Theo ghi nhận của phóng viên, tại vị trí đường dẫn hai đầu cầu Chương Dương đều có biển chỉ dẫn cụ thể phương tiện được phép qua cầu theo làn quy định, nhưng do lưu lượng phương tiện dồn ứ đi theo hướng nội đô sang quận Long Biên và ngược lại luôn gia tăng lớn vào mọi thời điểm trong ngày, nhất là giờ cao điểm, nên lực lượng CSGT thường xuyên phải phân luồng cho phép ô tô các loại và xe gắn máy trộn dòng để hạn chế ùn tắc.
Cầu Chương Dương được đưa vào khai thác từ năm 1985, với thiết kế 4 làn xe. Hai làn ô tô trong cùng rộng 7 m/làn cho xe chạy hai chiều, hai làn cánh gà hai bên rộng 3,5 m/làn dành cho xe máy. Vào giờ cao điểm qua cầu sáng từ khoảng 7 - 8 giờ 30 phút, chiều từ 5 - 6 giờ 30 phút, các loại ô tô, xe gắn máy trộn dòng tham gia giao thông tại khu vực đường dẫn lên hai đầu cầu lớn, thường dẫn đến tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.
Từ năm 2003 đến nay, ngành GTVT Hà Nội bắt đầu cho ô tô các loại đi vào làn xe gắn máy, để giải tỏa ùn tắc, mặc dù mỗi đầu cầu có biển báo cấm xe đạp, người đi bộ và hạn chế taxi vào giờ cao điểm. Làn dành cho xe máy có biển cấm xe tải, xe khách, xe 9 chỗ trở xuống hoạt động.
Nhiều người tham gia giao thông qua cầu phản ánh, việc cho các loại ô tô đi vào làn xe gắn máy, chiếm ¾ làn đường, khiến xe gắn máy phải đi bám sát lan can cầu khiến phương tiện ùn ứ thêm, nếu có va chạm giao thông xảy ra, ngay lập tức ùn tắc kéo dài, chưa kể tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông giữa ô tô và xe gắn máy. Do vậy, ngành chức năng thành phố cần phân luồng đúng thiết kế cầu.
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ Đội CSGT số 1 cho rằng, giải pháp cho ô tô đi vào làn xe gắn máy tạm thời hiện nay giải quyết được ùn tắc, nhưng gây khó khăn cho việc phân luồng từ xa, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Để giữ đúng thiết kế cho phép, Sở GTVT Hà Nội nên nghiên cứu tổ chức lại giao thông cầu hợp lý và quy định bắt buộc một số phương tiện lưu thông qua cầu Vĩnh Tuy, Nhật Tân, nhằm giảm tải lưu lượng xe qua cầu Chương Dương.
Chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cũng cho rằng, với tốc độ gia tăng phương tiện quá nhanh hiện nay, việc cho phép ô tô đi vào làn xe gắn máy là để giải quyết bài toán tình thế. Nhưng về lâu dài phải tuân thủ đúng thiết kế, để đảm bảo an toàn giao thông.
Theo Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (Bộ GTVT), cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng trên quốc lộ 1A tại km170+200, nối trung tâm quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên và là cửa ngõ giao thông huyết mạch của Hà Nội. Cầu dài 1.230 m gồm 21 nhịp: 11 nhịp thép; 10 nhịp bê tông. Theo thiết kế, đường cánh gà hai bên cầu chỉ dành cho xe gắn máy, mặt đường và hệ thống lan can sắt được xây dựng chỉ đảm bảo cho xe gắn máy lưu thông an toàn. Việc cho xe ô tô đi vào xe gắn máy là không đúng thiết kế.
Tham gia giao thông trên cầu, nhất là vào giờ cao điểm, các chiến sĩ lực lượng CSGT Đội 1 (quận Hoàn Kiếm), Đội 5 (quận Long Biên) chốt trực phân luồng hai đầu cầu luôn trong tình trạng phải căng sức giải tỏa, để giảm tải cho 2 làn ô tô ở giữa trước mật độ phương tiện tăng cao, thậm chí phải cho cả xe gắn máy đi vào làn ô tô.
Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hàng năm, Sở GTVT đều duy trì phối hợp với Công an thành phố nghiên cứu, triển khai các giải pháp tổ chức lại giao thông theo yêu cầu thực tế. Việc tổ chức cho ô tô đi vào làn xe gắn máy ở hai bên là do thời điểm tiếp nhận cầu Chương Dương (năm 2003), từ khu vực Gia Lâm, Long Biên sang nội đô chỉ có mỗi cầu Chương Dương, nên mật độ phương tiện rất đông. Hai làn ô tô thường xuyên quá tải, nên liên ngành GTVT - Công an Hà Nội đã thống nhất đề xuất và được UBND thành phố cho phép ô tô được đi vào làn xe gắn máy ở cả hai bên.
Do vậy, để đảm bảo an toàn giao thông, các phương tiện lưu thông qua cầu cần tuyệt đối tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, di chuyển theo đúng làn đường, chủ động nhường nhịn nhau tránh làm tăng áp lực giao thông. Sở GTVT Hà Nội đang nghiên cứu phương án phân luồng từ xa, bắt buộc một số phương tiện phải đi qua cầu Vĩnh Tuy, Nhật Tân, Thanh Trì để vào nội đô.