Ô nhiễm môi trường nước và công nghệ xử lý: Bài 1-'Điểm chỉ' những nguồn gây ô nhiễm

Cả nước có trên 2.900 hồ chứa nước thủy điện, thủy lợi đã vận hành, đang xây dựng hoặc đã có quy hoạch với dung tích trên 65 tỷ m3. Ngoài ra còn phải kể đến các sông, mương, rạch, ao, hồ trong phạm vi đô thị và khu dân cư, song hầu hết đang bị lấn chiếm và nguy cơ ô nhiễm nặng.

Chú thích ảnh
Tình trạng ô nhiễm tại chợ hải sản Đồng Hới kéo dài từ nhiều năm nhưng vẫn chưa được các cấp chính quyền xử lý. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Việt Nam có tới 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10km trở lên. Tổng lượng nước mặt trung bình mỗi năm khoảng 830 tỷ m3 tập trung chủ yếu trên 8 lưu vực sông, nhưng 63% nguồn nước mặt có nguồn gốc ngoài ranh giới quốc gia.

Thống kê sơ bộ, cả nước có trên 2.900 hồ chứa nước thủy điện, thủy lợi đã vận hành, đang xây dựng hoặc đã có quy hoạch với dung tích trên 65 tỷ m3. Ngoài ra còn phải kể đến các sông, mương, rạch, ao, hồ trong phạm vi đô thị và khu dân cư, song hầu hết đang bị lấn chiếm và nguy cơ ô nhiễm nặng. Do đó, để giảm tình trạng ô nhiễm nguồn nước đang gia tăng hiện nay, ngoài việc tăng cường quản lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước hiện có, cần phải ứng dụng những công nghệ xử lý nước thải phù hợp và hiệu quả.

Bài 1-“Điểm chỉ” những nguồn gây ô nhiễm

Theo khảo sát, đánh giá của các nhà khoa học thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), những nguồn gây ô nhiễm nguồn nước chủ yếu hiện nay là: nước thải sinh hoạt đô thị và nông thôn; nước thải từ các khu công nghiệp, khu kinh tế và cụm công nghiệp; nước thải bệnh viện; nước thải từ các trang trại chăn nuôi gia súc; nước thải từ các khu chôn lấp chất thải rắn đô thị.

Sức ép của nguồn nước thải ra tăng

Tổng dân số hiện nay 96 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 35 triệu người. Hệ thống thoát nước ở các đô thị Việt Nam đều là hệ thống thoát nước chung và nửa riêng cho cả 3 loại nước thải là: nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất và nước mưa. Tính đến năm 2019, cả nước có 48 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung, với công suất thiết kế 1,3 triệu m3/ngày đêm, nhưng trên thực tế xử lý được 1,102 triệu m3/ngày đêm, chỉ đạt khoảng hơn 30% so với tổng lượng nước thải đô thị sẽ phát sinh vào cuối năm 2020, ước tính từ 3,8-4 triệu m3/ngày đêm.

Trong số 49 khu kinh tế, mới chỉ có 5 khu kinh tế ven biển và 9 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung khoảng 40.000m3/ngày đêm. Hầu hết các khu kinh tế cửa khẩu đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Bên cạnh đó, trong số 283 khu công nghiệp, mới chỉ có 214 khu có hệ thống xử lý nước tải tập trung. 8,7% số cụm công nghiệp có xây dựng hệ thống xử lý nước thải; 54,4% tổng số bệnh viện trong cả nước có hệ thống xử lý nước thải. Các trang trại chăn nuôi lợn tập trung mỗi năm thải ra môi trường khoảng 35 triệu m3 nước thải.

Theo số liệu tổng hợp của Viện Chính sách Tài nguyên và Môi trường, trong số 660 bãi chôn lấp chất thải có tổng diện tích hơn 4.900 ha trên cả nước (chưa kể các bãi chôn lấp nhỏ lẻ tại các xã), số bãi chôn lấp hợp vệ sinh chỉ chiếm 31%; có 132 bãi chôn lấp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải xử lý triệt để.

Chất lượng nước mặt đang suy giảm

Báo cáo của Cục Quản lý Tài nguyên nước đã chỉ ra rằng, chất lượng nước mặt ở thượng nguồn các lưu vực sông của Việt Nam còn tương đối tốt. So với giai đoạn trước năm 2015, chất lượng nước mặt ở một số khu vực đã được cải thiện. Tuy vậy, ô nhiễm và suy thoái chất lượng nước tiếp tục xảy ra ở nhiều đoạn, tập trung ở vùng trung lưu và hạ lưu.

Đặc biệt là các đoạn sông chảy qua khu vực đô thị, khu công nghiệp và làng nghề, nhiều nơi ô nhiễm tới mức nghiêm trọng như lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, lưu vực sông Cầu, lưu vực sông Đồng Nai… Xâm ngập mặn ngày một gia tăng ở các cửa sông tại vùng Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Duyên hải miền Trung làm cho chất lượng nguồn nước ngọt ở những nơi này suy giảm mạnh.

Chú thích ảnh
Người dân lo lắng vì chất lượng nước sạch được cấp cho dân khi bể lắng của Nhà máy nước sạch Bồng Lai, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh nằm ngay cạnh sông Tào Khê. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Môi trường nước tại các sông, hồ khu vực đô thị đang chịu sức ép rất lớn từ các nguồn thải sinh hoạt và hoạt động kinh tế. Tỷ lệ nước thải được xử lý còn khá thấp. Các sông có lưu lượng nước lớn là sông Hồng, sông Thái Bình, sông Đồng Nai có khả năng tự làm sạch tốt, chất lượng nước còn khá ổn định. Tuy nhiên, trên cùng một lưu vực sông, những đoạn chạy qua đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, chất lượng nước bị suy giảm rõ rệt. Trên thực tế, nước ở các ao, hồ, kênh, mương lớn nhỏ ở nội thành trên cả nước hầu hết đều ô nhiễm, do đã biến thành nơi chứa nước thải sinh hoạt và sản xuất. Thực trạng này đã và đang gây tác hại đến sức khỏe của con người, là vấn đề bức xúc hiện nay của toàn xã hội.

Thách thức do biến đổi khí hậu

Các nhà khoa học thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nhận định, những thách thức lớn nhất liên quan tới nước thải và môi trường là: tác động của biến đổi khí hậu đã và đang gây nên hạn hán, lũ lụt, bão, nước biển dâng ngày càng gia tăng về cường độ và rất khó lường và đều tác động đến tài nguyên nước. Nước biển dâng, xâm nhập mặn làm cho nguồn cung cấp nước bị nhiễm mặn. Tác động do bão, lũ nên các vùng trũng thấp bị ngập lụt gây ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm. Hạn mặn dẫn đến cạn kiệt nguồn nước và ô nhiễm nước sông, suối, kênh, rạch như ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. 

Biến đổi khí hậu khiến các nguồn nước cấp cho đô thị thay đổi cả về chất lượng và khối lượng. Các công trình cấp nước và cơ sở hạ tầng phải đối diện với rủi ro về thiệt hại do bão, lũ lụt gây ra. Điều này tác động đến chi phí của các dịch vụ cấp nước, làm thay đổi việc vận hành, bảo trì hệ thống cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải.

Vì vậy, để đảm bảo nguồn nước, ngay từ bây giờ, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương cần tính toán, dự báo, quy hoạch, tổ chức cấp thoát nước và có những giải pháp công trình chứa nước, công nghệ xử lý nước, nước thải phù hợp, theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu theo những kịch bản khác nhau. Mặt khác ưu tiên cấp nước tập trung để thuận tiện cho việc quản lý, vận hành và sử dụng công nghệ xử lý khả thi. Cùng với đó là việc nghiên cứu phát triển và đa dạng hóa loại hình công nghệ nhà tiêu hợp vệ sinh cho các gia đình với giá rẻ, phù hợp từng vùng, miền...

Bài 2-Hiện trạng xử lý các nguồn nước thải 

Văn Hào (TTXVN)
Ô nhiễm môi trường nước và công nghệ xử lý - Bài cuối: Hiện trạng xử lý các nguồn nước thải
Ô nhiễm môi trường nước và công nghệ xử lý - Bài cuối: Hiện trạng xử lý các nguồn nước thải

Nhận rõ tài nguyên nước đã và đang bị suy thoái do các nguồn thải ngày càng gia tăng trong quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa, ngay từ năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2007 về thoát nước đô thị và khu công nghiệp. Tiếp đó là Nghị định 80/2014 về thoát nước và xử lý nước thải được sửa đổi theo Nghị định /2015 Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7957:2008.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN