“Ốc đảo” Xuân Giang 2 trước nguy cơ xóa sổ

Nằm cạnh thị trấn Xuân An và thị trấn Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và cũng khá gần cầu Bến Thuỷ, nhưng đến ngôi làng này, chúng tôi chứng kiến một khung cảnh buồn, vắng vẻ đến không ngờ. “Ốc đảo” Xuân Giang 2 (xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân) đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ bởi sự hao hụt từng ngày cả về dân số lẫn đất đai.


Đi lại khó khăn


Xuân Giang 2 là một hòn đảo nhỏ nằm giữa dòng sông Lam, với diện tích khoảng chừng 4km2. Phương tiện duy nhất để đến được với xóm Xuân Giang 2 là đò. Mọi giao lưu, trao đổi hàng hoá, đi lại với bên ngoài đều phụ thuộc vào con đò cũ nát đã 6 năm chở khách qua sông này. Anh Trần Đình Minh - người lái đò, chia sẻ: “ Mùa này còn đỡ, mùa mưa lũ mới đáng sợ. Cứ mỗi độ lũ về là chúng tôi lại thấp thỏm lo âu, không biết con đò này có đủ sức chống đỡ nổi không”.

Gặp các em học sinh vừa tan học về trên bến đò, mới phần nào thấm thía được những vất vả mà các em đang cố gắng để được tiếp tục đến trường. Để đến trường, mỗi em phải sắm 2 chiếc xe đạp, một chiếc đi từ nhà đến bến đò còn một chiếc đi từ bến đò bên kia sang trường. Mỗi năm các em phải đóng một khoản tiền 150.000đ cho các gia đình ở bên kia sông để gửi xe, chưa kể khoản tiền gửi xe ở trường. Em Nguyễn Thị Hồng, học sinh lớp 9 cho biết: “Những hôm mưa to, gió mạnh, chúng em hầu như phải nghỉ học, bố mẹ đều không muốn cho đi học, vì như thế rất nguy hiểm. Sắp bước vào mùa mưa lũ, nghỉ học thường xuyên làm chúng em có cố gắng cũng không theo kịp bài được”. Nhìn con đò cũ nát oằn mình chở mỗi ngày vài chục lượt khách qua sông, chúng tôi không khỏi ái ngại về nguy cơ mất an toàn của nó.

Nằm bên dòng sông Lam và được thừa hưởng phù sa màu mỡ của dòng sông bồi đắp nên từ lâu, Xuân Giang 2 được coi là vựa lạc. Thế nhưng, hàng hoá sản xuất ra được đều bị thương lái thu mua với giá thấp hơn bên ngoài, cũng chỉ vì đi lại khó khăn. Sản phẩm làm ra đã khó, tiêu thụ lại càng khó hơn và hay bị làm giá. Người dân ở đây luôn phải chịu thiệt đủ đường, khi hàng hoá bên ngoài vào được với xóm cũng bán ra với giá đắt hơn bình thường. Cả xóm có một cái “chợ” nhỏ, hàng hoá vô cùng ít. Ở ngôi làng này, muốn xây dựng được một ngôi nhà, hay công trình khang trang là rất khó vì chi phí vận chuyển lớn.


 

Con đò này là cầu nối duy nhất giữa làng với thế giới bên ngoài. Ảnh: baohatinh.vn


