Ô nhiễm nặng nước đầu nguồn Sông Hồng

Gần đây, dư luận trong nước đặc biệt quan tâm thông tin đầu nguồn sông Hồng, khu vực chảy qua địa phận phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai có hiện tượng dòng sông nổi các dải váng đỏ đậm, mùi hôi rất khó ngửi. Cát dưới đáy sông đoạn gần bờ biến thành màu đen đậm đặc…


Phóng viên báo Tin Tức đã trao đổi vấn đề này với Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Bùi Cách Tuyến (ảnh).

Thưa Thứ trưởng, hiện tượng nước đầu nguồn sông Hồng bị ô nhiễm được báo chí phản ánh đã 2 tuần nay. Nguyên nhân gây ô nhiễm từ đâu và cho đến nay vấn đề được xử lý như thế nào?

Hiện tượng ô nhiễm nước sông Hồng tại khu vực cầu Cốc Lếu, thành phố Lào Cai như báo chí nêu đã xuất hiện từ trước Tết Nguyên đán. Và hiện nay, do lưu lượng nước khu vực nói trên rất thấp nên về mặt tự nhiên khi lưu lượng nước thấp thì khả năng làm sạch tự nhiên giảm. Cụ thể là khi mùa nước cạn kiệt, nước sẽ chảy chậm, chất hữu cơ dưới đáy bùn phân hủy nhanh, bốc mùi hôi, gây khó chịu cho người dân ở trong vùng bị ô nhiễm.

Về tình trạng ô nhiễm nói trên, trước khi báo chí phản ánh, Bộ TN&MT cũng đã phát hiện ra và đã liên hệ với chính quyền địa phương bên phía Trung Quốc để tìm hiểu vấn đề xả thải tại lưu vực sông phía Trung Quốc, nằm ở phía trên của Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phía Trung Quốc chưa phản hồi, do đó hai bên chưa tổ chức được cuộc làm việc chung để nhận định nguyên nhân gây ô nhiễm. Bộ TN&MT vẫn đang tích cực liên lạc với phía bạn để giải quyết vấn đề này.

Nghĩa là cho đến nay, chúng ta vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ô nhiễm và mức độ ô nhiễm nước sông Hồng tại khu vực nêu trên, thưa Thứ trưởng?

Ở Lào Cai, Tổng cục Môi trường cũng đã có trạm quan trắc để giám sát chất lượng của nước từ phía Trung Quốc đổ về. Nhưng do thiếu kinh phí nên tất cả những chỉ tiêu phân tích tại trạm ở Lào Cai chỉ có giới hạn (5 mẫu), chưa đánh giá được cụ thể mức độ ô nhiễm. Để xác định rõ nguyên nhân và mức độ ô nhiễm phải phân tích khoảng 18 chỉ tiêu.

Nước sông Hồng tại địa phận phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai đang bị ô nhiễm. Ảnh: L.M.H


Về thực trạng môi trường, qua theo dõi của Cục Kiểm soát môi trường thì nói chung nước sông từ Trung Quốc chảy qua mình, các chỉ tiêu ô nhiễm như BOD, một số kim loại TSS (tổng chất rắn hòa tan) đều cao hơn so với tiêu chuẩn của Việt Nam.

Để xác định rõ nguyên nhân vụ việc trên, chiều 24/2, Bộ TN&MT đã cử đoàn công tác cùng các chuyên gia Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường mang máy móc, thiết bị lên Lào Cai để lấy mẫu phân tích theo các chỉ tiêu.

Bộ TN&MT đã báo cáo vụ việc trên với Chính phủ chưa, thưa Thứ trưởng?

Hiện nay vụ việc đang trong phạm vi giám sát của Tổng cục Môi trường. Đây là việc mới phát sinh, từ trước tới nay chưa xảy ra như tình trạng nêu trên.

Như vậy là chúng ta phải chờ kết quả của đoàn công tác. Giả sử trong trường hợp đúng là nước sông Hồng bị ô nhiễm nặng do phía Trung Quốc gây ra thì chúng ta sẽ xử lý ra sao, thưa Thứ trưởng?

Trước mắt mình phải xét nghiệm đã, nếu vụ việc là nghiêm trọng thì chúng ta mới bắt đầu có động thái. Trong trường hợp vụ việc ô nhiễm là nghiêm trọng và xuất phát từ phía Trung Quốc, Bộ TN&MT sẽ báo cáo lên Chính phủ và đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Ngoại giao có ý kiến với phía bạn để cùng xử lý vấn đề.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Xuân Hương (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN