của ngành. Biết và tránh những điều này, tôi luôn giữ cho mình sự khách quan khi thực thi công việc.

Nhà báo Phương Liễu luôn giữ quan điểm, nhà báo là người trung gian, làm việc trên tinh thần góp ý, xây dựng chứ không phải trở thành “cái loa” của ngành đó; nhất là phải luôn có quan điểm của riêng của mình.

“Minh có thể rất thân với ngành, mảng nhưng nếu ở đó có tiêu cực tôi vẫn đưa tin, viết bài nhưng không phải đưa dưới dạng “câu view” hay “đánh đấm” mà đưa các vấn đề sai sót, tiêu cực có sự phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến sai sót, thông tin để góp ý, trên tinh thần xây dựng khách quan. Bởi vậy, dù đưa thông tin tiêu cực, nhưng tôi vẫn được lãnh đạo ngành đó yêu quý, nể trọng. Có những lãnh đạo sau khi đọc bài viết của tôi thẳng thắn thừa nhận rằng: “Đọc bài viết của Phương Liễu, tôi cũng ngộ ra nhiều điều”, nhà báo Phương Liễu bộc bạch”.

Với 54 tuổi đời, 30 năm tuổi nghề trong đó có 27 năm trực tiếp cầm bút, nhà báo Phương Liễu vẫn đang cần mẫn làm việc với “lửa” nghề chưa bao giờ tắt.

 

Tạ Nguyên- Ảnh: NVCC
Thông tin Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sự kiện tôn vinh, tri ân các nhà báo
Thông tin Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sự kiện tôn vinh, tri ân các nhà báo

Ngày 26/5, lãnh đạo Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, thông tin Trung tâm Báo chí thành phố tổ chức sự kiện tôn vinh, tri ân các nhà báo và kêu gọi tài trợ là giả mạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN