Theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, tính đến tháng 12/2016 cả nước có gần 800 đô thị, quá trình đô thị hóa nhanh, dân số tăng nhanh, đi kèm với đó là vấn đề ô nhiễm không khí, đất, nước, tiếng ồn..
Hầu hết các đô thị ở nước ta đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng. Trong đó, vấn đề ô nhiễm không khí do bụi vẫn là vấn đề nổi cộm nhất, tỷ lệ mẫu quan trắc TSP (tổng hàm lượng bụi lơ lửng) vượt quy chuẩn Việt Nam (QCVN) luôn lớn hơn 80% số mẫu quan trắc trong năm. Tại một số đô thị lớn như Hà Nội, số ngày có mức độ ô nhiễm bụi PM10 và PM2,5 vượt quá giới hạn của QCVN ở mức khá cao.
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, chỉ số vượt quy chuẩn về bụi ngày càng tăng dần, các ngày vượt quy chuẩn tăng dần trong năm, ô nhiễm không khí tại các đô thị có xu hướng tăng dần theo từng năm.
Cùng với đó, nồng độ NO2 có xu hướng tăng trong các năm gần đây. NO2 có dấu hiệu ô nhiễm và tăng mạnh vào giờ cao điểm giao thông tại khu vực giao thông trong một số đô thị lớn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Riêng khí O3, từng ghi nhận sự gia tăng bất thường ở các đô thị lớn, nay tiếp tục gia tăng.
Theo báo cáo, tại các trạm quan trắc tự động gần đường giao thông, nồng độ O3 đã vượt quá giới hạn quy chuẩn Việt Nam trong khá nhiều ngày trong năm, nhất là các ngày nắng nóng, cao nhất ở thời điểm 12-15h. Đặc biệt, có hiện tượng O3 cao về đêm, trái quy luật.
Một trong những vấn đề được quan tâm hiện nay là vấn đề quan trắc thủy ngân trong không khí, trả lời về vấn đề này, ông Tùng cho biết, thủy ngân được hình thành từ nhiều nguồn, đó là từ hoạt động của núi lửa hay việc đốt than đá tại các nhà máy nhiệt điện. Việc đốt rác cũng tạo ra thủy ngân và chất này có thể lan truyền từ quốc gia này sang quốc gia khác. Thủy ngân bay rất xa, đến nửa vòng trái đất.
Hiện tại, điểm quan trắc đặt tại trạm ở đường Nguyễn Văn Cừ của Bộ TN&MT vẫn tiếp tục lấy mẫu để phân tích. Kết quả phân tích, quan trắc thì Việt Nam con số chưa đáng ngại nên chưa cần phải lo lắng.
Bệnh tật và thiệt hại kinh tế
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người như rối loạn tủy xương, cao huyết áp, tai biến não, rối loạn chức năng thận. Bụi khi thâm nhập vào phổi gây các bệnh về hô hấp, tim mạch...
Các báo cáo những năm gần đây cũng cho thấy, các bệnh ở trẻ em liên quan đến ô nhiễm không khí có xu hướng tăng cao, nổi bật là bệnh suyễn, nhiễm khuẩn đường hô hấp, lao, viêm phổi, bại não, ung thư và các dị tật bẩm sinh...
Tại bệnh viện Nhi đồng 2 ( TP Hồ Chí Minh), trong khi số trẻ mắc bệnh ký sinh trùng, nhiễm trùng nhập viện ngày càng giảm thì bệnh lý hô hấp ở trẻ lại ngày một tăng và chiếm 40-50% số bệnh nhi nhập viện điều trị nội trú tại bệnh viện.
Ô nhiễm không khí cũng kéo theo đó là những thiệt hại kinh tế do phải chi trả các chi phí khám chữa bệnh, chi phí gián tiếp do mất ngày công lao động của cả người bệnh và người chăm sóc. Ước tính tỷ lệ thiệt hại mất khoảng 20% thu nhập.
Theo số liệu ước tính, chi phí khám chữa bệnh về đường hô hấp, thiệt hại kinh tế do nghỉ ốm... đối với dân cư nội thành Hà Nội là hơn 1.500 đồng/người/ngày. Từ số liệu này, với 3,5 triệu dân nội thành Hà Nội, quy đổi tổng thiệt hại kinh tế do mắc các bệnh đường hô hấp là khoảng gần 2.000 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh ô nhiễm không khí, các đô thị cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. Tại các tuyến đường giao thông lớn, ô nhiễm tiếng ồn đều vượt quy chuẩn trong khung giờ từ 6-21h. Ngay cả các đô thị nhỏ ô nhiễm tiếng ồn giao thông vẫn diễn ra.
Theo báo cáo, dù chưa có nhiều nghiên cứu song ô nhiễm tiếng ồn gây tác động xấu tới sức khoẻ và đời sống sinh hoạt của người dân. Tiếng ồn ở mức cao, thường xuyên sẽ gây nên bệnh đau đầu, chóng mặt, trạng thái tâm thần bất ổn và mệt mỏi. Đối với người sống và làm việc ở môi trường có mức độ ô nhiễm tiếng ồn lớn sẽ dẫn đến điếc, rất khó phục hồi lại cơ quan thính giác.
Cùng với đó, ô nhiễm không khí, tiếng ồn còn gây ra tình trạng xung đột giữa doanh nghiệp gây ô nhiễm và dân cư liền kề. Xung đột này thường do các doanh nghiệp gây ô nhiễm thuộc các lĩnh vực như nhiệt điện, sản xuất xi măng, chế biến hải sản hoặc doanh nghiệp có sử dụng hóa chất độc hại. Những doanh nghiệp này có vị trí gần khu dân cư từ đó ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới môi trường, sức khỏe người dân từ đó dẫn tới các xung đột gay gắt như tụ tập, biểu tình, chặn không cho doanh nghiệp hoạt động. Điều này đã diễn ra ở nhiều nơi như Nha Trang, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...