Do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Tháng Công nhân năm 2020 phải dừng một số hoạt động đặc trưng nhưng lại triển khai nhiều nội dung thiết thực nhằm bảo vệ và chăm sóc cho người lao động với phương châm ở đâu có người lao động, ở đó có tổ chức công đoàn.
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động
Vượt qua những trở ngại, khó khăn do dịch bệnh, với chủ đề “Nêu cao tinh thần trách nhiệm phòng, chống dịch COVID-19 - Ổn định năng suất, thu nhập - Bảo đảm an toàn lao động, chế độ chính sách”, trong Tháng Công nhân, các cấp Công đoàn đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, hướng về cơ sở, vì lợi ích đoàn viên, người lao động.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thừa Thiên - Huế Nguyễn Khoa Hoài Hương cho biết, cán bộ Công đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực sự chấm dứt việc hành chính hóa hoạt động Công đoàn bằng cách lắng nghe tiếng nói từ cơ sở khi phân công từng địa bàn cho các cán bộ, gắn với việc đánh giá kết quả công tác hằng năm. "Chúng tôi áp dụng công nghệ thông tin, thay đổi phương thức chỉ đạo hoạt động Công đoàn các cấp qua các nhóm được lập trên Zalo, Facebook nhằm hạn chế văn bản giấy, bảo đảm nội dung chỉ đạo sâu sát cơ sở", bà Nguyễn Khoa Hoài Hương cho biết.
Tổ chức Công đoàn đã sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook, lập các nhóm Cán bộ Công đoàn chuyên trách, Chủ tịch Công đoàn cơ sở ngoài nhà nước; nhóm Cán bộ Công đoàn cơ sở trực thuộc; Facebook Công đoàn Huế; Fan page Công đoàn Thừa Thiên - Huế và đội ngũ công tác viên dư luận xã hội Công đoàn. Do có nhiều hình thức tiếp cận phong phú nên thông tin từ cơ sở, từ đoàn viên và công nhân lao động đến với Công đoàn tỉnh kịp thời, chính xác.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thừa Thiên - Huế, từ "lắng nghe” đến hiện thực hóa mong muốn của đoàn viên, người lao động là một quãng đường dài và khá cam go, bởi trong điều kiện kinh phí của tổ chức Công đoàn hạn hẹp, cán bộ chuyên trách Công đoàn ít.
Chủ tịch Công đoàn khu kinh tế Hải Phòng Phạm Thị Hằng cho rằng, Tháng Công nhân năm 2020 diễn ra đúng thời điểm dịch COVID-10 đang có diễn biến phức tạp. Nhằm bảo vệ sức khỏe cũng như thu nhập cho người lao động, đội ngũ cán bộ công đoàn cần thay đổi phương thức tuyên truyền. Theo bà Phạm Thị Hằng, việc lựa chọn, sử dụng Facebook thành một công cụ tuyên truyền là hoàn toàn hợp lý, tiếp cận với người lao động một cách nhanh nhất, dễ dàng nhất. Trong thời gian từ khi dịch bùng phát tới nay, Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng đã đăng tải trên 130 bài viết trên Fanpage, triển khai 6 cuộc thi, 4 chương trình trực tuyến , thu hút hơn trên 720.000 lượt tiếp cận của công nhân lao động.
Ngoài việc tuyên truyền, chia sẻ kiến thức về phòng chống COVID, Công đoàn Khu đã có nhiều cách thức mới trên Facebook để tiếp cận người lao động như: Triển khai Cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức trực tuyến dành cho công nhân lao động năm 2020” trên nền tảng Messenger với các chủ đề theo từng tuần như: an toàn vệ sinh lao động, an toàn giao thông, tìm hiểu Công đoàn và Bộ luật Lao động…triển khai Chương trình “Tuần lễ sức khỏe - Hezu beat Covid” và cuộc thi “Chống virus - Đẩy Corona” trên trang Fanpage. Cuộc thi đã tiếp nhận trên 250 clip của người lao động đăng ký tham gia.
Chung tay vì người lao động nghèo
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai Tăng Quốc Lập cho biết, hiện Đồng Nai có 718.534 đoàn viên Công đoàn, sinh hoạt trong 2.885 Công đoàn cơ sở. Đời sống vật chất khó khăn và cường độ lao động cao khiến mức hưởng thụ văn hoá của công nhân lao động luôn ở mức thấp.
Những năm qua, Công đoàn các cấp thường xuyên phối hợp với chính quyền, các ngành, giới chủ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có đông công nhân xây dựng các thiết chế văn hoá dành cho công nhân; các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, tham quan du lịch được tổ chức thường xuyên; chủ trương xây dựng khu vui chơi giải trí, thư viện sách công nhân, tủ sách pháp luật được đa số các doanh nghiệp ủng hộ. Bên cạnh đó, các điều kiện cho công nhân về phương tiện làm việc, nhà ở, nhà trẻ, hỗ trợ học tập nâng cao trình độ, hỗ trợ công nhân lao động lúc khó khăn, hoạn nạn cũng được quan tâm thực hiện. Nhiều chủ doanh nghiệp đã chủ động đầu tư xây dựng các thiết chế dành cho người lao động khá quy mô như ký túc xá, nhà trẻ, siêu thị, khu sinh hoạt văn hóa, nhà thi đấu, sân thể thao... đáp ứng nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động.
Đặc biệt, trong Tháng Công nhân 2020, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai tiếp tục triển khai Chương trình “ATM gạo nghĩa tình” và “siêu thị 0 đồng”, nhằm hỗ trợ đoàn viên và người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ông Tăng Quốc Lập cho biết, cùng với sự chung tay hỗ trợ của các mạnh thường quân, đến nay đã có trên 41 tấn gạo và 8 ngàn phần quà là nhu yếu phẩm thiết yếu đã và đang được trao đến cho đoàn viên, người lao động. Ngoài ra, cũng trong Tháng Công nhân 2020, Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục tổ chức chương trình trực tuyến “Điểm hẹn công nhân Đồng Nai”, thăm, tặng quà công nhân bị tai nạn lao động và người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Không chỉ tổ chức công đoàn ở Đồng Nai quan tâm đến người lao động bằng cách phát gạo miễn phí mà hầu hết các cấp công đoàn trên cả nước đều triển khai hoạt động này và được dư luận xã hội đánh giá cao. Hàng nghìn tấn gạo đã đến tay những lao động nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thể hiện sự quan tâm của tổ chức công đoàn và khiến cho Tháng Công nhân năm 2020 càng thêm ý nghĩa.
Đảm bảo an toàn cho người lao động trong sản xuất
Bên cạnh những hoạt động hướng về người lao động với phương châm ở đâu có người lao động, ở đó có tổ chức công đoàn, các cấp công đoàn còn tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong việc đảm bảo đời sống, việc làm cho công nhân lao động. Gần đây,Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức Hội thảo "Giải pháp nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong công tác an toàn, vệ sinh lao động" thu hút sự tham gia của nhiều lãnh đạo tổ chức công đoàn cấp trên cơ sở, các chuyên gia, nhà nghiên cứu...
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định, bảo vệ người lao động trước tiên là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của họ. Đảm bảo an toàn - vệ sinh lao động là công tác vô cùng quan trọng của tổ chức công đoàn và cần được tiếp tục quan tâm sâu sắc hơn nữa trong thời gian tới; tiếp tục phát huy vai trò, đặc biệt là đề xuất những giải pháp, sáng kiến trong công tác đảm bảo an toàn - vệ sinh lao động vì tính mạng, sức khỏe của người lao động.
Trong nhiều năm qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn quan tâm, chú trọng thực hiện công tác bảo hộ lao động; đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho người lao động. Theo các chuyên gia, nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động chủ yếu xuất phát từ sự vi phạm pháp luật về an toàn - vệ sinh lao động của người sử dụng lao động và cả người lao động. Qua các cuộc giám sát, kiểm tra liên ngành, cơ quan chức năng phát hiện và kiến nghị, yêu cầu khắc phục gần 260.000 vi phạm và nguy cơ mất an toàn - vệ sinh lao động, trên 15.000 nội quy, quy trình biện pháp làm việc an toàn được rà soát, bổ sung..
Mới đây nhất, Công đoàn Việt Nam đã quyết định hỗ trợ tiền mặt cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với số tiền 500.000 đồng/người. Nguồn hỗ trợ từ nguồn tài chính tích luỹ tại Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
Đối tượng được nhận hỗ trợ là đoàn viên, người lao động do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 bị mất việc, thiếu việc làm dẫn đến mất thu nhập, thu nhập bằng hoặc thấp hơn mức lương cơ sở theo quy định hiện hành (1.490.000 đồng/tháng), có hoàn cảnh khó khăn tại thời điểm xét hỗ trợ và không nằm trong đối tượng được nhận gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (Nghị quyết số 42/NQ - CP).
Bên cạnh đó, đoàn viên, người lao động đã được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ nhưng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng sẽ được nhận hỗ trợ từ tổ chức Công đoàn gồm: Lao động nữ đang mang thai từ tháng thứ 7 trở lên hoặc nuôi con nhỏ dưới 6 tháng tuổi; người lao động bị mắc bệnh hiểm nghèo đang được điều trị (nằm viện hoặc điều trị ngoại trú); đoàn viên có vợ hoặc chồng hoặc con hoặc bố, mẹ già (đang ở cùng và phải nuôi dưỡng) bị bệnh hiểm nghèo; đoàn viên là người khuyết tật, người bị tai nạn lao động chưa được hưởng trợ cấp...