Dân số ngày càng ít

Đi lại khó khăn như vậy, nên 20 năm trở lại đây, người dân ở làng đã lần lượt kéo nhau di cư đi nơi khác. Trưởng thôn Nguyễn Văn Phong cho biết: “Những năm 80, dân số trong làng còn rất đông đúc, khoảng gần 2.000 người, nhưng sau cơn lũ lịch sử xảy ra vào năm 1988 và đặc biệt là thời điểm cầu Bến Thủy được hoàn thành đưa vào hoạt động, thì việc đi lại bằng tàu thuyền không còn được sôi động như xưa, dân bắt đầu ồ ạt kéo nhau di cư lên bờ, chủ yếu vào các tỉnh phía Nam làm ăn. Chỉ trong vòng 3 năm (1988 đến 1991), dân số làng đã giảm nhanh chỉ còn khoảng 1.500 người”. Thanh niên làng lớn lên trải qua những vất vả, khó nhọc của tuổi thơ trên con đường đến trường, nên hầu như không ai nuôi ý chí ở lại làng. Học xong cấp 3, họ đều đi học hoặc đi làm ăn xa và xây dựng gia đình ở vùng đất mới, ít người quay trở lại làng. Cả xóm có chưa đến chục thanh niên.

Anh Phong cũng cho biết thêm: “Hiện tại xóm có 222 hộ với 850 nhân khẩu. So với năm 2011, giảm 18 hộ, còn so với đầu năm 2012 thì đã giảm 6 hộ. Thời điểm này có 5 hộ đang bán nhà để chuyển đi nơi khác. Dân số làng bây giờ chỉ còn một nửa so với trước. Nguyên nhân khiến cho dân bỏ làng đi nơi khác chính là vì đi lại khó khăn”.

Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng trong xóm, anh Phong chia sẻ: “Ở xóm này bây giờ, đi đâu cũng chỉ gặp người già, còn thanh niên thì rất ít”. Cuộc sống giữa bốn bề mênh mông sông nước, khiến con người ta phải vượt sông mưu sinh. Cũng vì thế, mà ngôi làng này thời gian trước còn được nổi danh vì câu chuyện 10 năm không có đám cưới. Cô Nguyễn Thị Thìn, cộng tác viên dân số và cũng là y tế thôn ở đây cho biết: “Đám cưới một năm trở lại đây cũng có, nhưng là con cháu lập gia đình ở xa, về nhà liên hoan rồi lại kéo nhau đi, không có đám cưới của đôi vợ chồng nào xong là ở lại làng cả”. Làm công tác dân số ở đây đã gần 15 năm, xóm hầu như luôn được tuyên dương trong phong trào dân số, kế hoạch hoá gia đình, nhưng với cô Thìn điều đó ở Xuân Giang 2, không phải là một chuyện vui.

Cần sự hỗ trợ từ chính quyền các cấp

Xóm Xuân Giang 2 đang đối mặt với nhiều khó khăn, không chỉ hao hụt về dân số, mà quỹ đất của làng cũng đang bị thụt giảm nghiêm trọng bởi nạn "cát tặc". Theo anh Phong trưởng thôn, mỗi ngày có khoảng có 5-6 chiếc thuyền thay nhau xuống hút cát, ban đầu chúng chỉ hút ở lòng sông và những khu vực xa làng, nhưng bây giờ chúng cho thuyền bám sát bờ sông hút. Cứ sáng ra, người dân nơi đây đều nghe tiếng máy hút cát nổ, tàu này đi thì tàu kia đến. Xóm đã nhiều lần báo cáo lên chính quyền địa phương, nhưng công an xã chỉ xuống giải quyết được vài lần rồi đâu lại vào đấy. Lực lượng ít, nên không thể giải quyết triệt để. Với sự đào hút của "cát tặc" cộng với sự tàn phá của những con sóng dữ dòng sông Lam, mỗi năm ước tính làng bị khoét sâu trung bình 100m đất.

Khó khăn như vậy, nhưng người dân và con em ở đây vẫn không được hưởng đãi ngộ nào dành cho vùng khó khăn. Những người dân nơi đây vẫn chỉ được hưởng chế độ khu vực 2 nông thôn như những hộ dân khác bên kia sông. Thiết nghĩ, ở một vùng khó khăn như vậy, xóm Xuân Giang 2 cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, đầu tư đúng mức của chính quyền, để người dân nơi đây có thể yên tâm “an cư, lạc nghiệp” trên chính mảnh đất quê hương mình.


Hoàng Ngà

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN